Đại biểu Quốc hội: Nguồn gốc sâu xa của tăng giá điện có phải do độc quyền?

Thời sựThứ Năm, 30/05/2019 09:19:00 +07:00

"Phải chăng nguồn gốc sâu xa là độc quyền, không có cạnh tranh trong mua bán, truyền tải điện", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi.

Việc tăng giá điện gây bức xúc dư luận tiếp tục được các đại biểu Quốc hội đặt vấn đề trong phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhận định, Bộ Công Thương có tờ trình báo cáo gần 20 trang với 200 phụ lục, rất nhiều con số, lập luận để khẳng định Bộ làm đúng khi tăng giá xăng dầu, giá điện.

Tuy nhiên, dẫn chứng như bản thân là bác sĩ, vị đại biểu An Giang cho rằng nếu đưa ra một phác đồ đúng mà bệnh nhân không tốt lên thì phải xem xét lại, nhiều khi lý thuyết là đúng nhưng khi triển khai áp dụng lại sai ở mắt xích nào đấy. Lúc này, cần dừng lại xem xét, không bảo thủ, duy ý trí, che giấu sai lầm.

nguyen lan hieu

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu. 

“Vậy nên, khi rất nhiều người dân phản ứng, bức xúc, Bộ Công Thương phải xem xét, rà soát, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát, tuyên truyền. Phải chăng nguồn gốc sâu xa là độc quyền, không có cạnh tranh trong mua bán, truyền tải điện”, ông Hiếu đề nghị. Đồng thời, ông đặt vấn đề phải chăng tình trạng trên là do sự độc quyền.

Chung lo lắng, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Vũng Tàu) cho rằng việc giá điện tăng 8,36%, thuế môi trường với xăng cũng tăng từ 1/1/2019 sẽ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng và gây hiệu ứng không nhỏ tới giá các mặt hàng khác trên thị trường.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) đề nghị Chính phủ sớm có báo cáo đánh giá việc tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến đời sống kinh tế, xã hội, cuộc sống của nhân dân. Bởi việc tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, từ đó làm tăng giá thành sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá trong nước, làm giảm sức mua của người dân, gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát. Ở một khía cạnh khác, trong khi lương không tăng, hàng loạt chi phí thiết yếu đều tăng, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Từ những lập luận trên, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề nghị Quốc hội phải sớm đưa kinh doanh điện vào diện phải kiểm toán Nhà nước.

Trước đó, ngày 22/5, liên quan tới thực trạng các đại biểu Quốc hội và người dân nhiều năm qua vẫn đặt nghi vấn về tính minh bạch của giá điện, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành khẳng định việc tăng giá điện là minh bạch. 

"Tất cả các thông tin, thông số như tăng bao nhiêu, số lần tăng, các cuộc họp về điều hành giá đã được cung cấp đầy đủ và rõ ràng trong báo cáo của Chính phủ".

Chủ tịch Dương Quang Thành nhấn mạnh thêm rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn làm đúng theo lộ trình Thủ tướng chỉ đạo về tăng giá điện.

Chiều 24/5, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)... công bố quyết định thanh, kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, thu tiền điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

Dự kiến trong 35 ngày, đoàn thanh tra sẽ kiểm tra, xác minh toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện từ 20/3 và phương pháp tính giá, thu tiền điện...

Duy Thành
Bình luận
vtcnews.vn