Đại biểu Quốc hội: Mạnh dạn phân quyền để trưởng đặc khu có quyền ra quyết sách phát triển

Thời sựThứ Tư, 23/05/2018 06:37:00 +07:00

Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng khi đã tin tưởng quá trình bổ nhiệm người đứng đầu đặc khu, chọn được người có tài, có đức, có tâm thì nên mạnh dạn trao quyền cho trưởng đặc khu.

Liên quan đến Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, trả lời VTC News, TS Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng cần mạnh dạn giao quyền lực của trưởng đặc khu cũng như các cơ chế cho khu vực đặc biệt này.

- Phải chăng chúng ta đang loay hoay hạn chế quyền lực của người đứng đầu đặc khu?

Đó đúng là vấn đề đang bàn, để làm sao cho trưởng đặc khu có thẩm quyền nhất định trong việc thu hút đầu tư, quyết định các quyết sách đầu tư phát triển đặc khu đó.

Dĩ nhiên, phải rất cân nhắc xem quyền hạn của trưởng đặc khu như thế nào, cơ chế phối hợp đối với đặc khu, với tỉnh, với các cơ quan chính quyền Trung ương. Cái đó cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Song tôi nghĩ, Đảng, Nhà nước đã có những quyết sách rất kỹ trong quá trình tuyển chọn người đứng đầu và các cấp phó. Và khi đã chọn được người có tài, có đức, có tâm thì nên mạnh dạn phân cấp, phân quyền để họ có quyền chủ động đưa ra quyết sách giúp đặc khu đó phát triển.

tran anh tuan

 Đại biểu Trần Anh Tuấn.

- Dẫu vậy, dường như thể chế cho đặc khu không có gì đặc biệt, mặc dù có sự phân cấp mạnh hơn?

Chúng ta đang trong cơ chế thí điểm. Việc xây dựng cơ chế tổ chức bộ máy chính quyền của các đặc khu cũng thuộc dạng cơ chế thí điểm.

Vì thí điểm nên cần rất thận trọng, do điều kiện hệ thống về pháp luật, trong đó có luật chính quyền địa phương mới, các luật liên quan đến ngân sách đầu tư công… đều có sự giao thoa nhất định. Nếu quá vênh với các luật này, sẽ không ổn cho quá trình quản lý.

 
Không phải vì thất bại mà chúng ta không dám làm. Chúng ta nhìn lại những thất bại đó, khắc phục những điểm gây ách tắc, thất bại, để đi lên. Không phải vì thất bại đó mà chúng ta thụt lùi, nản chí.

Đại biểu Trần Anh Tuấn

Do đó, khi xây dựng chính quyền, chúng ta phải xem xét tất cả các khía cạnh của các luật có liên quan. Ở đây, cho thí điểm, cơ chế bộ máy chính quyền, chúng ta phải có khác biệt để tạo bước đột phá, nhưng trong thời gian thí điểm ban đầu, cần phải thận trọng. Nếu khác biệt quá, các luật có độ vênh nhất định, rất khó trong quá trình vận hành, điều chỉnh, quản lý.

Những bước đi về tổ chức bộ máy chính quyền khá thận trọng. Đây là cơ chế thí điểm, đặt vào quá trình vận hành, có thể sẽ có phát sinh. Từ đó sẽ có những điều chỉnh, rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn và đảm bảo tính an toàn của hệ thống.

- Theo ông, có nên bằng mọi cách đưa vào Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt này không?

Quan điểm chung của các Đại biểu Quốc hội là vì sự phát triển chung của Quốc gia và sự an toàn an ninh Quốc gia đặt ra trong quá trình phát triển.

Quan điểm riêng của tôi là: "Chúng ta phải làm, bắt buộc phải làm".

Nếu bàn quá nhiều mà không thực thi, không làm thì sẽ bị tắc. Giống như các dự án phát triển về đô thị như metro. Một đô thị chưa đến 1 triệu dân đã có hệ thống metro rồi. Giờ mình có đô thị 10 triệu dân mới bắt đầu làm. Thế là quá chậm. Chúng ta đi sau của quá trình phát triển.

Đặc khu, chúng ta phải làm, mạnh dạn làm. Dĩ nhiên, phải cân nhắc quá trình quản lý để an toàn về an ninh, quốc phòng, đảm bảo chủ quyền Quốc gia.

Chúng ta phải mạnh dạn làm, đưa vào các cơ chế thí điểm, rút kinh nghiệm. Ngay từ đầu, nhân dân, Quốc hội, Đảng, Nhà nước giám sát rất chặt chẽ trong quá trình thực thi nhiệm vụ để tạo động lực đòn bẩy phát triển.

Nếu cứ cân nhắc bàn hoài, sẽ chậm mất nhiều cơ hội, đặc biệt trong hội nhập phát triển mà cứ mất cơ hội thì nền kinh tế sẽ tiếp tục bị thụt lùi so với các nước trong khu vực.

- Nhưng thực tế trên thế giới cho thấy sau 20 năm phát triển, đặc khu thành công thì quá ít còn thất bại lại quá nhiều?

Không phải vì thất bại mà chúng ta không dám làm. Chúng ta nhìn lại những thất bại đó, khắc phục những điểm gây ách tắc, thất bại, để đi lên. Không phải vì thất bại đó mà chúng ta thụt lùi, nản chí.

- Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, dành 1,5 triệu tỷ đồng cho 3 đặc khu thì có khả quan hay không?

Chúng ta phải cố gắng. Đây là những cực phát triển rất quan trọng, là đòn bẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới. Mặc dù nguồn đầu tư rất lớn nhưng nó có tính phân kỳ. Nó cũng khơi dậy các nguồn đầu tư trong và ngoài nước thông qua luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Tôi nghĩ nó thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là tiền đề phát triển. Đừng quá lo lắng, quan tâm về vốn đầu tư mà e ngại, chần chừ phát triển.

Chúng ta cần quyết liệt thực thi ngay bằng nhiều hình thức khác nhau để thu hút đầu tư. Dĩ nhiên, phải cân nhắc rất kỹ, thu hút vào ngành nào, đối tượng nào, quy mô ra sao để phù hợp với từng giai đoạn phát triển khác nhau của các đặc khu. Để làm sao thu hút những ngành có tính lan toả, có tính đòn bẩy, phát triển thành các cực phát triển mạnh cho nền sản xuất quốc gia.

Đó là vấn đề chúng ta cần phải tổ chức thực hiện cho tốt. Nếu cứ lấn cấn chuyện nguồn lực thì sẽ rất chậm, rất dễ bị tụt hậu trong thời gian tới.

QUOTE_2Artboard_3 4

 Thâm Quyến thành công với mô hình đặc khu tại Trung Quốc. (Ảnh: Zing.vn)

- Chính sách ưu đãi cho 3 đặc khu đã mang tính thử nghiệm thể chế mới, vượt trội hay chưa, hay chỉ mang tính ưu đãi phát triển một ngành nghề nào đó như casino, mại dâm?

Theo nguyên tắc thị trường, ngành nào đòi hỏi yêu cầu của thị trường cần, nhu cầu cần thì có thể chúng ta xem xét cân nhắc phát triển. Dĩ nhiên, về khía cạnh an ninh, an toàn trật tự, chúng ta phải có biện pháp quản lý cho tốt những việc đó. Nếu với những ngành thực sự gây hại cho xã hội thì phải hạn chế, kiểm soát rất nhiều.

Tuy nhiên, ta phải tôn trọng thị trường. Tại sao các nước trong khu vực phát triển được mà mình không làm được? Mình phải đặt câu hỏi, nêu những vấn đề đó ra, để trong quá trình phát triển, khâu quản lý, tổ chức thực hiện, nếu yếu thì phải hoàn thiện.

Những vị trí tiềm năng thế mạnh, mang tính chiến lược, cần được đặt đúng trong những trục tạo đòn bẩy, sức bật phát triển kinh tế. Nếu chung ta lấn cấn, đòi hỏi rất nhiều thời gian bàn bạc, chuẩn bị, thì cơ hội sẽ mất đi đặc biệt trong xu thế thế giới hiện nay mang tính toàn cầu và xu hướng bảo hộ đang được đẩy lên.

Ví dụ như Mỹ, chính quyền mới thực hiện chính sách bảo hộ rất nhiều. Lãi suất có thể được đẩy lên, rồi trái phiếu trước kia họ mua, giờ họ bán ra để thu hút ngược đầu tư trở về, thúc đẩy kinh tế.

Tất nhiên, chúng ta cân nhắc thận trọng và có những biện pháp đảm bảo an toàn an ninh quốc gia. Hoạt động kinh tế trong đặc khu phát triển tốt, sức bật kinh tế sẽ mạnh lên, tăng năng lực sản xuất của quốc gia trong thời gian tới.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Việc thành lập 3 đặc khu kinh tế hiện nay là một sự đặt cược lớn

Chúng ta chủ trương là không sai. Cũng như chủ trương phát triển điện hạt nhân, cao tốc Bắc Nam không sai nhưng vấn đề của chúng ta là có khả năng thực hiện, có khả năng quản lý và làm cho dự án đó thành công hay không?

Chúng ta phải đầu tư vào ba đặc khu trên 1 triệu tỷ đồng, Nhà nước phải gánh một phần còn lại là đầu tư tư nhân. Nhưng đầu tư tư nhân không khéo thì lại thành lệ thuộc vào họ.

truongtrongnghia

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. 

Thậm chí, nếu không khéo, sau này, có vấn đề gì, họ lại kiện chúng ta. Một số chuyên gia Việt Nam gọi đây là một sự đặt cược lớn. Họ chứng minh rằng tỉ lệ thất bại của các đặc khu kinh tế trên thế giới nhiều hơn là thành công. 

Sự thành công của đặc khu còn phụ thuộc vào năng lực quản lý rất lớn, vì phải xử lý các mối quan hệ với các thế lực tài chính, các nhóm lợi ích. Xử lý các mối quan hệ ấy rất phức tạp nên nó làm méo mó đi chủ trương đúng đắn ban đầu của chúng ta, cuối cùng trở nên thất bại.

Một số dự án đang trùm mền đắp chiếu mới là nhỏ thôi. Ba đặc khu này, nếu tính là ba dự án thì cực lớn và nó liên quan tới cả trăm ngàn dân ở các vùng miền, liên quan đến rừng vàng, biển bạc của chúng ta, đến các di sản thiên nhiên đang bảo tồn, chúng ta đã tính hết chưa.

Tôi xin thưa là đã có những quốc gia đã phải trả giá cho việc này, đặc biệt hiện nay, nhiều nước lớn đang sử dụng quyền lực mềm. 

Ba đặc khu nếu không hướng vào công nghệ 4.0 mà chỉ đi theo lối mòn, theo cách như phát triển casino, thu hút đầu tư theo dạng ưu đãi dễ dãi thì lại không ổn. 

Đại biểu Bùi Văn Phương: Trao quyền phải gắn liền với trách nhiệm

"Sau nhiều lần thảo luận, luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đã hoàn thành căn bản, các ý kiến đại biểu băn khoăn đã được tiếp thu và chỉnh sửa. Xây dựng các đặc khu phát triển dựa trên lợi thế được thiên nhiên ban tặng, phát triển đặc khu để lan tỏa ra khu vực.

Screen Shot 2018-05-22 at 11.56.01 AM 3

Đại biểu Bùi Văn Phương. 

Cũng sau nhiều lần góp ý, chỉnh sửa, hiện những chính sách ưu đãi đã được điều chỉnh có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho nhà đầu tư chiến lược, những nhà đầu tư bỏ vốn lớn, chính sách này sẽ khiến họ yên tâm ở lại đầu tư. Ngoài ra, các đặc khu cũng có chính sách ưu tiên cho những lĩnh vực cần ở Việt Nam như công nghệ cao.

Về mô hình lãnh đạo ở đặc khu, lúc đầu không có hội đồng mà chỉ có UBND. Nhưng không tổ chức hội đồng thì lại vi hiến, nhưng theo tôi cách thức vận hành mới là quan trọng, hoạt động mà chỉ mang tính hình thức thì cũng không được.

Hội đồng không quá 15 thành viên, làm việc theo hướng chế độ chuyên viên, mỗi người phụ trách 1 linh vực chuyên sâu, mặt tích cực là có người chịu trách nhiệm, nếu đưa ra cả ban thì lại không hay. Tổ chức hội đồng như thế sẽ có bước tiến về quản lý.

Quyền của người chủ tịch đặc khu sẽ nhiều quyền, có quyền thuộc Thủ tướng, có quyền thuộc chủ tịch UBND tỉnh, giờ sẽ phân cho chủ tịch đặc khu. Nhưng trao quyền phải gắn liền với trách nhiệm. Xưa nay bộ máy công kềnh, nhiêu khê, dẫn đến nhiều vấn đề nhũng nhiễu, giờ giao quyền như thế chắc chắn sẽ nhanh hơn.

Có ý kiến sợ giao nhiều quyền như thế cho chủ tịch đặc khu sẽ xảy ra tình trạng lạm quyền. Tôi không sợ vậy, quan trọng là cơ chế vận hành, cơ chế minh khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đây chính là mấu chốt tránh việc lạm quyền, tham nhũng.

Ví dụ khi người dân có ý kiến thì phải giải trình về vấn đề đó. Không làm sai được vì phải công khai.

Lâu nay nhiều vấn đề xảy ra thiếu sót do chúng ta bỏ hẳn công khai, minh bạch. Việc làm có mấy người biết, đấy chính là nhóm lợi ích. Ví dụ hợp đồng BOT sao lại phải bảo mật. Nếu không làm gì khuất tất sao phải giấu.

Tôi cho rằng, bộ máy giao quyền chịu trách nhiệm cá nhân chắc chắn sẽ không lo các vấn đề tham nhũng, lạm quyền".

Phạm Thành - Nguyễn Yến
Bình luận
vtcnews.vn