Đại biểu Quốc hội lo 'bong bóng' chứng khoán, bất động sản

Đầu TưThứ Ba, 09/11/2021 11:39:18 +07:00
(VTC News) -

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đặt câu hỏi có hay không việc nhiều nhà đầu tư vay vốn ngân hàng, rồi lại quay vòng đổ tiền vào chứng khoán, bất động sản?

Sáng 9/11, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ hai của chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022.

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nêu ý kiến bàn luận về kết quả thu chi ngân sách. Bà Thơ cho biết thu ngân sách Trung ương hụt thu hơn 29.000 tỷ đồng, nhưng trong tổng thu ngân sách lại tăng trưởng. Bà Thơ đặt câu hỏi ngân sách tăng trưởng ở đâu?

“Thực tế cho thấy một trong những nội dung tăng trưởng đột biến năm nay là hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai. Có hay không nhiều nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng, lấy tiền trong hệ thống tín dụng ra, rồi lại quay vòng tiếp. Vòng mới là tài sản, còn bong bóng là chứng khoán, bất động sản?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Theo đại biểu, việc tăng thu ngân sách trong mảng đầu tư tài chính này không bền vững, tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn và trung hạn cao. Do đó, bà đề nghị Chính phủ có sự đánh giá toàn diện về vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội lo 'bong bóng' chứng khoán, bất động sản - 1

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội; Ngân sách Nhà nước và công tác phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh VGP).

Gần đây, thị trường chứng khoán liên tục xuất hiện các phiên đạt thanh khoản tỷ USD, cơn sốt mua bán cổ phiếu trong thời dịch ngày càng lan rộng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đã mở mới hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn tổng số tài khoản đã được nhóm này mở trong cả 4 năm 2017 - 2020 cộng lại.

Trong khi đó, thị trường bất động sản Hà Nội cũng liên tục chứng kiến những cơn sốt đất tại nhiều địa phương từ Bắc vào Nam. Chuyên gia cảnh báo rằng, trong khi các ngành sản xuất kinh doanh trì trệ, thì việc thị trường bất động sản “sốt nóng” là tín hiệu không tốt. Cái gốc của nền kinh tế vẫn là sản xuất kinh doanh, chứ không phải bất động sản. Dòng tiền đổ vào lĩnh vực này quá lớn sẽ làm giảm nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh. Dù bất động sản có vai trò nhất định trong nền kinh tế, giúp cho tăng trưởng trong thời gian ngắn nhưng đây không phải là ngành cơ bản mà nền kinh tế có thể dựa vào để phát triển lâu dài. 

Tại hội trường, bàn về kế hoạch phát triển kinh tế năm 2022, Đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến.

Theo đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk), Chính phủ cần sớm đầu tư khu kinh tế cửa khẩu để phát triển kinh tế khu vực biên giới, tăng sức chống chịu và khắc phục những khó khăn của khu vực Tây Nguyên về vị trí địa lý, cách xa cảng biển…

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đề nghị Chính phủ cần có kịch bản căn cơ, phương án phục hồi, phát triển ngành du lịch phù hợp. Theo bà Thanh việc mở cửa du lịch phải tiến hành một cách thận trọng, có sự thống nhất từ chủ trương, đường lối đến hành động cụ thể; các giải pháp phục hồi phải thấu đáo, phù hợp.

Trước hết phải đẩy nhanh việc tiêm vaccine toàn dân để tạo miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, các địa phương cần đảm bảo các điều kiện về hạ tầng y tế, nhân lực phục vụ khách du lịch, có quy trình thống nhất toàn quốc về chứng nhận tiêm chủng và tiêu chí về an toàn du lịch”, bà Thanh nói.

Đối với việc đón khách nước ngoài, đại biểu Hồng Thanh cho rằng cần thiết lập hộ chiếu vaccine, Chính phủ cũng cần ban hành quy trình đón khách quốc tế an toàn, chặt chẽ nhưng thuận lợi cho du khách.

Góp ý nhiều chính sách trong hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, đại biểu Quốc hội Khương Thị Mai nêu quan điểm: Dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nữ đại biểu đánh giá Quốc hội, Chính phủ đã chủ động, linh hoạt trong điều hành và đảm bảo nguồn chi kịp thời cho chống dịch.

Nêu thực tế “thu giảm, chi tăng”, bà Mai cho rằng để thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2022, đề nghị Chính phủ giao rõ thời gian, cơ quan thực hiện để sớm giải quyết tồn tại chỉ ra trong năm 2021, ví dụ như ban hành thủ tục pháp lý định giá doanh nghiệp, sớm giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia…

Bà Mai cho rằng Chính phủ cần mạnh tay hỗ trợ về vốn và cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Bà cũng đề nghị bổ sung thêm nguồn lực cho doanh nghiệp để phục hồi, phát triển như ban hành gói lãi suất thấp cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ hiện đại, hình thành một số chuỗi tập đoàn kinh tế tư nhân lớn.

CÔNG HIẾU
Bình luận
vtcnews.vn