Đại biểu Quốc hội: 'Dân lại đi loanh quanh khiến đời mỏi mệt'

Thời sựThứ Hai, 15/06/2015 02:20:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội cho rằng quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết tranh chấp dân sự sẽ giúp người dân không phải “đi loanh quanh”

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội cho rằng quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết tranh chấp dân sự sẽ giúp người dân không phải “đi loanh quanh”.

Sáng 15/6, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi).
Đại biểu Phạm Văn Hà (Nghệ An)
Đại biểu Phạm Văn Hà (Nghệ An) 
Góp ý cho dự thảo luật, đại biểu Phạm Văn Hà (Nghệ An) cho rằng quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết các tranh chấp dân sự vì lý do luật chưa có quy định “sẽ giúp người dân không phải đi loanh quanh cho đời mỏi mệt”.

Đại biểu Phạm Văn Hà nêu thực tế, việc người dân cầm đơn đề nghị tòa giải quyết nhưng không có cơ quan nào giải quyết và người dân lại tiếp tục cầm đơn đến cơ quan hành chính nhà nước, lên trung ương cũng không có người giải quyết.

“Dân lại đi loanh quanh khiến đời mỏi mệt”, đại biểu Hà ví von.

Vì vậy, đại biểu Hà đồng ý với quy định tòa án không được từ chối và cần thiết để bảo vệ quyền công dân. Tòa có nhiệm vụ bảo vệ công lý, con người, quyền công dân, do vậy giao cho tòa án là phù hợp.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) 
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu lên thực tế có việc trì hoãn trong việc xử lý các vụ án dân sự.

“Thẩm phán đi học nghị quyết, họp công đoàn, học cao cấp lý luận chính trị, nghỉ phép thì đương sự lãnh đủ. Trong khi lẽ ra, nếu thẩm phán vắng thì lãnh đạo tòa án phải phân công lại. Nhưng đương sự nào muốn việc xét xử càng chậm càng tốt thì rất có lợi vì luật hiện hành có rất nhiều công cụ để trì hoãn”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Đại biểu Nghĩa nêu quan điểm: “Công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối. Tố tụng chậm trễ là khuyến khích vi phạm”. Tố tụng dân sự càng kéo dài thì toàn bộ đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh, sự phát triển của đất nước bị chậm lại.

Vì vậy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị phải có quy định trách nhiệm của thẩm phán, tòa án khi không thi hành án được nguyên nhân do việc xét xử

“Phải có quy định trách nhiệm của tòa án với những bản án đã tuyên khi có những thiếu sót, nghiệp vụ kém, tắc trách của thẩm phán”, ông Nghĩa nêu quan điểm.

                          GS Nguyễn Lân Dũng: Chặt 6.700 cây xanh phải xin ý kiến Quốc hội


Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) đồng tình với quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết các tranh chấp dân sự vì lý do luật chưa có quy định.

Ông Bộ cho hay quy định như vậy là đáp ứng nhu cầu giải quyết của nhân dân, ở nhiều nước trên thế giới đã áp dụng quy định này.

Liên quan đến quy định trên, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng quy định tòa án không được quyền từ chối yêu cầu giải quyết các tranh chấp dân sự đã giải quyết được các bất cập hiện nay, thể hiện sự đổi mới, cải cách tư pháp, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trước nhân dân.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn