Đại biểu Quốc hội: Có chức, có quyền lại đi 'cướp' điểm của người khó khăn hơn thì quá tệ

Giáo dụcThứ Ba, 04/06/2019 15:18:00 +07:00

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cần phải xử phạt nghiêm khắc các trường hợp gian lận thi cử, nếu không sẽ gây mất niềm tin trong xã hội.

Ngày 4/6, trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội liên quan đến việc 5 bị can bị truy tố trong vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng người đứng đầu tỉnh không thể tránh khỏi trách nhiệm.

"Giống như Sơn La đã có kết luận Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm cao nhất, thì Hà Giang cũng vậy. Trong trường hợp này, bản thân Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh còn có con gái liên quan tới vụ việc", bà Lan nói. 

Nữ đại biểu cho biết bà rất thất vọng trước chia sẻ của ông Triệu Tài Vinh trước đó rằng "Tôi thì dư luận đã phán xét xong rồi"

pham khanh phong lan

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. 

Theo bà Lan, vấn đề làm cản trở công tác điều tra hiện nay là hầu hết các phụ huynh có con em được nâng điểm, không ai thành khẩn khai báo, toàn chối tội. Phải đợi tới khi "bắt tận tay, day tận trán" thì mới nhận; trong khi thực tế ai cũng biết rằng "không ai rảnh, không vì quyền lợi, lợi ích, nhờ vả mà đi nâng điểm vì điều này là vi phạm luật, thậm chí là luật hình sự". 

"Tại sao chúng ta vẫn có chính sách cử tuyển, nâng điểm cho vùng sâu, vùng xa, ưu tiên cho vùng nghèo. Bởi nếu không các em ở thành phố có điều kiện được đào tạo thì sẽ mãi theo kiểu con vua thì lại làm vua, còn ở vùng sâu, xa thì nghèo mãi. 

Nhưng những người liên quan đến gian lận thi ở vùng sâu, vùng xa, họ tệ lắm. Họ không hề khó khăn mà có tiền, có chức, có quyền. Họ cướp đi cơ hội của người khó khăn hơn, còn chưa kể là lấy luôn suất của những người xứng đáng hơn, học giỏi hơn. Như thế là không công bằng", bà Lan chia sẻ.

Theo vị đại biểu đoàn TP.HCM, giáo dục cùng với y tế phải là lĩnh vực phải duy trì công bằng trong xã hội. Giáo dục công bằng với tất cả mọi người, còn có tận dụng được cơ hội đó hay không tùy thuộc vào năng lực của mỗi người.

"Có những đứa trẻ chăn trâu vươn lên học rất giỏi. Nếu không tạo cơ hội thì sao có thể chứng minh cái giỏi đó. Không cho cơ hội thì cái giỏi đó cũng không có chỗ để phát huy. Như thế rất là ác", bà cho hay. 

Bà Lan cho rằng, với những vụ việc liên quan đến gian lận thi, Chính phủ phải có động thái như thế nào. Hệ thống tư pháp phải vào cuộc, xử lý hình sự theo điều luật. Nếu luật nhẹ quá, sau này nên sửa luật mạnh lên.

Hà Giang là một trong ba địa phương 'dính' gian lận thi cử năm 2018. Công an xác định có 114 thí sinh ở Hà Giang được nâng điểm và đã trả về điểm thực trước mùa xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2018. 

Mới đây, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ vụ án sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đề nghị truy tố 5 bị can. Cơ quan an ninh làm rõ các bị can trên đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 để thực hiện hành vi sửa đáp án thi, nâng điểm cho 107 thí sinh.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn