Đại biểu Quốc hội: Có bao nhiêu ‘phiên bản’ Sông Đà?

Kinh tếThứ Ba, 13/11/2012 11:50:00 +07:00

(VTC News) - Đại biểu Lê Như Tiến đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Ngành xây dựng có bao nhiêu tổng công ty xây dựng thua lỗ như Sông Đà"?

(VTC News) - Đại biểu Lê Như Tiến đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Ngành xây dựng có bao nhiêu tổng công ty xây dựng thua lỗ như Sông Đà"?

Cuối phiên chất vấn chiều qua (12/11), đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đã gửi gắm Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng câu hỏi: “Ngành xây dựng có bao nhiêu tổng công ty xây dựng thua lỗ như Sông Đà”. Bộ trưởng khiến cả Hội trường ồ lên với trả lời: “Câu trả lời đã có đầy đủ nhưng để ở nhà. Mời đại biểu Lê Như Tiến sang với chúng tôi để chúng tôi báo cáo".

Trong phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chủ động nhắc tới vấn đề này. Bộ trưởng cho biết, hiện nay các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong Bộ Xây dựng nói riêng đang có nhiều khó khăn.

Trường hợp điển hình có thể kể đến là Tổng công ty Lilama. Hiện Lilama phải xử lý nợ xấu của một số công trình chưa thanh toán xong do nợ đọng hoặc xử lý các vấn đề liên quan đến kết luận của Thanh tra. Trong đó có vấn đề về nhà máy, ví dụ nhà máy xi măng Hạ Long.

Bộ trưởng giải thích: “Tồn đọng nợ trong xây dựng cơ bản, đặc biệt vấn đề thanh toán quyết toán gây khó khăn cho doanh nghiệp”.

Bộ trưởng cho biết Bộ đang tập trung để xử lý những vấn đề đó. Trước hết rà soát tất cả các khoản nợ xem khoản nợ nào của doanh nghiệp có thể xử lý được, những khoản nào không xử lý được, khoản nào cần có thời gian để đưa ra giải pháp.

 Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng (ảnh: Tuổi trẻ).
Các giải pháp trước mắt theo Bộ trưởng là tái cấu trúc các doanh nghiệp xây dựng, tái cấu trúc sản phẩm, ngành nghề chính. Ngành nghề nào khuyến khích thì được tập trung, ngành nghề nào không khuyến khích cần lộ trình thoái vốn. Bên cạnh đó sẽ cổ phần hóa doanh nghiệp xây dựng theo yêu cầu của Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ còn quan tâm đến việc sắp xếp lại tổ chức, bố trí nhân sự, tăng cường thanh tra kiểm tra, giám sát để các doanh nghiệp hoạt động đúng quy định pháp luật, sản xuất kinh doanh có hiệu quả và có đóng góp cho Nhà nước cũng như giải quyết việc làm cho công nhân viên chức của doanh nghiệp.
Bộ trưởng không đưa ra số liệu cụ thể nào về các khoản lỗ, khoản sai phạm của một số Tổng công ty, Tập đoàn thuộc quản lý của Bộ Xây dựng (nếu có) vì lý do: “Tất cả các số liệu không thể công bố vì rất nhiều mà thời gian có hạn. Nếu đại biểu Lê Như Tiến có nhu cầu thực sự, sẽ có báo cáo gửi đại biểu nghiên cứu”.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đi cụ thể vào các sai phạm, yếu kém trong các doanh nghiệp xi măng. Theo đại biểu, hiện có 5 nhà máy xi măng có quyết định không chính xác dẫn đến sản xuất kinh doanh không hiệu quả, nợ lớn không trả được (có khoản nợ lên tới cả nghìn tỷ). Đại biểu chất vấn việc các doanh nghiệp xi măng đề nghị Chính phủ trả nợ thay. Và ai là người chịu trách nhiệm về các vấn đề này của các doanh nghiệp xi măng.

Bộ trưởng cho biết, nói chung các doanh nghiệp xi măng so với các doanh nghiệp vật liệu xây dựng khác thì đỡ khó khăn. Tuy nhiên, trong đó vẫn có doanh nghiệp xi măng rất khó khăn, hiện đang phải tìm nguyên nhân.

Nhưng theo Bộ trưởng, nguyên nhân ban đầu có thể kể đến chính là do vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư thấp. Ví dụ, vốn chủ sở hữu của xi măng Đồng Vành chỉ là 4,49%, xi măng Quảng Sơn 5,65%. Trong khi đó lãi vay cao dẫn đến chi phí giá thành lớn, ảnh hưởng đến đầu ra, hoạt động không hiệu quả, doanh nghiệp bị lỗ.
Một s dự án mới đi vào sản xuất nên đó là lỗ kế hoạch của các doanh nghiệp. Lỗ kế hoạch không tránh khỏi. Vấn đề nữa theo Bộ trưởng là do khó khăn của nền kinh tế tác động, cầu giảm nên sản phẩm xi măng và vật liệu xây dựng tiêu thụ khó.

Bộ trưởng đưa ra giải pháp hoàn thiện tái cơ cấu ngành, phân loại các doanh nghiệp xi măng để có giải pháp phù hợp như chuyển giao vốn hoặc chuyển giao nguyên trạng cho các doanh nghiệp khác, ví dụ doanh nghiệp đang có lợi thế như Vicem.
Bên cạnh đó, có thể thoái vốn, bán cho nhà đầu tư có thế mạnh. Xi măng Đồng Vành, Hạ Long tập trung theo hướng như vậy. Các doanh nghiệp có lộ trình tăng vốn điều lệ, huy động thêm vốn ngoài xã hội, đề nghị tổ chức tài chính giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ. Thậm chí còn dùng đến biện pháp chuyển vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ để cắt lỗ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi, tái cơ cấu liệu đến năm 2013 có xong không, Bộ trưởng trả lời 2013 là năm tập trung, đến năm 2015 cố gắng cổ phần hóa.

Về chất lượng công trình kém, sai phạm xảy ra tại nhiều công ty xây dựng, đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) cho rằng Bộ trưởng nói nhiều nguyên nhân nhưng thiếu nguyên nhân quan trọng là tham nhũng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nhìn vào sự thật và trả lời liệu trong Bộ Xây dựng có tham nhũng không và giải pháp là gì.

Bộ trưởng khẳng định, đã trình bày nguyên nhân dẫn đến chất lượng công trình thấp là do năng lực và phẩm chất đội ngũ cán bộ, cá nhân tham gia, trong phẩm chất có vấn đề tham nhũng, lấy cắp chứ không phải chưa đề cập.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn