Đại biểu Quốc hội: Chưa thay đổi được 'văn hóa rượu bia', mọi thứ đều vô phương

Thời sựThứ Ba, 04/06/2019 17:02:00 +07:00

ĐBQH cho rằng, phải tuyên truyền hình ảnh uống rượu bia là bê tha, thể hiện suy yếu về tinh thần, rượu bia chỉ là cách giải quyết của người thất bại.

Lấy ý kiến đại biểu tại Quốc hội chiều qua, liên quan tới vấn đề uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, cả 2 phương án "Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn" và "Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông" đều không nhận được quá 50% số đại biểu đồng ý. 

Tương tự, 2 phương án "Bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau" và "Không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ" cũng không nhận được số phiếu quá bán tại Quốc hội.

uong ruou bia de gay tai nan 5

Hàng loạt vụ tai nạn xảy ra gần đây do người tham gia giao thông say xỉn, mất kiểm soát.

Trả lời phỏng vấn VTC News, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, lập luận rằng nếu chưa thay đổi được "văn hóa rượu bia" thì mọi thứ đều vô phương.

"Đây là văn hóa, thay đổi thì phải từ từ, phải có thời gian. Thay vì chúng ta tập trung vào việc cấm đoán quá mức thì tăng nặng hình thức xử phạt vi phạm khi tham gia giao thông.

Chẳng hạn như người tham gia giao thông có có biểu hiện say xỉn bị phát hiện thì phải tước bằng lái vĩnh viễn, hoặc cho đi lao động công ích chứ không phải chỉ dừng ở phạt tiền.

Nếu như gây tai nạn giao thông trong máu cơ hơi men thì phải khởi tố hình sự. Nếu đi kiểm tra mà phát hiện các trường hợp có dấu hiệu say xỉn khi điều khiểu phương tiện tham gia giap thông thì lực lượng công an phải có quyền cưỡng chế. Nhưng điều luật Quốc hội đưa ra nói không rõ.

pham-khanh-phong-lan-1518059

 Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.

Luật khi đưa ra cần phải từ từ, theo quy trình. Mà bây giờ luật Phòng, chống tác hại rượu bia có đưa ra hay không thì cái quan trọng vẫn là Luật Giao thông đường bộ vì cảnh sát mới là người xử lý chuyện đó. Chứ luật này đưa vào thì ai đưa chế tài.

Về quy định cấm bán bia, rượu sau 22h, đứng về mặt hại, sẽ hại về du lịch. Nhưng tôi cho rằng, quy định này có phần vô nghĩa vì nó chỉ trang trí, để nhìn cho ra vẻ quyết liệt. Bởi sẽ có người lợi dụng, mua bia rượu rồi làm hóa đơn trước 22h. Liệu có lực lượng nào ngồi canh 22h để bắt các trường hợp vi phạm không.

Nếu cần, có thể sử dụng công cụ thuế như ở các nước khác, nếu bán sau 22h thì tăng gấp đôi. Tránh xây dựng luật theo kiểu nhìn thì ủng hộ nhưng đưa trên trời, không làm được. Sau đó, luật bị nhờn đi rồi ngay cả đến điều khoản thấp cũng không thực hiện được. Tốt nhất là đưa luật ở cấp độ vừa vừa.

Cái quan trọng là phải thay đổi văn hóa từ lãnh đạo. Trong các cuộc vui rượu bia, người ta thường uống theo lãnh đạo hoặc lãnh đạo uống rồi ép.

 
Phải tuyên truyền hình ảnh uống rượu bia là bê tha, thể hiện suy yếu về tinh thần, rượu bia chỉ là cách giải quyết của người thất bại

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan

Từ đó, phải tính toán việc cấm theo lộ trình. Mọi thứ theo lộ trình từng bước, chứ không thể ra luật chóng vánh, chưa kể rượu bia lại có tính gây nghiện, không thể bỏ trong một sớm một chiều.

Không nên theo đuổi ý kiến cực đoan là không thông qua điều luật là ủng hộ rượu bia. Phải tuyên truyền hình ảnh uống rượu bia là bê tha, thể hiện suy yếu về tinh thần, rượu bia chỉ là cách giải quyết của người thất bại".

Cũng bình luận về vấn đề này, đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, kết quả lấy ý kiến đại biểu Quốc hội hôm qua thể hiện sự minh bạch trong quá trình lập pháp.

"Đại biểu nghiên cứu rất kỹ và trách nhiệm với quyết định của mình. Kết quả biểu quyết không thay đổi dù phải bấm nút bỏ phiếu lại. Nó cũng cho thấy, việc chỉnh lý dự thảo luật đòi hỏi kỹ năng lập pháp phải nâng lên mới đáp ứng được thực tế đặt ra. Đây là điều rất tích cực".

Đại biểu Thành đánh giá, giữa 2 quy định khác nhau, các đại biểu phải "giằng xé", cân đối giữa lợi ích chung của từng phương án.

"Một phương án nhận được sự thống nhất, tỷ lệ biểu quyết rất cao thì càng tốt. Nhưng có những quy định, khi biểu quyết, tỷ lệ đồng thuận không cao nhưng đi vào thực tế cuộc sống lại là tốt", vị đại biểu Đắk Lắk nhận định, đồng thời chờ đợi cách Thường vụ Quốc hội thuyết phục đại biểu trong những ngày tới, trước khi bỏ phiếu quyết định có thông qua Luật Phòng chống tác hại rượu, bia hay không vào ngày 14/6 tới.

Ngày 4/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chia sẻ làm rõ vấn đề này.

"Không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu bia gây tai nạn giao thông. Hiện nay luật đã có quy định. Tuy nhiên, quá bức xúc trước tình trạng sử dụng rượu bia, lái xe gây tai nạn giao thông, cơ quan soạn thảo của Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu quốc hội đề nghị tăng chế tài, không cần đo độ cồn, cứ uống rượu bia là không được lái xe.

Thứ hai là giữ nguyên như hiện nay, có nghĩa là phải có nồng độ cồn vượt ngưỡng có thể không an toàn khi tham gia giao thông. Đại biểu quốc hội cho ý kiến là ngang ngửa, chưa cái nào đạt 50%. Như thế, không hiểu lầm rằng Quốc hội không có quy định nào, pháp luật không có quy định nào để xử lý vấn đề này. Tôi nói rõ thêm. Nếu không sửa luật, chúng ta vẫn áp dụng pháp luật hiện hành, vẫn xử phạt theo quy định hiện hành", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Song Hy - Duy Thành
Bình luận
vtcnews.vn