Đại biểu Quốc hội bức xúc hành xử của TAND Đắk Lắk với em Đỗ Quang Thiện

Thời sựThứ Hai, 01/06/2015 04:00:00 +07:00

ĐBQH Dương Trung Quốc lên tiếng về cách hành xử của cơ quan chức năng Đắk Lắk, đặc biệt là TAND tỉnh này khi hành xử với em Đỗ Quang Thiện.

(VTC News) - ĐBQH Dương Trung Quốc lên tiếng về cách hành xử của cơ quan chức năng Đắk Lắk, đặc biệt là TAND tỉnh này khi hành xử với em Đỗ Quang Thiện.

Từ bản án toà sơ thẩm tuyên phạt 6 tháng tù treo đối với em Đỗ Quang Thiện, tòa phúc thẩm đã thay đổi bản án, tăng lên 9 tháng tù giam. Công an đã vào tận sân trường học để bắt giữ, áp giải Thiện vào trại giam, trước sự ngỡ ngàng và hoảng sợ của hàng trăm giáo viên, học sinh có mặt trong buổi học.

Em Đỗ Quang Thiện

Sự việc may mắn được TAND Tối cao phát hiện khả năng oan sai, đồng thời ra quyết định kháng nghị, giao tòa hình sự TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm đối với trường hợp này.


Dù em Thiện đã được "cứu" nhờ sự lên tiếng của các cơ quan báo chí, nhưng đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, điều quan trọng cần phải thấy sau sự việc này là cách hành xử của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vụ việc có tác động lớn đến xã hội.

Có 2 vấn đề được đại biểu Dương Trung Quốc đặt ra, một là vấn đề liên quan đến quá trình tố tụng. Hai là tác động hay hiệu ứng xã hội mà vụ việc này gây ra.

"Các cơ quan chức năng hành xử cái gì cũng phải nghĩ đến hiệu ứng xã hội. Một bạn trẻ đang ở tuổi năng động, dễ gặp rủi rỏ và lỗi lầm thì trách nhiệm của chúng ta phải tôn trọng pháp luật, nhưng trước pháp luật là tôn trọng quyền con người và hướng tới những điều tốt đẹp", đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Chính vì vậy, nếu trong quá trình điều tra không cẩn thận, sử dụng những bằng chứng không chính xác, sẽ dẫn đến kết tội sai, gây hiệu ứng xã hội không tốt.

 

Một bạn trẻ đang ở tuổi năng động, dễ gặp rủi rỏ và lỗi lầm thì trách nhiệm của chúng ta phải tôn trọng pháp luật, nhưng trước pháp luật là tôn trọng quyền con người và hướng tới những điều tốt đẹp.
Ông Dương Trung Quốc
 
Ngoài ra, việc sử dụng xe chuyên dụng đến trường học - nơi em Thiện đang học tập để bắt khẩn cấp cũng là một việc làm gây phản cảm xã hội không đáng có.


"Những người thực thi pháp luật không chỉ có kiến thức pháp luật mà còn phải có kiến thức xã hội, có ứng xử văn hoá, văn minh, làm cho xã hội tốt đẹp hơn, con người hoàn thiện hơn và người có tội thì hoàn lương hơn", đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Cũng theo ông Quốc, nguyên nhân dẫn đến vụ việc này là do quyên dân chủ của người dân chưa được tôn trọng, tâm lý của người hành pháp bị chi phối bởi tập tính chung là cơ chế xin cho và quyền lực. Họ nhìn người dân không phải công dân mà là thần dân.

"Tôi hy vọng qua vụ việc này sẽ tác động đến nhận thức và thay đổi quan điểm xã hội của những người hành pháp", đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ.

Ông Quốc cũng hoan nghênh cơ quan pháp luật cao nhất là TAND Tối cao đã vào cuộc và có thái độ rõ ràng và đưa ra chỉ đạo kịp thời, mặc dù sự việc chỉ xảy ra ở một địa phương.

"Điều quan trọng sau sự việc này là chúng ta cần có những chế tài và rút kinh nghiệm, để làm sao mỗi sự việc xảy ra đều có những hiệu ứng tích cực, chứ không phải ứng phó với từng vụ việc cụ thể như hiện nay", ông Quốc nêu quan điểm.

Theo nội dung được ghi trong bản án của em Đỗ Quang Thiện (17 tuổi, trú phường Thắng Lợi, TP.Buôn Ma Thuột), ngày 20/9/2012, Đỗ Quang Thiện điều khiển xe máy dưới 50 phân khối lưu thông trên đường. Khi vượt xe máy cùng chiều do ông Lê Phước Thọ (70 tuổi, trú phường Thành Công, TP.Buôn Ma Thuột) điều khiển thì xảy ra va chạm.

Cả hai cùng té ngã, ông Thọ nhập viện điều trị. Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận ông Thọ bị chấn thương sọ não, liệt 1/2 người trái, tỉ lệ thương tích 50%. Do vậy, Công an TP.Buôn Ma Thuột đã khởi tố Đỗ Quang Thiện về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.


Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/5/2014, TAND TP.Buôn Ma Thuột tuyên phạt Thiện 6 tháng tù, cho hưởng án treo; buộc bồi thường cho ông Thọ 56 triệu đồng. Em Đỗ Quang Thiện và gia đình liên tục có đơn khiếu nại vì cho rằng giám định pháp y cho kết quả không chính xác, dẫn đến oan sai.

Dù vậy, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 8/8/2014, TAND tỉnh Đắk Lắk tăng hình phạt từ 6 lên 9 tháng tù, không cho hưởng án treo. Lý do là bị cáo không nhận tội.


Thực hiện bản án này, ngày 2/4/2015, cơ quan thi hành án hình sự đã đến Trường THPT Buôn Ma Thuột, áp giải em Thiện đến Trại tạm giam Công an tỉnh. Việc Công an TP.Buôn Ma Thuột đến tận sân trường áp giải học sinh đã gây “sốc” cho ngành giáo dục Đắc Lắc, cũng như dư luận chung của người dân.

Sau khi Thiện bị đưa vào trại giam, gia đình Thiện có đơn xin tạm hoãn thi hành án để em về thi tốt nghiệp THPT, nhưng TAND tỉnh Đắk Lắk vẫn không chấp nhận.


Ngày 20/5, TAND tối cao ra quyết định kháng nghị bản án, tạm đình chỉ thi hành bản án hình sự phúc thẩm số 239/2014 mà TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên (9 tháng tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ) với Đỗ Quang Thiện.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn