Đại biểu Quốc hội: 'Báo cáo 95% đến 97% cử tri đi bầu là không thật'

Thời sựThứ Năm, 12/11/2015 05:36:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội cho rằng trên thế giới bây giờ chẳng có nước nào dám mong có một cuộc bầu cử, cuộc trưng cầu ý dân mà lại đạt được tới 75%.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội cho rằng trên thế giới bây giờ chẳng có nước nào dám mong có một cuộc bầu cử, cuộc trưng cầu ý dân mà lại đạt được tới 75%. 

Ngày 12/11, góp ý vào dự thảo Luật trưng cầu ý dân đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng Quốc hội nên cân nhắc trước khi khi quyết định liên quan đến kết quả trưng cầu dân ý.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định)
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) 
Ban soạn thảo đã đưa ra một phương án là cuộc trưng cầu dân ý hợp lệ phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách đi bỏ phiếu và nội dung trưng cầu dân ý phải được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành thì có giá trị thi hành.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho rằng mục đích của một cuộc trưng cầu dân ý là phải đạt được và tìm ra được sự đồng thuận cao của đa số cử tri về một vấn đề hệ trọng của đất nước. Muốn vậy, số cử tri tham gia trưng cầu ý dân phải là đa số và phương án lựa chọn cũng phải là sự lựa chọn của đa số cử tri.

Quy định như Điều 44 của dự thảo thoạt nhìn có vẻ như đã đạt được yêu cầu nêu trên. Tuy nhiên, nếu đặt ra một số tình huống và làm một vài phép toán thì chúng ta thấy quy định như Điều 44 chưa thỏa mãn hai yêu cầu đó.

“Trong trường hợp có 3/4 số cử tri, tức là 75% số cử tri đi bỏ phiếu và như tính toán của đại biểu Lâm Lệ Hà ở Kiên Giang là 100% phiếu hợp lệ, chỉ cần trên 50% số phiếu tán thành thì phương án lựa chọn như thế nếu tính ra chỉ có 37% số cử tri lựa chọn phương án, nhưng nếu như không phải 100% hợp lệ, chỉ có 90 thì chỉ còn có 33%, nếu như là 80% thì chỉ còn có 31% số phiếu tán thành và nếu 70% phiếu hợp lệ thì phương án chọn chỉ còn có 27%”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn dẫn chứng.

Tất cả các tình huống ấy xảy ra thì số cử tri tán thành một phương án nào đó đều chỉ dưới 1/3 tổng số cử tri cả nước, nếu theo luật định thì đương nhiên phải đưa ra thực hiện và thực hiện trong khi số đồng thuận chỉ có 1/3 dân số.

“Đó là điều mà chúng ta không mong muốn và tôi tin rằng đó không phải là lựa chọn của đa số thì sớm hay muộn việc đó cũng sẽ dẫn đến sự bất ổn và lâu dài người ta sẽ lại có ý kiến khác và việc thực hiện quyết định này cũng rất khó khăn”, đại biểu Sơn nhận định.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng dẫn ra tình huống thứ hai.

“Nếu chúng ta có một số cử tri đi bầu là 74% chẳng hạn, tức là dưới 75% và 74% đó đều lựa chọn một phương án, có nghĩa là chúng ta đã đạt được sự đồng thuận vô cùng cao, rất cao của xã hội, nhưng phương án đó sẽ không được thực hiện vì không đạt được 75%”, ông Sơn dẫn chứng.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho rằng trên thế giới bây giờ chẳng có nước nào dám mong có một cuộc bầu cử, cuộc trưng cầu ý dân mà lại đạt được tới 75%.  

“Tôi cũng nói thẳng trong tất cả cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân, bầu đại biểu Quốc hội nhiều thập niên vừa qua các con số báo cáo đều 95% đến 97% cử tri đi bầu, con số đấy chúng ta đều biết là không thật. Đó là số phiếu chúng ta thu được ở trong các đơn vị bầu cử so với danh sách cử tri. Bây giờ tình trạng một người vì vài người, một người vì 3, 4 người trong gia đình, vì cả hàng xóm nữa, chỉ có khoảng 60% đến 70% cử tri đến phòng bỏ phiếu”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn nói.

Trong khi đó, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân là một sinh hoạt chính trị rất lớn, chúng ta đủ các biện pháp toàn hệ thống chính trị vào cuộc thì dễ đạt được tỷ số cao, nếu đi trưng cầu ý dân thì không dễ.

“Câu chuyện này là quyền của công dân, người ta đi hay không cũng khó bắt buộc, khó động viên. Động viên theo kiểu ông tổ trưởng đến từng nhà động viên là rất khó”, ông Sơn phân tích.

Vị đại biểu tỉnh Nam Định cho rằng không nên dùng số là 75% như trong dự thảo.

“Tôi đề nghị điều này chỉ quy định cuộc trưng cầu ý dân là hợp lệ và nội dung trưng cầu ý dân có giá trị thi hành khi được quá nửa số cử tri trong danh sách tán thành. Như thế chúng ta sẽ đạt được cả 2 yêu cầu: Thứ nhất, có quá nửa số cử tri đi tham gia bỏ phiếu và sự lựa chọn này thực sự là sự lựa chọn của đa số cử tri. Nếu 100% đi bỏ mà chỉ cần 50% cộng 1 người đồng ý là số 50% trừ 1 kia phải thực hiện. Tôi thấy sự đồng thuận của xã hội cao và hiệu quả tốt hơn”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước)
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) 

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng khi nói trưng cầu ý dân mà người dân chưa được thông tin đầy đủ thì sẽ không thực chất. Vì vậy, cơ quan đề nghị trưng cầu ý dân phải có báo cáo đánh giá tác động của từng phương án để Quốc hội thảo luận trước khi quyết định phương án được đưa ra trưng cầu ý dân.

Góp ý dự thảo luật, đại biểu Trương Thị Ánh (TP.HCM) nhấn mạnh đến giá trị đặc biệt của kết quả trưng cầu ý dân. Vì vậy, đại biểu Ánh đề nghị quy định rõ trong dự thảo “mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân.

Đại biểu Quốc hội cho rằng quyết định của nhân dân cao hơn quyết định của Quốc hội nên đã trưng cầu ý dân thì Quốc hội không có thẩm quyền thay đổi kết quả.



Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn