Đại biểu phát biểu bài người khác: Có thể thuê chuyên gia

Thời sựChủ Nhật, 20/07/2014 11:44:00 +07:00

Việc phát biểu bằng bài người khác chuẩn bị cho thực ra không phải là không chấp nhận được bởi không phải lĩnh vực nào đại biểu cũng thông thạo.

Việc phát biểu bằng bài người khác chuẩn bị cho thực ra không phải là không chấp nhận được bởi không phải lĩnh vực nào đại biểu cũng thông thạo.

GS Nguyễn Minh Thuyết, ĐBQH khóa XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội chia sẻ với phóng viên trước phát biểu thẳng thắn của Chủ tịch Quốc hội trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
GS Nguyễn Minh Thuyết - ĐBQH có nhiều đóng góp và để lại nhiều dấu ấn tại Quốc hội 

- Tại buổi thảo luận về đổi mới Quốc hội trong phiên họp thứ 29 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đã thẳng thắn đưa ra nhận định: “Có thực tế rất đáng buồn là những đại biểu am hiểu vấn đề nhất thì lại không phát biểu. Thậm chí có đại biểu còn phát biểu bài của người khác”. Là đại biểu Quốc hội nhiều năm, ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào về những đóng góp của đại biểu, cũng như nhận định trên của Chủ tịch Quốc hội?

Bất kỳ một khóa Quốc hội nào từ thời kỳ đổi mới đến nay cũng đều có những đại biểu có đóng góp tích cực, hiệu quả cho công việc của Quốc hội, để lại những dấu ấn cá nhân rất rõ trong lịch sử của cơ quan quyền lực cao nhất nước.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại rơi vào tình trạng như Chủ tịch Quốc hội nói: hoặc im lặng – im lặng trước cả những vấn đề thuộc lĩnh vực của mình, hoặc phát biểu bằng bài của người khác, theo ý của người khác, của số đông hay của lãnh đạo…

Thực tế đó thật đáng buồn! Nhưng cá nhân tôi cũng mừng vì Chủ tịch Quốc hội đã nói ra sự thật đó. Đó là sự thật mà người ta đã biết lâu rồi, báo chí cũng nhận xét rồi nhưng Chủ tịch Quốc hội công khai phê bình hiện tượng đó thì đây là lần đầu tiên.

- Theo ông, đâu là những nguyên nhân khiến các đại biểu có thái độ như vậy?

Hình như nhiều đại biểu nghĩ rằng công việc ở Quốc hội đã có ai đó lo rồi, mình chỉ việc ấn nút thông qua, hoặc vấn đề đã được quyết định rồi nên không phát biểu nữa. Có thể có những đại biểu biết rõ quy định nào đó ngành mình đưa ra là vô lý, nhưng nói ra lại sợ trái ý cấp trên, bị cấp trên bị “hỏi thăm sức khỏe”.

Cũng có thể có đại biểu ngại nói vì không nói thì chẳng ai biết mình trình độ thế nào, nói ra lỡ bộc lộ chỗ yếu của mình, khác nào “vạch áo cho người xem lưng”…

Có thể đó là một số lý do khiến đại biểu ngại phát biểu! Còn việc phát biểu bằng bài người khác chuẩn bị cho thực ra không phải là không chấp nhận được. Bởi vì không phải lĩnh vực nào đại biểu cũng thông thạo; đại biểu có quyền tham khảo ý kiến các chuyên gia, cử tri, thậm chí thuê chuyên gia viết cho mình.

Nghị sĩ nước ngoài cũng vậy. Nhưng trong trường hợp đó, đại biểu phải thấu hiểu để biến nó thành chính kiến của mình. Đại biểu chỉ đáng chê trách khi không chịu suy nghĩ, không có chính kiến gì mà chỉ “phát thanh” lại bài đại biểu khác đã chuẩn bị, nói theo lời người khác, hùa theo ý kiến số đông hay nói theo kiểu đón ý cấp trên.

Một vấn đề khác cũng được nêu ra khi thảo luận về đổi mới Quốc hội là xem xét xem có thể biểu quyết thay cho đại biểu khác được không, ông nhìn nhận thế nào về phương án này? 

Chuyện trồi sụt số lượng đại biểu lúc biểu quyết có thể do trục trặc kỹ thuật, cũng có thể do đại biểu sơ ý không ấn một nút nào đó hoặc ấn nút nhầm. Tuy nhiên, không có Quốc hội nước nào chấp nhận việc một đại biểu bấm nút biểu quyết thay đại biểu khác.

Đã là đại biểu của dân thì phải tự mình ấn nút biểu quyết. Việc một đại biểu vắng mặt cũng có thể là cách đại biểu đó bỏ phiếu chống, vì Quốc hội tính tỷ lệ tán thành, không tán thành trên tổng số đại biểu của Quốc hội, chứ không phải trên tổng số đại biểu có mặt.

Theo tôi, Quốc hội nên đổi mới theo hướng công khai ý kiến của đại biểu trong biểu quyết: Mỗi khi đại biểu ấn nút biểu quyết thì tên và nội dung biểu quyết của từng đại biểu phải hiện trên màn hình để đại biểu đó chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cử tri. Nếu làm như vậy thì đại biểu càng không thể nhờ người khác ấn nút giúp mình.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Hình ảnh đại biểu HĐND TPHCM vừa chơi game vừa giơ tay biểu quyết(Ảnh: Nguyễn Cường) 

- Cũng phải nói thêm một thực trạng đáng buồn khác là việc một số đại biểu Quốc hội hay HĐND tỉnh, tuy có mặt nhưng lại thường làm việc riêng, thậm chí có vị còn vừa chơi game vừa giơ tay biểu quyết. Ông có ý kiến như thế nào về việc này?

Đại biểu làm như vậy là vi phạm nội quy Quốc hội và HĐND, phụ lòng tin cử tri gửi gắm. Ở Quốc hội, đại biểu nói chuyện, chơi game thì tôi không thấy nhưng đọc báo thì có. Điều đó cũng không chấp nhận được vì đọc báo phải có giờ. Khi Quốc hội hoặc HĐND thảo luận về một vấn đề nào đó, đại biểu phải chăm chú theo dõi thì mới tham gia thảo luận hoặc mới hiểu rõ vấn đề để tự mình đưa ra quyết định cho đúng.  

Đại biểu được trang bị điện thoại mà lại dùng để đọc báo, chơi game trong phiên họp thì đã sai lại càng sai, vì Nhà nước, nhân dân mất tiền trang bị phương tiện làm việc cho đại biểu đâu phải để đại biểu chơi!

- Xin cảm ơn ông!  

Theo Infonet
Bình luận
vtcnews.vn