Đại án OceanBank: Hà Văn Thắm đe dọa bà Sáu Phấn để thâu tóm ngân hàng?

Kinh tếThứ Ba, 19/09/2017 15:00:00 +07:00

Tại phiên xét xử đại án Oceanbank chiều 18/9, luật sư bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn nói rằng Hà Văn Thắm đã đe doạ bà Phấn để thâu tóm ngân hàng Đại Tín.

Hà Văn Thắm viết email đe dọa?

Mở đầu phiên xét xử đại án OceanBank chiều 18/9, luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo, bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn (hay còn gọi là Sáu Phấn) liên quan khoản vay 500 tỷ đồng tại Oceanbank.

Liên quan tới hành vi này, bà Phấn bị cáo buộc vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án 17-18 năm tù đối với bị cáo Hứa Thị Phấn.

Cáo trạng cho biết, tháng 11/2012, Hà Văn Thắm chỉ đạo và cùng với Nguyễn Văn Hoàn – Phó tổng giám đốc cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ đồng thông qua Công ty Trung Dung. Từ đó làm thiệt hại cho OceanBank 343,5 tỷ đồng gốc và các khoản lãi, phí phạt khác.

Cáo trạng cũng quy kết bà Hứa Thị Phấn là người hưởng toàn bộ số tiền này, trong quá trình điều tra bà Phấn không khai báo thành khẩn.

hua_thi_phan_ywzw_gpgs

 Bà Hứa Thị Phấn tại phiên xét xử đại án Phạm Công Danh.

Bào chữa cho bà Phấn, luật sư Thanh Thảo cho rằng Viện kiểm sát đã không khách quan khi kết luận bà Phấn không thành khẩn trong quá trình điều tra. Từ khi vụ án được khởi tố cho tới nay, có 2 lời khai của bà Phấn hồi tháng 5/2017 với tư cách bị can không đảm bảo khách quan và trung thực.

Tuy nhiên, thời gian này bà Phấn bị nhập viện cấp cứu, chính cơ quan điều tra cũng đã xác định bà Phấn đã mất 93% sức khoẻ so với người bình thường, lại trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh vậy thì cơ sở đâu để đưa ra kết luận không thành khẩn khai báo?

Cũng theo luật sư, bà Phấn không có bất kỳ tình tiết giảm nhẹ nào trong khi bị cáo Bình và Danh đều có.

“Bà Phấn năm nay hơn 70 tuổi, chỉ có 7% sức khoẻ, rõ ràng không phải là người có khả năng gây hại cho xã hội, theo Bộ luật hình sự thì được miễn truy tố hình sự”, luật sư nói.

Đáng lưu ý, theo luật sư Thảo, Hà Văn Thắm biết ngân hàng Đại Tín trong diện tái cơ cấu đã gây sức ép bà Phấn nhượng 84,92% cổ phần cho Thắm kèm theo nghĩa vụ tài chính của bà Phấn với ngân hàng.

Hai bên đặt ra một con số mua tượng trưng 4 tỷ đồng, nhưng lúc ký hợp đồng, không có mặt Hà Văn Thắm mà chỉ có mặt hai nhân viên của Thắm, bản hợp đồng này được phía bà Phấn ký sẵn chuyển cho ông Thắm. 

Sau đó, Thắm đưa 11 nhân viên vào đảm nhận các vị trí quan trọng của ngân hàng Đại Tín.

Thời gian này Thắm quen Danh, Danh là khách hàng uy tín của ngân hàng OceanBank. Thắm biết Danh rất mong muốn có ngân hàng phục vụ ngành xây dựng nhưng không được thành lập ngân hàng mới. Thắm đặt vấn đề nhượng lại ngân hàng Đại Tín với giá 1.300 tỷ sau đó hạ xuống 800 tỷ đồng.

Luật sư cho biết Thắm đã thực hiện chuyển qua tài khoản của bà Huệ, cháu của bà Phấn số tiền 4,6 tỷ đồng đối với hợp đồng với bà Phấn. Nhưng sau đó khi bà Huệ cho biết có đối tác nước ngoài đề nghị mua ngân hàng Đại Tín, ông Thắm đã gửi email với lời lẽ đe doạ cho bà Huệ.

Sau đó, Hà Văn Thắm đã sắp xếp cho ông Danh gặp bà Phấn để trao đổi việc chuyển nhượng ngân hàng. Lúc đầu, bà Phấn không đồng ý chuyển giao cho ông Danh vì không có kinh nghiệm ngân hàng, nhưng ông Thắm cho biết đã chuyển giao hết cho ông Danh và ông Danh đã thực hiện thế chấp tại BIDV. Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, bà Phấn bị buộc phải thực hiện theo, luật sư nói.

Ai chịu trách nhiệm khoản tiền 500 tỷ vay từ Oceanbank?

Theo luật sư Thảo, từ 6/6/2012 ngân hàng Đại Tín đã được chuyển hoàn toàn cho ông Danh, bà Phấn chấp dứt hoàn toàn trách nhiệm. Ngày 6/9/2012, Ngân hàng Nhà nước chấp nhận chủ trương tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín. Tập đoàn Thiên Thanh và Phạm Công Danh nắm toàn bộ quyền kiểm soát ngân hàng.

Luật sư cho biết, ngày 23/11/2012, Oceanbank giải ngân 500 tỷ vào tài khoản Công ty Trung Dung tại Vietcombank sau đó công ty này chuyển về Đại Tín.

17 ngày sau, ngày 10/12/2012, từ số tiền gốc 500 tỷ phát sinh 1 số lãi là 83 triệu, 500 tỷ 83 triệu đồng. Cùng ngày công ty Trung Dung lấy 500 tỷ chuyển cho 4 cá nhân tại Tập đoàn Thiên Thanh, 3 cá nhân mỗi người 150 tỷ đồng và ông Phạm Công Danh là 50 tỷ đồng. Các cá nhân sử dụng số tiền này mở 4 số tiết kiệm tại Ngân hàng Đại Tín. 

Đến ngày 27/12, 4 cá nhân tất toán số tiền trước hạn, được ngân hàng Đại Tín trả thêm số tiền lãi tổng cộng 472 triệu đồng. Như vậy tổng số tiền lãi phát sinh trực tiếp từ 500 tỷ là 555 triệu. Ngày 27/12, tại số tài khoản của Phạm Công Danh có trên 600 tỷ đồng. 

Theo luật sư, số tiền 500 tỷ đồng của Trung Dung đã hoà lẫn vào số tiền kinh doanh của Trung Dung và của ông Phạm Công Danh qua 22 giao dịch, rất khó để bóc tách. Sau đó, ngày 28/12, ông Danh chuyển đến ngân hàng Đại Tín thanh lý các hợp đồng của nhóm Phú Mỹ là 593 tỷ đồng, đây là khoản vay nằm trong phương án tái cơ cấu.

Video: Cựu TGĐ Oceanbank bật khóc trước vành móng ngựa

Ngày 29/12, ngân hàng Đại Tín chuyển trả lại cho ông Danh trên 1 tỷ đồng với nội dung hoàn tiền lãi quá hạn thanh lý hợp đồng vay 052. 

Luật sư đặt câu hỏi, nếu cho rằng khoản vay này bà Phấn thụ hưởng, tại sao 6 quyền sử dụng đất không gửi trực tiếp cho bà Phấn lại chuyển cho ngân hàng mà ngân hàng chuyển cho Tập đoàn Thiên Thanh?

Luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn) cho rằng, đối với khoản vay 500 tỷ, đề nghị HĐXX buộc người đi vay phải có trách nhiệm trả, chừng nào người đi vay không có khả năng trả thì mới phải sử dụng đến tài sản đảm bảo. “Chúng tôi biết ông Danh còn rất nhiều tài sản nên đề nghị buộc ông Danh phải trả”, luật sư nói.

Ngoài ra, Oceanbank là một chủ thể, phải là người chủ động trong mọi hoạt động, xem xét đủ điều kiện hay không điều kiện thì mới được cho vay, nên luật sư đề nghị ngân hàng Oceanbank phải chịu trách nhiệm chung với bị cáo Danh.

(Nguồn: BizLIVE.vn)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn