Đá “siêu sạch” cũng bẩn đến kinh hoàng

Kinh tếThứ Ba, 03/08/2010 12:30:00 +07:00

Không chỉ mình đá cây bẩn, kết quả kiểm tra vào cuối tuần qua của Thanh tra Sở Y tế HN tại một số cơ sở SX “đá sạch” cho thấy, đá sạch cũng bẩn đến kinh hoàng

Không chỉ mình đá cây bẩn, kết quả kiểm tra vào cuối tuần qua của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội tại một số cơ sở sản xuất “đá sạch” cho thấy, đá sạch cũng bẩn đến kinh hoàng.


Nằm cạnh dòng sông đen sì, cơ sở đá viên “siêu sạch” Xaphia cũng là xưởng đồ nhựa, ngổn ngang phế liệu. Nhìn các công nhân, không biết ai làm nước đá, ai làm nhựa, hay vừa làm nhựa vừa làm đá.

Kết quả xét nghiệm của cơ quan y tế cho thấy, nước đá là một trong những thủ phạm chính gây bệnh tả. Tuy nhiên, bỏ qua lệnh cấm cũng như cảnh báo của ngành chức năng, nước đá bẩn vẫn có mặt trong khâu chế biến thực phẩm. Ngay tại một trong những khu vực sầm uất nhất của Hà Nội, phố Hàng Khoai, Hàng Đường, khá nhiều các hàng nước, hàng giải khát sử dụng đá cây nhưng “núp” dưới hình thức dùng để ướp lạnh các chai nước khoáng, trà xanh.

Lập lờ đánh lận con đen

Tại một hàng nước đông khách gần ngay sân khấu biểu diễn nhạc truyền thống của chợ đêm Đồng Xuân, bà bán hàng dùng dao răng cưa chặt nhỏ cây đá vừa được anh xe ôm thả xuống, bảo: “Đá này chỉ để ướp lạnh nước thôi, chứ bán cho khách dùng thì bán đá sạch xịn”. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10 phút sau đó, hai cốc trà đá bưng ra cho khách được bà chủ quán dùng chính số đá đang “ướp” kia.

Còn ở các cửa hàng bán chè trên đường Cát Linh, một nhân viên phục vụ cho biết số đá bào (đá xay nhỏ) để cho vào chè là đá cây được xay. “Một ngày bán cả nghìn cốc chè, dùng đá sạch thì hết lãi”, nhân viên này thật thà chia sẻ. Tuy nhiên, không chỉ mình đá cây bẩn, kết quả kiểm tra vào cuối tuần qua của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội tại một số cơ sở sản xuất “đá sạch” cho thấy, đá sạch cũng bẩn đến kinh hoàng.

Công nhân sản xuất đá viên không đeo găng tay theo quy định 


Ngay ngõ đầu tiên trên đường vào thôn Trung Văn (huyện Từ Liêm), cơ sở sản xuất đá sạch Hùng Oanh nằm kề sát dòng kênh nước đen sì, xưởng sản xuất đá viên “siêu sạch” mang nhãn Xaphia đồng thời cũng là xưởng sản xuất dây, đai nẹt nhựa với ngổn ngang các bao tải nguyên liệu, phế liệu nhựa. Các công nhân đang sản xuất đá viên không có trang phục bảo hộ lao động riêng biệt, nhìn vào không biết công nhân nào sản xuất đá sạch, công nhân nào sản xuất nhựa, hay vừa làm đá sạch vừa kiêm làm đồ nhựa vì giữa hai xưởng gần như không có ngăn cách.

Chưa kiểm soát được chất lượng

Tiếp đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Đình Hùng, chủ cơ sở trên, cho biết ông sản xuất đá viên từ năm ngoái, cũng chỉ sản xuất thêm đá sạch trong mấy tháng hè để giải quyết nhân lực nhàn rỗi thay cho… làm ruộng "chứ có chuyên môn, sản xuất lớn gì đâu".

Mỗi ngày cơ sở này sản xuất 2 - 3 tấn đá viên để bán cho các khu vực xung quanh trong huyện Từ Liêm
vàquận Thanh Xuân. Chủ cơ sở thừa nhận chưa có giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, chưa có phiếu kiểm tra định kỳ chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, cơ sở sử dụng nguồn nước giếng khoan để sản xuất đá viên song không có giấy kiểm nghiệm chất lượng nguồn nước theo quy định (yêu cầu bắt buộc phải kiểm tra các chỉ số hóa lý, vi sinh…).

Cơ sở sản xuất Hoàng Duy ở xóm 17, thôn Trung Văn, sản xuất sản phẩm đá viên siêu sạch Pha Lê, cũng sử dụng nước giếng khoan để làm đá. Tại thời điểm kiểm tra, hai công nhân đang hì hục đóng gói đá viên nhưng không có trang phục bảo hộ, găng tay theo quy định. Cơ sở này mỗi ngày cho ra 5 tấn đá viên.

Ông Hàn Tự Do, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra, đã yêu cầu đình chỉ sản xuất các cơ sở này để hoàn tất các hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu và khắc phục triệt để điều kiện vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh trong cơ sở sản xuất. Khi nào đầy đủ điều kiện và đảm bảo vệ sinh, Sở sẽ cho phép hoạt động trở lại.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết hiện thành phố có 44 cơ sở sản xuất đá sạch (đá viên dùng trong chế biến thực phẩm, đồ uống) đăng ký chất lượng sản phẩm và thuộc quyền quản lý của Sở Y tế. Tuy nhiên còn không ít cơ sở sản xuất đá chui, tự phát, các trang thiết bị thủ công, nhà xưởng chật chội, còn nhiều phế liệu trong cơ sở sản xuất dẫn, không có điều kiện bảo hộ lao động…

Riêng với các cơ sở sản xuất đá cây, việc phát hiện và xử lý vi phạm khó hơn nhiều, bởi theo ông Cường, nhiều nơi vẫn sử dụng đá cây để chế biến thực phẩm nhưng khi kiểm tra, các cơ sở thường giải thích là dùng ướp thực phẩm nên rất khó xử phạt.

Theo Đất Việt

Bạn đã từng tận mắt chứng kiến hay ghi lại được những hình ảnh mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Hãy chia sẻ ý kiến và hình ảnh về cho chúng tôi vào ô phản hồi phía cuối hoặc vào email [email protected]. Trân trọng cám ơn!

Bình luận
vtcnews.vn