Đà Nẵng 'phản pháo' dự án thép gần 1.000 tỷ đồng ở Quảng Nam

Kinh tếChủ Nhật, 09/10/2016 19:28:00 +07:00

“Chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng hết sức quan ngại việc UBND tỉnh Quảng Nam cho phép đầu tư dự án nói trên tại vị trí nhạy cảm đầu nguồn nước của lưu vực sông Vu Gia, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt cho vùng hạ du của thành phố Đà Nẵng”.

Đó là nội dung đáng chú ý trong văn bản mà ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng gửi UBND tỉnh Quảng Nam liên quan đến việc tỉnh Quảng Nam có chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy luyện cán thép ở huyện Nam Giang.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, qua phản ánh của các cơ quan thông tấn báo chí, được biết UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý chủ trương cho phép đầu tư Dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp quy mô 180.000 tấn/năm tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, thuộc lưu vực sông Vu Gia đang cung cấp khoảng 250.000 m3/ngày cho Nhà máy nước Cầu Đỏ TP Đà Nẵng, chiếm 99% nhu cầu nước sạch tại Đà Nẵng.

da nang

Người dân chặn đường phản ứng nhà máy thép của Công ty TNHH Việt Pháp gây ô nhiễm tại Thị xã Điện Bàn 

Cũng theo văn bản trên, trong Kết luận số 26-KL/TUQN-TUĐN ngày 27/4 giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng về nội dung hợp tác, hỗ trợ giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng trong thời gian đến thì: “Các dự án phát triển kinh tếxã hội có tác động đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn phải được xem xét, lấy ý kiến của hai địa phương và các cơ quan Trung ương có liên quan”.

Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cung cấp, chia sẻ các thông tin liên quan đến dự án, đặc biệt ảnh hưởng của dự án đến môi trường lưu vực sông Vu Gia để có cơ sở giải thích cho nhân dân TP Đà Nẵng.

Trước đó, như DĐDN đã phản ánh, vào ngày 23/9/2016, ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Thông báo số 420/TB-UBND thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam với diện tích khoảng 17,3 ha.

Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là trước khi ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có các văn bản thống nhất cho công ty TNHH Thép Việt Pháp được chọn địa điểm đề đầu tư nhà máy thì ngày 22/8/2016, Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Quảng Nam có văn bản số 597/SKHĐT-HTĐT về việc xem xét chủ trương đầu tư dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam gửi UBND tỉnh Quảng Nam.

Văn bản này ghi rõ: Sở Kế hoạch – Đầu tư không thống nhất chủ trương đầu tư mới nhà máy tại địa điểm này với lý do sau: Trong thời gian qua, dự án luyện thép Formosa Hà Tĩnh và Formosa Đồng Nai đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Chính phủ đã đưa ra quan điểm chỉ đạo không đánh đổi phát triển kinh tế để đổi lấy môi trường bị hủy hoại. Lĩnh vực sản xuất thép thuộc lĩnh vực công nghiệp nặng nên sẽ ảnh hưởng đến môi trường (nhất là các loại kim loại nặng thải ra trong quá trình sản xuất và khói bụi dù doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường).

Dự án luyện cán thép Việt Pháp của Công ty TNHH Thép Việt Pháp dự kiến sẽ đầu tư mới với quy mô 975 tỷ đồng là dự án lớn, chưa nằm trong quy hoạch cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt, hiệu quả mang lại theo báo cáo của doanh nghiệp chưa có tính thuyết phục. Bởi qua thực tế dự án luyện cán thép Việt Pháp mà chủ đầu tư đã thực hiện tại Cụm công nghiệp và Thương Tín I, Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đang thuộc diện di dời, đóng góp ngân sách hàng năm không đáng kể, theo số liệu của Cục Thuế Quảng Nam, năm 2014 dự án nộp ngân sách 3 triệu đồng và năm 2015 là 12,6 triệu đồng.

Cũng theo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Nam, địa điểm thực hiện dự án luyện cán thép Việt Pháp với quy mô 17ha tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, là khu vực đầu nguồn thuộc vùng núi cao, lại nằm sát đường lộ và nhiều hộ dân đang sinh sống dọc đường nên các hộ dân này phải di dời nên cần xem xét kỹ việc ảnh hưởng về môi trường đối với khu dân cư, nhà dân gần nhất để khi nhà máy đi vào hoạt động, tránh sự khiếu kiện từ người dân về ô nhiễm môi trường, đặc biệt xem xét ảnh hưởng của dự án trên đối với các quy hoạch về phát triển đô thị và dân cư ở khu vực lân cận.

Cùng với đó, Dự án luyện cán thép Việt Pháp nếu đầu tư tại huyện Nam Giang (địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn) dự án được miễn tiền thuế đất mười một (11) năm, áp dụng mức thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp bốn (4) năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong chín (9) năm tiếp theo, được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư vào địa bàn được ưu đãi về thuế nhập khẩu.

“Bên cạnh đó, khả năng đóng góp cho ngân sách, giải quyết lao động không đáng kể trong khi đó dự án vừa ảnh hưởng đến dân sinh và tiềm ẩn rất cao về ô nhiễm môi trường không chỉ tại địa bàn nơi đặt dự án mà cả vùng lân cận và khu vực hạ lưu đang làm dấy lên nỗi lo ngại của nhiều người”, văn bản này ghi rõ.

Liên quan đến dự án này, trả lời phỏng vấn DĐDN, ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), cho biết huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam – khu vực được UBND tỉnh Quảng Nam thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp là khu vực rừng núi đầu nguồn sông Vu Gia – dòng sông có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng.

Đặc biệt, đây chính là nguồn nước chính cung cấp cho thành phố Đà Nẵng. “Chúng tôi rất lo lắng nếu tỉnh Quảng Nam chấp thuận đầu tư nhà máy cán luyện thép tại vị trí đầu nguồn sông Vu Gia, nguồn nước sinh hoạt cho toàn đô thị Đà Nẵng sẽ bị ảnh hưởng” – ông Ảnh nhấn mạnh.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng cho biết nếu chấp thuận về địa điểm đầu tư dự án thì các cơ quan có liên quan cần phải xem xét về công nghệ cũng như mức độ tác động môi trường của nhà máy này như thế nào bởi trước đó, nhà máy của Công ty TNHH Thép Việt Pháp đang hoạt động ở thị xã Điện Bàn cũng gây ô nhiễm, bức xúc cho người dân nên nếu chuyển lên Nam Giang mà công nghệ không thay đổi thì ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

“Những nhà máy thuộc ngành công nghiệp nặng xây dựng ở thượng nguồn thì rất nguy hiểm” – ông Ảnh nói.

(Nguồn: enternews.vn)
Bình luận
vtcnews.vn