Đà Nẵng hạn chế xe máy: Chủ trương tốt thì dân ủng hộ

Thời sựThứ Hai, 05/05/2014 07:08:00 +07:00

(VTC News) - Theo nhiều người dân TP Đà Nẵng, chủ trương tốt thì dân ủng hộ, tuy nhiên phải tính sao để dân lao động như nghề xe ôm có nghề mới kiếm sống.

(VTC News) - Theo nhiều người dân TP Đà Nẵng, chủ trương tốt thì dân ủng hộ, tuy nhiên phải tính sao để dân lao động như nghề xe ôm có nghề mới kiếm sống.

Đừng ảnh hưởng đến mưu sinh

Liên quan đến chủ trương hạn chế xe máy sẽ thực hiện thí điểm tại Đà Nẵng, VTC News đã có cuộc khảo sát ý kiến của một số người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng về chủ trương trên.

Ông Tăng Phúc, 64 tuổi, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, làm nghề xe ôm chia sẻ: “Chủ trương tốt cho xã hội, cho thành phố thì dân chúng tôi ủng hộ thôi. Nhưng phải tính sao chứ dân lao động chúng tôi chết đói. 
Theo ông Tăng Phúc, việc hạn chế xe máy là chủ trương tốt, nhưng cần nghĩ đến người lao động
Theo ông Tăng Phúc, việc hạn chế xe máy là chủ trương tốt, nhưng cần nghĩ đến người lao động 
Như tôi đây, năm nay 64 tuổi, làm đủ nghề từ thợ hồ đến điện, có cả bằng lái xe ô tô, nhưng rồi có ai nhận đâu nên phải xách xe làm xe ôm kiếm sống. Khó khăn thì cũng kiếm vào ba chục phụ vợ chạy chợ, chứ bây giờ mà cấm xe máy chúng tôi biết kiếm sống ra sao đây".

"Nghề xe ôm là cùng đường rồi mà bây giờ lại cấm xe máy thì chúng tôi biết bám vào đâu mà sống. Ông bà ta có câu: “Bần cùng sinh đạo tặc”, Nhà nước làm sao chứ để người dân lâm vào cảnh khó khăn dễ sinh làm bậy chứ không đùa được đâu”, ông Phúc nói.

Còn ông Thúy, làm nghề xe thồ ở chợ Hàn chia sẻ: “Mỗi ngày chở hàng cho các tiểu thương ở chợ cũng kiếm được vài chục kiếm sống. Nay cấm chúng tôi biết phải làm sao, hay hỗ trợ mỗi trường hợp vài chục triệu rồi chuyển đổi ngành nghề thì dân tôi ủng hộ hai tay, chứ làm nghề này quá khổ. Hay bây giờ ai nhận tôi làm bảo vệ, lương tháng vài ba triệu tôi cũng nhận liền, chứ cũng hết nghề rồi mới chạy xe ôm kiếm sống”.
Người lao động mưu sinh bằng xe máy là đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất
Người lao động mưu sinh bằng xe máy là đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất 
Nên cân nhắc kỹ lưỡng

Với góc nhìn khác về chủ trương, chị Thủy, một công chức nhà nước cho rằng: “Nếu thực hiện được chủ trương này thì quá tốt. Tôi sẽ là một trong số người dân Đà Nẵng cất xe máy, dùng xe buýt đi làm. Bởi lẽ công việc của tôi ít di chuyển nên không cần đến xe máy trong thời gian này. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương này cần cân nhắc thật kỹ vì sẽ kéo theo nhiều vấn đề”.

“Hạn chế xe máy kéo theo việc người dân dùng xe buýt tăng lên. Cho nên, việc đảm bảo an toàn cho người dân đi xe buýt phải được tính đến từ văn hóa đi xe buýt, rồi nạn trộm cắp trên xe,…

Thêm nữa, khi người dân không đi xe máy nữa thì số xe máy này sẽ bỏ đi đâu cũng phải tính đến nhằm tránh lãng phí, thiệt hại cho người dân. Mà đây là khoản tiền lớn chứ không ít”, chị Thủy phân tích.
Việc thực thi chủ trương hạn chế xe máy sẽ đối mặt với nhiều chính sách liên quan đến người lao động nghèo
Việc thực thi chủ trương hạn chế xe máy sẽ đối mặt với nhiều chính sách liên quan đến người lao động nghèo 
Còn anh Hoàng (trú Hòa Vang, Đà Nẵng) lo lắng: “Nhà tôi ở Hòa Vang, đi làm tận trung tâm thành phố. Vậy nếu hạn chế xe máy thì áp dụng như thế nào, chứ đi làm mà chặng đi xe máy, chặng đi xe buýt thì bất tiện lắm. Còn người dân ở trong khu vực hạn chế xe máy cần được xử lý ra sao. Chẳng lẽ cứ “nhốt” xe ở nhà rồi vứt xe, bán tháo thì cũng tội cho dân”.

“Còn chủ trương thì tôi ủng hộ, nhưng cũng phải cân nhắc cho thật kỹ, và làm thì làm toàn bộ, chứ nơi áp dụng, nơi không cũng rất khó cho người dân.

Như chuyện mũ bảo hiểm vậy. Sẽ có hướng dẫn, tuyên truyền, nhắc nhở người dân rồi khi chính  thức áp dụng phải đồng loạt mới tạo được hiệu ứng và hiệu quả của một chủ trương lớn”, anh Hoàng nói.

» Cấm xe máy, thí điểm xe đạp công cộng ở 5 thành phố lớn
» Cấm xe máy: 5 thành phố lớn sắp đưa ra lộ trình
» Xe máy ế ẩm, có nên tranh thủ cấm?


Bửu Lân
Bình luận
vtcnews.vn