Đã đến lúc chúng ta cần cẩn trọng với lời nói

Góc của nàngChủ Nhật, 11/10/2015 07:55:00 +07:00

Tôi là một người rất chú ý đến ngôn từ bởi sức mạnh ngầm ẩn chứa đằng sau nó.

Tôi là một người rất chú ý đến ngôn từ bởi sức mạnh ngầm ẩn chứa đằng sau nó. Một câu nói có thể khiến ta hi vọng, hạnh phúc nhưng cũng chính nó đôi lúc lại khiến ta trở nên tuyệt vọng.

Kể từ khi đọc bài báo về em bé 8 tuổi vứt cậu em trai 2 tháng tuổi của mình xuống đất khiển bé tử vong ở Trung Quốc chỉ vì bị tổn thương trước lời nói đùa của người lớn được chia sẻ trên mạng trong những ngày gần đây, tôi vẫn không ngừng bị ám ảnh bởi cái bi kịch của lời nói tác động đến tâm hồn của mỗi con người. 

Tôi đã từng chứng kiến không ít lần lời nói làm thay đổi cuộc sống của con người như cái cách mà nhân gian ngàn đời vẫn miêu tả: “nhẹ tựa lông hồng mà nặng tựa ngàn cân”. Có những lời nói có sức mạnh giúp con người vực dậy sau những khổ đau, thất bại để vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn. Nhưng cũng có những lời nói vô tình khiến con người quên đi rằng mình hãy còn đương sống. Tôi luôn tin rằng, trước khi nếm được vị ngọt của mật ong, con người đã bao lần chết lịm vì cái ngọt ngào của lời nói; và trước khi biết dùng dao, nhân loại đã sớm sở hữu một sức mạnh sống chết đến kinh người nơi đầu lưỡi.

Một lời chúc mừng có thể làm hạnh phúc nhân đôi nhưng cũng có thể làm trái tim của kẻ khác trở nên tan vỡ.

Một giọng sẻ chia trầm trầm có thể khiến trái tim cô đơn trở nên ấm lại, nhưng đôi khi cũng làm cho nỗi đau trở nên tê tái.

Và một lời nói đùa - đôi lúc lại chính là bi kịch.

Tôi đã từng chứng kiến những kẻ tình nhân chết lịm bên nhau chỉ vì lời nói ngọt ngào, cũng như đã từng kinh qua cái cảm giác bất lực từ bỏ người mình yêu chỉ vì lời ra tiếng vào của đôi ba kẻ khác. Tôi thừa nhận bản thân mình bị chi phối rất nhiều bởi lời đàm tiếu của thiên hạ để rồi từ bỏ nhiều thứ mà sau này không ít lần cảm thấy hối tiếc. Nhưng, tôi cũng nhận ra, dường như ở cái xã hội này, người ta sống vì cái nhìn của kẻ khác chứ không sống vì bản thân mình.

Xã hội đang phát triển, hệ quả của mạng xã hội để lại càng làm con người trở nên giả tạo khi phải sống để thỏa mãn cái hình ảnh đẹp đẽ hào nhoáng được xây dựng bởi các lượt bình luận và chia sẻ. Sự phát triển của thông tin đã dẫn đường cho những bi kịch mới đến với nhân loại, trong khi cái tàn dư của xã hội cũ vẫn còn chưa dứt. 

Không phải tự nhiên mà dân gian lưu truyền câu: “Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Sức mạnh của lời nói không chỉ ở những tầng ý, hay đối tượng tiếp nhận mà còn ở thời gian mà nó tồn tại cùng nhân loại. Có nhiều quan niệm, câu nói đã trở thành thói quen và ăn mòn trong lối suy nghĩ ngàn đời như cái lời nói đùa: “Mẹ sinh em bé mới rồi sẽ không còn thương con nữa” đã gây ra nỗi đau của một gia đình ở Trung Quốc, hay chuyện: “Đàn ông lấy vợ về chỉ để hầu hạ” như cái cách phiến diện mà xã hội phong kiến phương Đông đè nặng lên vai người phụ nữ. Cùng với sự tồn tại của những “bia miệng” ấy, xã hội dù có phát triển tới đâu, vai trò của người phụ nữ có được nâng lên như thế nào đi chăng nữa, thì cái lề thói vẫn không đổi và bi kịch vẫn không bao giờ chấm dứt.

Tôi không thể ngăn được dòng chảy của thời đại, cũng không thể làm những quan niệm truyền đời thôi tồn tại. Nhưng, tôi có thể làm tất cả trở nên mờ nhạt, tôi có thể học cách cẩn trọng với lời nói, như cái cách mà người ta tập cầm dao. Và tôi tin chúng ta cũng làm được. Đã đến lúc chúng ta phải học cho mình cách giao tiếp, không phải để làm điều gì đó lớn lao, mà chỉ là để làm cho xã hội này đẹp lên, dù chỉ là một chút.

Lạc An

Bình luận
vtcnews.vn