Đã có 8 người chết, 28 người bị thương do bão số 11

Thời sựThứ Ba, 15/10/2013 03:25:00 +07:00

(VTC News) - Trong vòng 12 giờ đồng hồ càn quét, bão số 11 đã cướp đi sinh mạng của gần chục người dân miền Trung, gây thiệt hại nặng nề về tài sản.

(VTC News) - Trong vòng 12 giờ đồng hồ càn quét, bão số 11 đã cướp đi sinh mạng của gần chục người dân miền Trung, gây thiệt hại nặng nề về tài sản.

Quảng Nam: 6 người chết và mất tích, 7 người bị thương, 8.000 nhà tốc mái


Thống kê sơ bộ của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) Quảng Nam cho biết, đã có 3 người chết do bão, gồm ông Trương Chạy (84 tuổi, ở xã Điện Phương, huyện Điện Bàn) do bị sụp nhà xưởng. Anh Phạm Văn Quy (33 tuổi ở xã Điện Phong, huyện Điện Bàn) do chèn nhà bị ngã. Một bé gái tử vong vì bị sạt lở đất ở huyện Nông Sơn.

Có 3 người bị mất tích trong bão số 11 là ông Võ Văn Ba (68 tuổi, ở TP. Hội An), bà Trần Thị Xuân (62 tuổi), xã Bình Giang và ông Pha Lê (60 tuổi ở xã Bình Dương cùng huyện Thăng Bình) bị mất tích khi đang đi đánh lưới.
Người dân mạo hiểm chống đỡ lại nhà trong mưa bão
Người dân mạo hiểm chống đỡ lại nhà trong mưa bão. Ảnh: TNO
Ngoài ra, còn 7 người bị thương, gồm ông Đặng Lê (SN 1974, ở xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành) do chèn chống nhà cửa, ông Nguyễn Văn Mười (SN1976, ở Thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành), lý do là chèn chống nhà cửa, bà Đào Thị Lan (50 tuổi, xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước) và 4 người chưa rõ danh tính ở huyện Hiệp Đức, Đại Lộc và Nông Sơn.


Đoạn Quốc lộ 1A từ thành phố Tam Kỳ đến huyện Thăng Bình ngập nặng. Trên nhiều tuyến đường, cây ngã đổ rất nhiều đang được khắc phục thông tuyến. Có 40 chiếc tàu bị chìm và 5 chiếc khác hư hỏng.

Tại huyện Điện Bàn đã có 3.000 ngôi nhà bị tốc mái, 170 ngôi nhà sập đổ hoàn toàn. Toàn tỉnh có đến 8.000 ngôi nhà bị tốc mái và sập do cơn bão số 11 quét qua.

Đà Nẵng: Ít nhất 11 người bị thương, hệ thống cây xanh gãy đổ

Có ít nhất 11 người ở Đà Nẵng bị thương khi chống bão, trong đó Q.Ngũ Hành Sơn có 5 người, Q.Sơn Trà 1 người, Q.Hòa Vang 4 người, Lữ đoàn 54 Quân khu 5 có 1 người.
Đà Nẵng, bão số 11
Đà Nẵng hoang tàn sau cơn bão dữ. 
Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho hay công trình cao tầng Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng bị rơi 70 m2 kính xuống đất và bị ngập xung quanh.

Thành phố Đà nẵng hiện vẫn mất điện trên diện rộng, 2 nhà máy nước lớn nhất của thành phố là Cầu Đỏ và Sân Bay đã bị mất điện nên không thể vận hành, các lực lượng chức năng đang tích cực khắc phục và sẽ có thể sử dụng máy phát điện để đảm bảo cung cấp nước cho nhân dân.

Quảng Ngãi: 1 người bị thương nặng; 31 tàu chìm, hư hỏng; nhiều xã bị chia cắt


Tính đến 9h30 sáng 15/10, bão đã làm một người ở huyện đảo Lý Sơn bị thương nặng, do cây đổ ngã; 31 tàu thuyền neo đậu bị chìm và hư hỏng do va đập vì sóng to, gió dữ; gần 100 ngôi nhà, trường học bị bay mất mái, hư hỏng; trên 150 ha hành, tỏi bị ngã đổ; trên 200 ha cây trồng, hoa màu bị ngã, hỏng; hàng loạt khu dân cư ở miền núi của các huyện: Tây Trà, Trà Bồng... bị đất đá lở chia cắt và cô lập.    
Nhiều  tàu cá của ngư dân Lý Sơn bị va đập và sóng biển nhấn chìm
Nhiều tàu cá của ngư dân Lý Sơn bị va đập và sóng biển nhấn chìm. Ảnh: Báo Quảng Ngãi 
Ông Phan Văn Hiền, Trưởng phòng NN&PTNT, kiêm Phó ban PCLB huyện miền núi Tây Trà cho biết: Hiện tuyến đường vào khu trung tâm 4 xã Trà Xinh, Trà Thọ, Trà Khê, Trà Nham đã bị đất lở gây ách tắc nên các phương tiện không thể vào được. 14 hộ dân ở thôn Trà Ong, xã Trà Quân nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở đã được di dời vào nơi ở tạm. Toàn huyện đã bị mất điện từ 20 giờ, ngày 14 đến giờ vẫn chưa có.

Thừa Thiên – Huế: 2 người chết, 9 người bị thương


Theo PV báo Dân Việt, đến 10h ngày 15/10, trên địa bàn tỉnh đã có 9 người dân bị thương do bão. Trong đó, huyện Phong Điền có 3 người bị thương, huyện Quảng Điền có 3 người, huyện Phú Lộc có 2 người và TP.Huế có 1 người. Trong số 9 người bị thương, có 3 người bị thương nặng, đang được cấp cứu tại bệnh viện.
Giao thông qua Đập Đá ách tắc hoàn toàn do nước lũ dâng cao. Ảnh An Sơn
Giao thông qua Đập Đá ách tắc hoàn toàn do nước lũ dâng cao. Ảnh: Dân Việt 
Tại huyện Phú Lộc, hai em nhỏ là Nguyễn Hoài Nam (13 tuổi) và Nguyễn Văn Bảo (15 tuổi, anh em họ) ở thuộc thôn Trung Kiền, xã Lộc Tiến bị sóng cuốn trôi từ chiều 13/10 do ra ghềnh đá Bãi Bàng để câu cá trong khi biển động. Đến nay vẫn chưa tìm được thi thể hai cháu bé...

Tại vùng biển, đê biển Hải Dương, đoạn từ cầu Ca Cút trở đi, đang sạt lở nghiêm trọng nên không thể tiếp cận. Hệ thống điện bị tê liệt toàn bộ cả tỉnh, chỉ có khu vực trung tâm và phía Nam TP.Huế chưa bị mất điện.

Quảng Trị: Cồn cỏ kiệt quệ do bão chồng bão


Huyện đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị liên tục bị gió bão càn quét với sức càn phá rất lớn. Cây cối trên đảo bị gãy đổ, nhiều tuyến đường, kè đê biển, nhà dân lại tiếp tục bị bão hất tung; hệ thống lưới điện trên toàn huyện bị mất; một số công trình xây dựng đang được sửa chữa do bão số 10 gây thiệt hại vừa qua cũng đã bị tốc mái trở lại.

Hiện những hộ dân trên đảo đã được di dời đến trụ sở UBND huyện để tránh bão. Sóng biển trên đảo đã cao đến 3- 4 mét liên tục ập vào bờ kè.
Bão số 11 tiếp tục càn quét đảo Cồn Cỏ và bẻ gãy cao su ở Quảng Trị
Bão số 11 tiếp tục càn quét đảo Cồn Cỏ và bẻ gãy cao su ở Quảng Trị. Ảnh: PL& XH
Mưa lớn và gió mạnh đã khiến cho nhiều cây cối, hoa màu, nhà dân, đặc biệt là hệ thống cây công nghiệp như cao su... bị ngã gãy khá nhiều.


Hiện tại các địa phương từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi vẫn có mưa lớn. Lũ trên các sông từ nam Quảng Bình đến Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên đang lên nhanh.

Tuy chưa có báo cáo chi tiết về tổng thiệt hại nhưng ghi nhận rất nhiều cây cối nhà cửa bị đổ, tốc mái ở Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam... Quân khu 5 đã điều lực lượng đến các vùng bị thiệt hại nặng để giúp đỡ nhân dân.


10 nhà máy thủy điện ngưng hoạt động

TBKTSG dẫn nguồn thông báo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện tại 10 nhà máy thủy điện khu vực miền Trung phải ngưng hoạt động, 17 hồ chịu ảnh hưởng của bão, trong đó có 11 hồ chứa đang xả lũ gồm: Quảng Trị, A Lưới, Kanăk, An Kê, Pleikrông, Ialy, Sê San 3, Sê San 4, Buôn Kuốp, Vĩnh Sơn A, Sông Ba Hạ.

Trong khi đó, EVN cho biết vào lúc 22h25 tối 14/10, hệ thống truyền tải điện 500kV đã bị sự cố trên các đoạn đường dây Nho Quan - Hà Tĩnh, Hà Tĩnh - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Dốc Sỏi - Pleiku đã làm mất liên kết hệ thống điện quốc gia dẫn đến hệ thống điện 2 miền Bắc Nam vận hành độc lập.
 Hiện đang có 10 nhà máy thủy điện phải ngưng hoạt động do bão lũ miền Trung - Ảnh: Hải Nguyên
Hiện đang có 10 nhà máy thủy điện phải ngưng hoạt động do bão lũ miền Trung. Ảnh: TBKTSG 
Sự cố bất khả kháng nêu trên cũng khiến hơn 10 nhà máy thủy điện khu vực miền Trung phải ngừng hoạt động khẩn cấp gồm thủy điện Bản Vẽ,  A Vương, Đak Mi 4, Sông Tranh ..., làm mất điện một số phụ tải khu vực miền Bắc (khoảng 1.250 MW) và khu vực miền Trung (khoảng 580 MW).

EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia nhanh chóng khắc phục sự cố, khôi phục cung cấp điện. 
Vào hồi 23h05 đã cấp điện trở lại hoàn toàn cho các phụ tải bị mất ở khu vực miền Bắc, 23h55 ngày 14/10 cấp điện trở lại cho các phụ tải bị mất ở khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, đến gần 4h sáng 15/10, do ảnh hưởng của bão, gió giật mạnh và mưa lớn tiếp tục gây sự cố đường dây 500 kV Đà Nẵng - Hà Tĩnh và lưới điện 500kV Bắc - Nam vận hành độc lập.

Hiện, Đà Nẵng và Quảng Nam mất điện toàn bộ.





Diệp Vy (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn