Đa chiều những góc nhìn văn hóa đa sắc màu!

Tổng hợpThứ Hai, 26/03/2012 01:59:00 +07:00

Khởi nguồn từ “Viptalk”, vẫn giữ nguyên phong cách giải trí chính luận, nhưng sau 5 số phát sóng đầu tiên khán giả đã cảm nhận được những nét “cá tính”...

Khởi nguồn từ “Viptalk”, vẫn giữ nguyên phong cách giải trí chính luận, nhưng sau 5 số phát sóng đầu tiên khán giả đã cảm nhận được những nét “cá tính” rất riêng biệt của “Đa chiều”. Những vấn đề văn hóa được nhìn nhận, mổ xẻ dưới nhiều góc cạnh, màu sắc… khác nhau đã giúp cho “Đa chiều” thực sự trở thành một trong những chương trình mang tính phản biện có sức nặng nhất của Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC.

 

 

Nốt nhạc trầm trong bản du ca!

Giữa hàng loạt các chương trình mang tính văn hóa giải trí cao, sống động, trẻ trung và đầy sắc màu như: “Chuyện ngôi sao”, “Sao và xe”, “Cô ấy đẹp”, “Phong cách đàn ông”, “Sành điệu”, “Tôi 20”… có thể nói “Đa chiều” được ví như một nốt nhạc trầm trong bản du ca. Không màu mè, cũng không ồn ào, nhộn nhịp, nhưng “Nốt nhạc trầm” ấy lại tạo ra những mảng màu riêng mạnh mẽ, ấn tượng, cân bằng và hòa quyện để tạo nên một bản hòa ca hoàn chỉnh trong hệ thống các chương trình của Phòng giải trí HD.

Nhớ lại thời điểm cuối năm 2011, khi quyết định khép lại chương trình Viptalk, lãnh đạo trung tâm và Phòng giải trí HD đã cùng nhau bàn bạc để tìm ra một format chương trình mới. Vẫn mang tính chính luận, phản biện sâu sắc, có tính định hướng đối với đời sống văn hóa tinh thần của người Việt hiện nay, nhưng chương trình mới ấy lại phải có màu sắc riêng, đồng thời đảm bảo tính hấp dẫn đối với khán giả truyền hình bên cạnh những chương trình có tính giải trí cao, trẻ trung… mà phòng giải trí HD đang thực hiện.

Sau rất nhiều lần họp, trao đổi, phôi thai chương trình đã được hình thành với cái tên “Góc nhìn văn hóa”. “Chuẩn bị hết ý tưởng kịch bản demo, làm xong cả đồ họa theo tên “Góc nhìn văn hóa” rồi, cả lãnh đạo phòng lẫn ekip thực hiện vẫn cảm thấy không hài lòng, có chút gì đó sạn sạn. Chương trình dường như vẫn thiếu đi nét “cá tính” riêng, thiếu đi chút gai góc, sắc sảo và chưa phải là tiếng nói phản biện có sức nặng như mong muốn đưa ra lúc đầu. Đắn đo và suy nghĩ nhưng rồi bọn mình vẫn quyết định dừng format đó và bắt tay làm lại từ đầu”, chị Mỹ Nga – chủ nhiệm chương trình “Đa chiều” nhớ lại.

Cả ekip thống nhất phải đổi mới về cách thể hiện. Thay vì chỉ có đơn thuần một MC và một khách mời cùng gặp gỡ, trò chuyện trong trường quay như Viptalk trước kia, chương trình mới sẽ có một MC dẫn dắt và một MC đồng hành vừa là khách mời đưa ra các quan điểm cá nhân của mình về vấn đề chương trình luận đàm, vừa là người tung hứng, gắn kết câu chuyện trong suốt quá trình ghi hình. Các chủ đề bàn luận trong chương trình cũng không dừng lại ở ý kiến đơn chiều từ một vị khách mời mà sẽ có sự xuất hiện của nhiều vị khách mời với nhiều quan điểm, góc nhìn và tiếng nói phản biện khác nhau. Cái tên “Đa chiều” cùng với format nội dung chương trình chính thức ra đời ngay trước Tết Nguyên Đán và ngày lên sóng số đầu tiên chỉ chưa đầy một tháng.

Tìm được tên gọi và đề cương chương trình rồi, việc khó khăn tiếp theo đối với những người thực hiện là tìm được người dẫn chuyện phù hợp. Sau khi cân nhắc và lựa chọn, ekip chương trình đã tìm đến và mời giáo sư Đặng Hùng Võ tham gia vị trí MC đồng hành cùng chương trình. “Tưởng như con người thường xuất hiện gắn liền với những sự kiện đất đai ấy sẽ rất khô khan, cứng nhắc khi bàn về vấn đề văn hóa, thế nhưng Giáo sư Đặng Hùng Võ lại mang đến cho chương trình một trình độ hiểu biết văn hóa sâu sắc, một lối dẫn chuyện dí dỏm, thông minh, một cách diễn đạt tế nhị, khéo léo… khiến chính những người thực hiện chương trình cũng cảm thấy bất ngờ, hứng thú và… kỳ vọng. Sự nhiệt tình, ủng hộ của Giáo sư với format chương trình mới có thể coi là cái may mắn khởi điểm cho “Đa chiều”. Chiếc bánh xe đã chính thức quay những guồng quay hối hả đầu tiên…”, BTV Mỹ Nga bộc bạch.

 

 

Những góc nhìn văn hóa đa chiều

Nhớ lại những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, khi đâu đó mọi người đang dần thư giãn bớt công việc cơ quan, chuẩn bị sắm tết, du xuân thì những người thực hiện “Đa chiều” lại làm việc cật lực, bắt tay vào thực hiện số đầu tiên.

“Dừng lại toàn bộ những gì đã làm từ format “Góc nhìn văn hóa”, bắt tay làm lại tất cả từ đầu, trong khi chỉ còn khoảng một tháng nữa đã lên sóng. Đó thực sự là một áp lực lớn đối với mình và toàn bộ ekip thực hiện ở thời điểm ấy”, chủ nhiệm “Đa chiều” nhớ lại.

Mong muốn làm một chương trình giao thoa giữa cái cũ và cái mới, giữa Viptalk và Đa chiều, Mỹ Nga đã quyết định thực hiện một Gala xâu chuỗi lại tất cả các sự kiện văn hóa, giải trí nổi bật trong năm 2011. Những vấn đề “Viptalk” đã từng nói, từng đề cập nhưng dưới cách thể hiện, kết nối và dẫn dắt hoàn toàn mới của “Đa chiều”.

Bắt tay vào viết kịch bản, mời MC, khách mời, Mỹ Nga và toàn bộ ekip dường như bị cuốn trong một guồng quay gấp gáp và hối hả. Cuối cùng một chương trình “Đa chiều” số đầu tiên có thời lượng gần 1 tiếng, với 5 vấn đề văn hóa nổi cộm và 5 vị khách mời đã chính thức lên sóng vào lúc 13h30 chiều 30 Tết Nhâm Thìn. Vấn đề thảm họa trong âm nhạc, điện ảnh, thời trang; Những vụ lùm xùm trong năm qua của điện ảnh Việt Nam; Vì sao sân khấu Miền Bắc tối đèn?; Bệnh vô cảm trong xã hội hiện đại… Cùng với những bình luận của PGS Ngô Văn Giá,  Đạo diễn Đặng Nhật Minh, Nhà văn hóa Phan Cẩm Thượng, TS. Trịnh Hòa Bình… Đã tạo nên những nét hình hài đầu tiên của một chương trình “Đa chiều” có sức nặng, có tính phản biện cao và chứa đầy những góc nhìn về những giá trị văn hóa sâu sắc.

“Chưa bao giờ mình làm một chương trình dài hơi như thế, nhiều vấn đề lớn như thế. Nhưng cũng may là mình đã từng làm Viptalk, đã có liên lạc với tất cả các vị khách mời, đồng thời cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía khách mời. Đó là một thuận lợi rất lớn để có thể hoàn thành được số đầu tiên”, BTV Mỹ Nga chia sẻ.

 

Được nghiệm thu xếp loại xuất sắc, được khán giả phản hồi tích cực, đó là những động lực lớn để ekip “Đa chiều” tiếp tục cố gắng, tiếp tục thử sức mình ở những đề tài có sức nặng, với những cách thể hiện đa chiều, đa sắc màu hơn.

Mặc dù vậy, đều đặn lên sóng 1 số mỗi tuần, phải tự lo từ kịch bản, cho đến liên hệ ghi hình, làm hậu kỳ… là một sức ép không nhỏ đối với Mỹ Nga. Dường như cô gái sinh năm 1980 này lúc nào cũng bận rộn. Thông thường Mỹ Nga phải dành riêng một tuần để lên ý tưởng, viết kịch bản. Phải tìm những chủ đề có tính phản biện, khai thác ở khía cạnh mới, ít người khai thác… nhiều khi chính Mỹ Nga cũng cảm thấy mình rơi vào trạng thái “bĩ cực tư duy”, không nghĩ được gì, không biết khi nào mình sẽ cạn đề tài, cạn ý tưởng…  Tiếp theo đó là liên hệ khách mời, thực hiện ghi hình. Thông thường mỗi số “Đa chiều” thường mời một lúc nhiều khách mời, sắp xếp sao để các vị khách mời có thể đến trường quay cùng một lúc là cả một vấn đề. Có lần Mỹ Nga đã phải hủy bỏ buổi ghi hình dù mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi hết chỉ vì một vị khách báo bận đột xuất vào phút chót…  “Cũng may lãnh đạo Phòng giải trí HD rất quan tâm tới Đa Chiều. Trưởng phòng Thanh Thảo cũng là người chủ động nghĩ ra những ý tưởng thực hiện chương trình. Mỗi lần đưa đề tài, “sếp” đều nhiệt tình hỗ trợ, đưa ra ý kiến đóng góp... Nhờ vậy mình cũng cảm thấy phấn chấn,có thêm nghị lực để làm”, Mỹ Nga thổ lộ.

Cho tới thời điểm này, “Đa chiều” đã lên sóng thêm được ba số: Đi lễ thời nay, Vẻ đẹp nào cho phụ nữ thời nay…. Tất cả đều nhận được phản hồi tốt từ phía khán giả truyền hình cũng như hội đồng nghiệm thu của Đài VTC. Chủ nhiệm “Đa chiều” cho biết, trong thời gian tới cô sẽ hướng tới những chủ đề văn hóa mang tính phản biện sâu sắc, được công chúng quan tâm nhiều hơn: Hôn nhân tự nguyện và sắp đặt, Săn quý tử tuổi rồng, Nổi tiếng và tai tiếng, “Sống thử”;  Khi nhà Lý luận phê bình “ đi vắng”…

Chương trình “Đa chiều” phát sóng vào 20h30 thứ Bảy hàng tuần trên kênh VTCHD1 và VTC1.


KT


Bình luận
vtcnews.vn