Đa cấp lừa đảo: Trách nhiệm đầu tiên thuộc Bộ Công Thương

Thị trườngThứ Ba, 19/04/2016 11:50:00 +07:00

Đại diện Ban chỉ đạo 389 nhấn mạnh với chúng tôi về trách nhiệm của bộ Công Thương trong các vụ kinh doanh đa cấp lừa đảo.

Đại diện Ban chỉ đạo 389 nhấn mạnh với chúng tôi về trách nhiệm của bộ Công Thương trong các vụ kinh doanh đa cấp lừa đảo.

Nhiều vụ việc lừa đảo trong kinh doanh đa cấp lộ ra thời gian qua cho thấy dù là một mô hình kinh doanh "hút" khách kỷ lục nhưng cũng chứa đựng đầy cạm bẫy rủi ro.


Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Thái, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) để cùng trao đổi về vấn đề này.

- Thưa ông, những chiêu trò quảng cáo sự thật, siêu hấp dẫn về lợi nhuận với triết lý không cần làm gì nhiều mà vẫn giàu to, người ta có thể kiếm tiền tỷ chỉ trong một thời gian ngắn, ông có tin vào hiệu quả siêu lợi nhuận như vậy trong mô hình kinh doanh đa cấp hay không?

Ông Hồ Quang Thái, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389).
Ông Hồ Quang Thái, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389). 
Bản thân tôi không tin. Tôi cũng xin khuyến cáo người dân cũng không nên tin vào những chiêu trò lừa đảo của một số doanh nghiệp lợi dụng loại hình kinh doanh đa cấp để quảng cáo sai sự thật.


- Theo ông, với những chiều trò quảng cáo thổi phồng sự thật về sản phẩm, lợi nhuận, lôi kéo hàng triệu người dân tham gia, ai, cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm về những điều này?

Bộ Công Thương đã cấp phép kinh doanh đa cấp cho 67 doanh nghiệp. Với 67 doanh nghiệp này, trách nhiệm là thuộc về Bộ Công Thương trong các nội dung quản lý Nhà nước về toàn bộ các việc như rà soát cấp phép, cũng như quản lý thông tin, tuyên truyền, quảng cáo, xét duyệt, thẩm định các mặt hàng trong kinh doanh đa cấp.

- Ông nói như vậy có nghĩa là Bộ Công Thương sẽ phải chịu trách nhiệm về quảng cáo sai sự thật ở các công ty kinh doanh đa cấp phải không ạ?

Với những công ty mà Bộ Công Thương đã cấp phép thì Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm giám sát, kể cả việc kinh doanh hàng hóa cũng như quảng cáo tuyên truyền. Trước khi các doanh nghiệp muốn tổ chức hội nghị khách hàng, hoặc tổ chức thông tin quảng cáo tới khách hàng thì đều phải xin phép các cơ quan chức năng ở Bộ Công Thương nếu như trực thuộc thầm quyền quản lý của Bộ. Nếu ở tỉnh, họ sẽ phải xin phép ý kiến của Sở Công Thương và cơ quan quản lý truyền thông ở đó.Đó là tôi nói ở góc độ đối với 67 công ty được cấp phép.

Còn với loại hình các công ty kinh doanh trái phép như không đăng ký kinh doanh đa cấp, và loại hình công ty lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan khác. Cụ thể, thứ nhất ở đây là cấp ủy chính quyền địa phương các cấp, thứ hai là lực lượng cơ quan công an địa phương các cấp vì cơ quan công an các cấp là người chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự, an ninh kinh tế, an ninh xã hội trên địa bàn.

- Trở lại một số vụ việc kinh doanh đa cấp được phát hiện là lừa đảo gần đây như công ty đa cấp Liên Kết Việt, bản thân Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã từng kiểm tra và xử phạt tới 570 triệu đồng, nhưng sau đó, Bộ đã không công bố công khai ngay các vi phạm này để cảnh báo người dân. Và dưới sức ép dư luận, Bộ này cũng đang kiểm tra 7 công ty kinh doanh đa cấp khác.Ông nghĩ thế nào về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong những vụ việc kinh doanh đa cấp lừa đảo hiện nay?

Như phần trên tôi vừa trao đổi, khi phát hiện một số sai phạm của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, theo quy định của Nghị định 42, Bộ phải có trách nhiệm công bố tới người dân về việc này. Việc công bố công khai đó là để những ai liên quan, bị các chiêu trò quảng cáo sai sự thật lôi kéo của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, rồi bị lợi dụng, bị mất tiền, bị mua phải hàng giả... để rút kinh nghiệm. Việc Bộ Công Thương chưa công bố sai phạm là chưa đúng theo quy định của Nghị định 42.

Thời gian qua, việc kinh doanh đa cấp bị lợi dụng, bóp méo quá nhiều, trước dư luận của quần chúng, của báo chí đăng tải nhiều thông tin phát hiện, thấy rằng, kinh doanh bán hàng đa cấp đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống an ninh xã hội, đời sống kinh tế của người dân. Việc Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản, quản lý cấp phép, quản lý việc kinh doanh bán hàng đa cấp, vào cuộc thanh tra, kiểm tra các công ty do mình cấp phép là đương nhiên.

Trước mắt, hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang tiến hành kiểm tra với 7 công ty do mình cấp phép có dấu hiệu sai quy định trong việc bán hàng đa cấp.

- Vâng, và 1 trong 7 công ty đó là công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy. Gần đây, đã có nhiều tờ báo, nhiều loạt bài điều tra về hành vi nghi lừa đảo ở công ty này. Bản thân ông có nhận định bước đầu thế nào về mạng lưới đa cấp này?


Theo chúng tôi được biết, công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy là một doanh nghiệp bán hàng đa cấp lớn, ra đời rất sớm trên thị trường Việt Nam, có mạng lưới phân phối rộng khắp trên cả nước, số lượng khách hàng tham gia lên tới nhiều nghìn người tham gia.

Gần đây, báo chí có đưa tin về nhiều chiêu trò lôi kéo khách hàng, bị phát hiện tố giác đối với công ty này ở Đà Nẵng, Vĩnh Long... và đang tiến hành điều tra xử lý. Có những vụ lên tới hàng tỷ đồng.

Theo quan điểm của tôi, việc Thiên Ngọc Minh Uy vi phạm tương tự như những vấn đề chưa được thống nhất ở Nghị định 42 cua Chính phủ về kinh doanh đa cấp. Ví dụ, tại khoản 10, Điều 3 của Nghị định này về giải thích từ ngữ, có nói, nguồn thu nhập của người bán đa cấp xuất phát chính từ 3 nguồn. Thứ nhất là từ việc phát triển mạng lưới mới, thứ hai là phí và tiền đặc cọc, thứ ba là khoản đầu tư của người tham gia bán hàng đa cấp hoặc gia hạn bán hàng đa cấp.

Video: Xem đa cấp Liên kết Việt 'phù phép' hàng chục tỷ đồng thế nào?

Nguồn: VTV


Trong khi đó, Điều 5 lại cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện những điều trên (Điều 3) thuộc về nguồn thu nhập chính của người bán hàng đa cấp.

Qua theo dõi tìm hiểu, hiện nay, trên thực tế, những vụ việc vừa rồi bị phát hiện đều trên cơ sở, các công ty không chấp hành thực hiện nghiêm các hành vi bị cấm ở Điều 5 mà lại chủ yếu dựa vào khoản 10, Điều 3 của Nghị định 42 về giải thích từ ngữ. Các doanh nghiệp đua nhau tuyên truyền, quảng cáo, và muốn được nhiều người tham gia, đương nhiên phải nói hay, quảng cáo nhiều chiêu trò khác nhau về lợi nhuận khủng để nhiều người tham gia.

- Thiên Ngọc Minh Uy cũng chính là một dẫn chứng?

Thiên Ngọc Minh Uy chính là một dẫn chứng điển hình như vậy. Nếu đánh giá tổng quát, công ty này đã và đang có những dấu hiệu gần giống các doanh nghiệp đã bị phát hiện và cần phải xử lý nghiêm minh về các hành vi này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn