Cựu Tổng giám đốc PVTex xin đi nước ngoài trị bệnh, ĐBQH: 'Có dấu hiệu tham nhũng phải đưa vào diện hạn chế'

Thời sựThứ Tư, 09/11/2016 16:57:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải sửa Luật Công chức, những người có dấu hiệu nghi vấn tham nhũng thì dứt khoát phải đưa vào diện hạn chế.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã bình luận về những bất cập xung quanh việc quản lý cán bộ hiện nay từ vụ việc ông Vũ Đình Duy “mất tích” những ngày qua.

nguyen-huu-cau

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu

- Từ vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, và gần đây ông Vũ Đình Duy 3 lần có đơn xin đi nước ngoài chữa bệnh nhưng rồi “mất tích” khiến ông có suy nghĩ gì?

Con người có đặc điểm là khi thấy nguy cơ thì người ta trốn tránh cho an toàn. Đây là quy luật sinh tồn, ai cũng thế thôi.

Tuy nhiên, đối với trường hợp của cán bộ công chức Nhà nước ở Bộ Công Thương vừa rồi, như ông Vũ Đình Duy, tôi cho rằng cần nhìn vấn đề từ hai góc độ.

Thứ nhất, ông Duy với tư cách là một viên chức của một cơ quan có tổ chức thì dứt khoát đi đâu phải được sự chấp thuận của tổ chức. Còn nếu tổ chức không chấp thuận mà vẫn đi thì đó là vô kỷ luật, không thể chấp nhận được.

Tôi cũng cho rằng, lý do đi nước ngoài chữa bệnh hay làm gì thì cũng là quyền tự do đi lại của công dân. Nhưng trong trường hợp này, có thể lý do đi chữa bệnh chỉ là cái cớ mà thôi. Chứ nếu thực sự chữa bệnh thì trong nước cũng có thể chữa rất tốt.

Video: Tận thấy nhà máy để thua lỗ nghìn tỷ đồng của cựu Tổng giám đốc Vũ Đình Duy

Còn trên góc độ của người làm điều tra thì tôi thấy thế này: Vấn đề bây giờ là ở chỗ, Luật Tố tụng Hình sự quy định, khi kiểm tra có dấu hiệu vi phạm cần phân biệt làm hai loại.

Nếu vi phạm về hành chính, công chức thì xử lý theo hành chính, công chức. Nếu có dấu hiệu của tội phạm thì mới chuyển cho cơ quan điều tra, kiến nghị khởi tố và để khởi tố được ít nhất phải mất 20 ngày và nếu chậm phải 2 tháng, bây giờ luật mới còn cho phép gia hạn thời gian nói trên.

Cho nên khi muốn cấm xuất cảnh, hay cấm một người nào đó đi khỏi một vị trí nào đó thì phải có quyết định khởi tố vụ án của cơ quan có thẩm quyền. Còn khi cơ quan điều tra chưa có ý kiến gì thì việc đi lại vẫn là quyền tự do của công dân theo luật cư trú.

- Như vậy, phải chăng các cơ quan chức năng không có cách nào để quản lý những cán bộ liên quan đến sai phạm để rồi họ có thể “mất tích” bất cứ lúc nào, thưa ông?

Thực ra để khắc phục thì rất dễ, không có gì khó. Vướng mắc về mặt pháp luật thì phải tháo gỡ về mặt pháp luật. Luật là do Quốc hội làm ra, bây giờ thấy luật sơ hở như vậy thì phải sửa đổi cho phù hợp.

Tôi lấy ví dụ, ngày xưa chúng tôi làm, trước lúc Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 sắp tới có hiệu lực, với những đối tượng mà khi cơ quan điều tra vào tiến hành kiểm tra xác minh tin báo tố giác tội phạm mà có dấu hiệu rõ ràng là chúng tôi ra lệnh cấm xuất cảnh.

vu dinh duy -2

 Ông Vũ Đình Duy và dự án nhà máy xơ sợi Đình Vũ

Nhưng bây giờ thì không được, bây giờ phải có quyết định khởi tố vụ án, thậm chí trong thảo luận còn có ý kiến là phải có khởi tố bị can rồi mới được cấm xuất cảnh, mà theo tôi làm vậy thì quá muộn.

Hay như luật cũ có chi tiết rất hay là “bỏ trốn để chiếm đoạt”, nhưng khi thảo luận có người nói không đưa vào vì liên quan đến luật cư trú của công dân. Nhưng tôi với 36 năm làm điều tra thì đến 90% các vụ việc có hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản đều bỏ trốn. Tất nhiên bỏ trốn ở đây không đồng nghĩa với hành vi “lánh nợ” hay “tạm vắng”.

- Vậy phải làm gì để tránh việc cán bộ sai phạm lại tìm cách trốn ra nước ngoài, thưa ông?

 
Những người có dấu hiệu nghi vấn như vậy, khi các cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc mà có dấu hiệu tham nhũng thì dứt khoát phải đưa vào diện hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu

Phải điều chỉnh luật công chức. Những người có dấu hiệu nghi vấn như vậy, khi các cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc mà có dấu hiệu tham nhũng thì dứt khoát phải đưa vào diện hạn chế.

Nếu người ta “chưa có vấn đề” thì người ta được đi chữa bệnh như bình thường. Còn nếu người ta “có vấn đề” thì luật phải quy định sớm để ngăn chặn.

Công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Nếu pháp luật không cho phép nhưng anh vẫn làm thì là lạm quyền.

- Tập đoàn Hóa chất Việt Nam liệu có trách nhiệm hay không khi không quản lý được cán bộ của mình?

Cái đó thì phải hỏi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Tập đoàn này quản lý như thế nào, hết trách nhiệm chưa. Nhưng phải thấy rằng, trước hết phải chấp hành kỷ luật, kỷ cương quản lý hành chính của tổ chức.

Người được quản lý phải phục tùng tổ chức. Nếu như ở đó họ đã cấm nhưng anh vẫn đi thì rõ ràng là vô tổ chức.

- Thưa ông, nhiều ý kiến băn khoăn khi một cán bộ lãnh đạo để xảy ra thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng nhưng vẫn được điều động bổ nhiệm vào vị trí khác nhau ở Bộ Công thương?

Tôi đã phát biểu rất rõ ràng trước Quốc hội, trước hết với 5 dự án tổng vốn 30.000 tỷ đồng được Chính phủ báo cáo, thua lỗ sơ bộ 7.300 tỷ đồng, riêng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 vốn đội lên hơn 4.300 tỷ đồng.

Tôi đề xuất cả 5 dự án này đều phải làm rõ được trách nhiệm ai để thất thoát, và phải báo cáo Quốc hội. Con số thất thoát cụ thể bao nhiêu phải làm rõ, khi có tài liệu chứng cứ thì đưa ra kết luật.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn