Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cảm thấy có lỗi với Vũ 'nhôm'

Pháp luậtThứ Năm, 29/11/2018 15:20:00 +07:00

Ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cho biết, ông cảm thấy có lỗi với Vũ “nhôm” vì không thành thật thông tin tình hình hoạt động của Ngân hàng Đông Á.

Ngày 29/11, TAND TP.HCM tiếp tục thẩm vấn bị cáo Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (DAB) trong vụ án cùng các đồng phạm gây thiệt hại của DAB hơn 3.608 tỷ đồng.

Mở đầu phiên toà, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị bị cáo Trần Phương Bình trả lời vì sao hôm qua nói cảm thấy có lỗi với Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm").

Ông Bình cho biết, bản thân bị cáo là giáo viên nên cảm thấy có lỗi với Vũ “nhôm” vì đã không trung thực, không cho Vũ “nhôm” biết tình trạng hoạt động của công ty để Phan Văn Anh Vũ mua cổ phần và trở thành cổ đông của ngân hàng trong khi ngân hàng đã hụt vốn rất nhiều. 

47062849_255921235088834_7915318980691099648_n

 Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á nói cảm thấy có lỗi với Vũ “nhôm”.

Ông Bình khai đã nhờ vợ và các con đứng tên mua cổ phần của DAB và việc không bán cổ phần đứng tên của người thân là để giữ uy tín cho ngân hàng. 

Tại phiên xét hỏi ngày 28/11, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á thừa nhận mọi hành vi phạm tội bị truy tố trong cáo trạng hoàn toàn đúng sự thật. Ngoài 21 hành vi lạm dụng chiếm đoạt tài sản và 6 hành vi cố ý mà bị cáo bị truy tố trong cáo trạng thì 6 hành vi đã bị cơ quan điều tra tách ra là đúng.

Ông Bình cho biết Ngân hàng Đông Á trải qua rất nhiều lần nâng vốn điều lệ và không nhớ rõ bao nhiêu lần tăng vốn. 

Ông Bình cho rằng, việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng dựa vào quyết định của Đại hội đồng cổ đông, sau đó giao cho HĐQT tổ chức thực hiện.

47073667_700138853718970_4467037700356046848_n

 Các bị cáo tại toà.

Ông Bình khai, từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước mới bắt đầu thanh tra toàn diện DAB và phát hiện sai phạm. Trước đó, có năm không thanh tra hoặc thanh tra không toàn diện. Về thanh tra quỹ thực tế, trước 2014 ông Bình không nhớ rõ là có thanh tra hay không. 

Khi nhận được văn bản đó, nếu thấy có nội dung liên quan hoạt động ngân quỹ thì cựu Tổng giám đốc DAB sẽ chỉ đạo các nhân viên liên quan bằng mọi cách che giấu. Đó là điều chuyển các khoản khống tới các chi nhánh khác, nơi Ngân hàng Nhà nước không thanh tra.

Theo cáo trạng, năm 2013, DAB kinh doanh sa sút, thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn vàng và tiền trong kho quỹ.

Trần Phương Bình muốn Vũ “nhôm” đầu tư vào DAB để Bình có tiền xử lý khó khăn tại ngân hàng, tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng (năm 2014).

Cuối năm 2013, Bình và Vũ “nhôm” bàn bạc, thống nhất để Vũ “nhôm” mua 60 triệu cổ phần DAB với giá hơn 600 tỷ đồng khi DAB tăng vốn điều lệ nhằm để Vũ “nhôm” thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DAB.

Vũ “nhôm” thế chấp hàng trăm lô đất tại TP Đà Nẵng để vay DAB 400 tỷ đồng, còn thiếu 200 tỷ đồng Vũ “nhôm” nhờ Bình giúp đỡ. Bình và Vũ “nhôm” thống nhất DAB xuất quỹ chi cho Vũ “nhôm” bằng cách Vũ “nhôm” phải ký chứng từ nộp khống 200 tỷ đồng tại DAB.

Theo đó, 200 tỷ đồng mà Vũ nộp vào DAB là khống, 200 tỷ đồng DAB chuyển vào tài khoản của Công ty Bắc Nam 79 là thật. Số tiền này đã được dịch chuyển sở hữu bất hợp pháp từ DAB sang cho công ty của Vũ “nhôm”. Vì vậy, hành vi của Bình và Vũ “nhôm” gây thiệt hại cho DAB 200 tỷ đồng tiền gốc và 3,1 tỷ đồng tiền lãi.

Quang Anh
Bình luận
vtcnews.vn