Cựu thư ký của Hà Văn Thắm khóc, phủ nhận liên quan đến BSC

Pháp luậtThứ Tư, 30/08/2017 11:15:00 +07:00

Sáng nay, bị cáo Hồng Tứ lại khóc nức nở khi tòa xét hỏi và giải thích do thời gian này sức khỏe bản thân yếu nên hay căng thẳng, dễ xúc động.

Sáng 30/8, bước sang ngày thứ 3 phiên xử Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo xoay quanh hành vi cho vay 500 tỷ đồng trái pháp luật.

Video:Cựu thư ký của Hà Văn Thắm khóc nức nở trước vành móng ngựa, phủ nhận liên quan đến BSC

Trong phần xét hỏi sáng 30/8, Hồng Tứ khóc nức nở trước vành móng ngựa và cho rằng mình chỉ đứng tên hộ chứ không biết gì về hoạt động của Công ty BSC.

Trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Tứ (34 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty BSC) khai vào làm việc tại Oceanbank từ tháng 9/2007 với chức năng thư ký văn phòng Hội đồng quản trị. Đến năm 2013, cô được chuyển xuống làm việc tại Khối khách hàng bán lẻ.

Trước lời khai trên, HĐXX hỏi Tứ có thời gian nào làm việc tại Công ty BSC Việt Nam (sân sau của Hà Văn Thắm) không?, bị cáo này nhấn mạnh: "Không làm gì". "Tháng 8 năm 2012 anh Thắm có nhờ bị cáo đứng tên Chủ tịch HĐQT Công ty BSC trong thời gian chờ anh ấy tuyển người về thay thế. Bị cáo không biết trước khi đứng tên hộ công ty có hoạt động gì không, có bao nhiêu nhận sự. Từ lúc đứng tên bị cáo không làm gì ạ", Tứ bật khóc.

Được HĐXX động viên, Tứ nức nở: "Dạ, bị cáo thần kinh yếu hay xúc động. Bị cáo căng thẳng đầu óc…”.

'Bong hong' tre nhat trong vu an Ha Van Tham tiep tuc khoc hinh anh 1

Hồng Tứ đến phiên tòa sáng 30/8. (Ảnh: Việt Hùng)

Khi cơn xúc động qua đi, nữ bị cáo trẻ tuổi nhất trong vụ án Hà Văn Thắm khai trong trình làm việc với cơ quan tố tụng có thừa nhận bản thân ký 97 hợp đồng trị giá trên 13 tỷ đồng. Tất cả hợp đồng trên khi ký đều đã có tên Tứ, ở trong các hoàn cảnh khác nhau.

Đến tháng 4/2009, Phạm Hoàng Giang được tuyển về làm Tổng giám đốc công ty. "Anh Giang bảo bị cáo ký cho đủ thành phần ạ", Tứ sụt sùi khai và cho rằng do quá tin tưởng Giang vì người đàn ông này là tiến sỹ luật.

Cựu thư ký của Hà Văn Thắm khẳng định đã nhiều lần xin Thắm cho dừng việc đứng tên nhưng đều bị từ chối. "Mãi sau này bị cáo mới được anh Thắm chuyển nhượng chức danh này cho anh Chu Văn Tuấn nhưng chỉ là chuyển theo hình thức thôi ạ. Trong thời gian đứng tên, bị cáo không làm việc gì, không nhận lương, góp vốn hay bất cứ thứ gì tại Công ty BSC Việt Nam”, Hoàng Thị Hồng Tứ khẳng định.

Theo tài liệu điều tra, ngoài đứng tên Chủ tịch HĐQT Công ty BSC, Hoàng Thị Hồng Tứ còn bị cáo buộc có hành vi mang hơn 4 tỷ đồng tới đưa cho Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank). Lý giải về hành vi này, Tứ cho rằng chỉ là người chuyển tiền hộ cấp trên.

Kết thúc phần xét hỏi, chủ tọa phiên tòa hỏi bị truy tố về hành vi Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, bị cáo ý kiến gì không, Tứ khóc rồi nói:  "Bị cáo không làm gì hết, không tư lợi, nhận lương, bị cáo không giúp sức cho ai cả".

'Bong hong' tre nhat trong vu an Ha Van Tham tiep tuc khoc hinh anh 2

Bị cáo Hà Văn Thắm tại buổi xét xử thứ 3 (30/8). (Ảnh: Việt Hùng)

Ít phút trước đó, trả lời câu hỏi về hợp đồng 3 bên giữa Ngân hàng Oeanbank, Ngân hàng Đại Tín (sau này đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng) và Công ty Trung Dung, đại diện Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam khẳng định: “Ngân hàng Đại Tín không có vi phạm gì liên liên quan đến thất thoát 500 tỷ đồng của Ngân hàng Oeanbank. Biên bản 3 bên là bản photo, được ký tháng 11/2012.

Theo lời khai những người liên quan, hợp đồng này được ông Trần Xuân Nam (Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín) ký trước và mang đi cho 2 bên còn lại ký. "Hai bên còn lái có ký hay không và ký lúc nào chúng tôi không biết", đại diện Ngân hàng Xây dựng nói và cho hay Tổng giám đốc Trần Xuân Nam cũng không biết sau khi mình ký, 2 người còn lại có được ký hay không.

Tòa hỏi đại diện Ngân hàng Xây dựng, ở thời điểm đó, ông Phạm Công Danh có quan hệ gì với Ngân hàng Đại Tín không?. Trả lời thẩm vấn, đại diện ngân hàng này khẳng định ông Danh “không có chức vụ gì ở ngân hàng Đại Tín”. Tới tháng 2/2013, ông Danh mới tổ chức hội nghị cổ đông bất thường ở ngân hàng Đại Tín. Sau hội nghị này, ông giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Tín và tiến hành đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam.

"Trách nhiệm giải quyết số tiền 500 tỷ thuộc về ai. Theo tôi, đây là hợp đồng tín dụng giữa Công ty Trung Dung và Oceanbank nên cứ đúng hợp đồng mà làm", đại diện Ngân hàng xây dựng nói tại tòa.

Zing.vn ghi nhận, trong buổi xét xử chiều 29/8, tòa đã dành phần lớn thời gian thẩm vấn 3 bị cáo: Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch ngân hàng Oceanbank), Phạm Công Danh (nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trần Văn Bình (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung - công ty con của Danh), liên quan tới việc mua bán Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Tín (Ngân hàng Đại Tín) và việc ngân hàng Oceanbank cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng không có tài sản thế chấp đảm bảo.

Bị cáo Bình khai bản thân là lái xe thuộc bộ phận hành chính của tập đoàn Thiên Thanh, không chuyên trách chở ai. Bình nói sau khi bị bắt, nghe cơ quan điều tra hỏi cung mới biết bản thân giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung. Bình cũng khẳng định "không biết" về khoản tiền 500 tỷ mà công ty do mình làm tổng giám đốc vay của ngân hàng Oceanbank. 

Lắng nghe phần trình bày của nhân viên cũ, bị cáo Phạm Công Danh ngồi ở hàng ghế bị cáo phía sau vành móng ngựa thi thoảng đưa mắt lên nhìn. Đến khi được tòa hỏi, sếp cũ của Bình cho rằng với trình độ của một lái xe, khi đối diện trước pháp luật Bình có thể lo sợ. "Anh nói không biết gì là chưa đúng. Anh Bình làm Tổng giám đốc Công ty Trung Dung không có ai ép buộc và lái xe này tự xin làm", Danh khẳng định.

Cũng trong cuối buổi chiều hôm qua, Hà Văn Thắm là bị cáo thứ 3 được tòa xét hỏi. Cựu chủ tịch ngân hàng Oceanbank bước lên vành móng ngựa và trả lời khá rành mạch. Nghe HĐXX hỏi "bị cáo bị nghị truy tố tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, có ý kiến gì không?". Thắm đáp gọn: "Cái đó do quý tòa quyết định, bị cáo không có ý kiến và chấp hành".

Trước lời khai của Thắm, HĐXX công bố lời khai của nữ đại gia Hứa Thị Phấn vì bị cáo này xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe. Sau khi nghe lời khai của bà Phấn về quan hệ với mình, Hà Văn Thắm “phản pháo” khi được tòa hỏi. "Lời khai của Phấn có nhiều tình tiết không đúng sự thật”, cựu Chủ tịch ngân hàng Oceanbank khẳng định.

- Tháng 2/2017, TAND Hà Nội đưa 47 bị cáo ra xét xử 3 tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Do có nhiều tình tiết chưa được làm rõ, HĐXX trả lại hồ sơ điều tra bổ sung.

- Tháng 7/2017, VKSND ra bản cáo trạng mới. Lần này có thêm 4 người vướng vòng lao lý. Trong đó, Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn bị truy tố thêm tội Tham ô tài sản.

- Ngày 28/8, tại phiên xử sơ thẩm lần 2 tại Hà Nội, có 48 bị cáo có mặt, 3 người vắng mặt.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn