Cứu sống bệnh nhân tim đột ngột ngừng đập

Tin tứcThứ Sáu, 09/10/2020 10:44:28 +07:00
(VTC News) -

Ngày 9/10, BS Nguyễn Thái Anh, BV quận Thủ Đức, cho biết, BV này vừa cứu sống bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp do tắc động mạch vành phải.

Bệnh nhân P.V.T. (sinh năm 1957) bị nhồi máu cơ tim cấp do tắc động mạch vành phải, có tiền sử tăng huyết áp.

Trước đó, khi T. đang nằm ngủ thì bỗng dưng cảm thấy ngực nóng như lửa đốt, đau thắt ngực, cơn đau lan xuống cả cánh tay, bắt đầu nôn ói. Ông được người nhà chở đi cấp cứu tại BV quận Thủ Đức ngay trong đêm.

Kết quả điện tâm đồ cho thấy đây là trường hợp nhồi máu cơ tim thành dưới giờ thứ 3 có biến chứng nhịp chậm. Bệnh nhân trong giai đoạn nguy hiểm đến tính mạng nên được nhanh chóng chuyển đến phòng Thông tim để tiến hành can thiệp cấp cứu, tái thông mạch vành nuôi tim bị tắc, cứu sống người bệnh.

Cứu sống bệnh nhân tim đột ngột ngừng đập - 1

Trong quá trình can thiệp tái thông mạch máu, theo dõi sinh hiệu qua monitor ghi nhận bệnh nhân có tình trạng rung thất, tim đột ngột ngừng đập, đe dọa đến tính mạng. (Ảnh: BVCC)

Theo BS Lê Duy Lạc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tim mạch, người trực tiếp thực hiện can thiệp cho bệnh nhân, trong quá trình can thiệp tái thông mạch máu, theo dõi sinh hiệu qua monitor ghi nhận bệnh nhân có tình trạng rung thất, tim đột ngột ngừng đập, đe dọa đến tính mạng.

Các bác sĩ tiến hành hồi sức tim phổi (CPR), ép tim ngoài lồng ngực và sốc điện khử rung tim nhiều lần với dòng điện 270J.

Ngay khi bệnh nhân bắt đầu có mạch trở lại, các bác sĩ tiếp tục tiến hành thủ thuật, kết quả bệnh nhân bị nghẽn hoàn toàn động mạch vành bên phải (RCA) nên phải tiến hành hút huyết khối và đặt 1 stent tái thông dòng chảy động mạch vành.

Bệnh nhân đã được tái thông hoàn toàn nhánh động mạch vành phải, tuy nhiên bệnh nhân vẫn còn hẹp 80% nhánh động mạch vành bên trái cũng cần được tái thông.

"Do bệnh nhân cao tuổi và bệnh nặng nên chúng tôi quyết định can thiệp trước một mạch vành bên phải là nhánh thủ phạm gây ra nhồi máu cơ tim lần này, điều trị nội khoa và sẽ can thiệp nhánh còn lại khi tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định hơn”, BS Lê Duy Trạc cho hay.

Sau 5 ngày, tình trạng bệnh nhân dần ổn định nên các bác sĩ Khoa Hồi sức tim mạch tiếp tục tiến hành can thiệp đặt tiếp 1 stent ở nhánh động mạch liên thất trước (trái).

Hiện bệnh nhân hồi phục rất nhanh, không còn cảm giác đau tim và được xuất viện về nhà trong niềm vui của gia đình.

Minh Huy
Bình luận
vtcnews.vn