Cựu phi công hiến kế mở 'đại lộ xương sống', giảm quá tải sân bay Tân Sơn Nhất

Thời sựThứ Ba, 13/06/2017 07:14:00 +07:00

Cựu phi công Mai Trọng Tuấn đã gửi thư lên Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ,… hiến kế mở “đại lộ xương sống” đi qua 3 nước Đông Dương.

Ông Mai Trọng Tuấn (SN 1938), cựu phi công Quân đội Nhân dân Việt Nam vừa gửi thư lên Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ… về đề xuất mở “đại lộ xương sống”, đi qua 3 nước Đông Dương gồm: Lào, Campuchia và Việt Nam.

Trong thư, ông Tuấn nhấn mạnh việc mở “đại lộ xương sống” là cần thiết bởi con đường này sẽ giúp 3 nước giải quyết được nhiều vấn đề về kinh tế, quân sự… đồng thời thắt chặt mối quan hệ anh em láng giềng.

1p

Ông Mai Trọng Tuấn, cựu phi công Quân đội Nhân dân Việt Nam hiến kế mở “đại lộ xương sống”. (Ảnh: Quang Hải)

Đặc biệt, với Việt Nam, “đại lộ xương sống” sẽ là con đường ngắn nhất nối từ Hà Nội đến TP.HCM khi rút ngắn được 40-50% khoảng cách so với quốc lộ 1A.

“Đại lộ xương sống” sẽ giảm áp lực và tai nạn cho quốc lộ 1A, đặc biệt vào mùa mưa bão. Ngoài ra, “đại lộ xương sống” sẽ giảm áp lực cho con đường hàng không Bắc – Nam.

IMG_4423

Bức thư ông Mai Trọng Tuấn gửi Quốc hội, Chính phủ. (Ảnh: Quang Hải)

“Cả chục năm nay, chúng ta đang loay hoay với dự án sân bay Long Thành vì sợ sân bay Tân Sơn Nhất quá tải. Khi “đại lộ xương sống” được mở, cự ly gần hơn, tốc độ nhanh hơn, thời gian ít, giá thành rẻ, lại không bị ảnh hưởng bởi thời tiết.

Dân chúng 2 miền Bắc – Nam sẽ chọn “đại lộ xương sống” để đi lại. Như vậy, lượng khách đi bằng đường hàng không giảm xuống 50% - 60%, chắc chắn khi đó tư duy về sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đảo ngược”, ông Tuấn lý giải.

Theo ông Tuấn, nếu chúng ta tính đến “đại lộ xương sống” thì chỉ cần tập trung mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất như như kế hoạch đang thực hiện, không cần lo tiền đầu tư xây dựng sân bay Long Thành.

Video: Xây dựng cao tốc từ Bắc vào Nam qua 20 tỉnh, thành

Chia sẻ với PV VTC News, ông Tuấn cho biết đề xuất trên được ông nghiên cứu nhiều năm nay và đã đi thực tế tìm hiểu.

“Đề xuất mở “đại lộ xương sống” là tâm huyết nhiều năm nghiên cứu nên tôi đã dịch ra 4 thứ tiếng: Anh, Pháp, Lào, Campuchia và xin được bảo lưu vĩnh viễn. Tôi hi vọng, đề xuất mở “đại lộ xương sống” sẽ được nhà nước cho phép thực hiện”, ông Tuấn bày tỏ.

Đề xuất mở “đại lộ xương sống” của ông Tuấn cụ thể như sau:

Điểm bắt đầu từ đèo Mụ Dạ (Quảng Bình, Việt Nam) qua biên giới Việt – Lào, tiếp đến các điểm gồm NaPao, Mường Phìn, Xa La Van, Champasak (Lào), Stung reng, Karatie (Campuchia), đến điểm cuối là Bình Phước (Việt Nam).

1pc 3

Đề xuất  mở “đại lộ xương sống” của ông Tuấn. (Ảnh: Quang Hải)

Ước tính đại lộ có tổng chiều dài 1.000 km. Phần nằm trên đất Việt Nam 30 km, trên đất Lào 560 km, trên đất Camphuchia 410 km.

Ông Tuấn phân tích những mặt lợi của “đại lộ xương sống” đối với 3 nước Đông Dương:

Việt Nam: Có lợi nhiều nhất vì đây là con đường ngắn nhất nối 2 vùng trọng điểm kinh tế (chiếm 80% dân số, 65% diện tích cả nước, và cũng là vựa lúa lớn nhất trên bán đảo Đông Dương). Từ con đường dài 1.900 km sẽ còn 1.400 km tính từ Hà Nội đến TP.HCM.

Lào: Tạo điều kiện cho vùng Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào thông thương làm ăn, buôn bán thuận lợi với 2 vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam; mở rộng xuất nhập khẩu với các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Trung Quốc qua các cửa biển Việt Nam; các vùng Hạ Lào lưu thông dễ dàng làm ăn thuận lợi với phía Nam Campuchia và Vịnh Thái Lan; thu nguồn phí giao thông lớn vì có đường đi qua dài nhất.

1pc1 4

Vạch thẳng lớn màu đỏ là “đại lộ xương sống”. (Ảnh: Quang Hải)

Camphuchia: Thông thương làm ăn với Việt Nam, Lào. Các tỉnh nghèo nằm trong khu tam giác của 3 nước có điều kiện phát triển.

Cũng theo ông Tuấn, “đại lộ xương sống” có nhiều điểm thuận lợi vì nhiều con đường có sẵn do Pháp và Liên Xô cũ đã xây dựng, nâng cấp. Các nước như Pháp, Nhật Bản… rất quan tâm và sẽ hỗ trợ, xây dựng con đường này.

Quang Hải
Bình luận
vtcnews.vn