Cứu người bỏ mạng: Khóc thương người hiền vắn số

Thời sựChủ Nhật, 04/05/2014 08:20:00 +07:00

16g30 ngày 3/5, trên bên dòng kênh Bến Nghé, lễ rước vong một người có tấm lòng nghĩa hiệp, bỏ mình sau khi nhảy xuống kênh cứu người bị nạn, khiến nhiều ngườú

16g30 ngày 3/5, trên bên dòng kênh Bến Nghé, lễ rước vong một người có tấm lòng nghĩa hiệp, bỏ mình sau khi nhảy xuống kênh cứu người bị nạn, khiến nhiều người chứng kiến không khỏi xúc động…


Bàn vong được đặt gần bờ kênh, nơi trước đó thi thể ông Trần Phong Sơn (50 tuổi ngụ tại P.10 Q.4) – được người nhái của phòng CS cứu nạn cứu hộ tìm thấy – nằm bất động.

cứu người
 
Một tấm vải trắng nối từ mặt nước lên bàn vong với bức di ảnh của người quá cố. Nhiều ngọn nến được đốt sáng và khói hương tỏa nghi ngút. Hai bên, vợ và 3 người con ông Sơn quì gối khấn vái. Tiếng mõ vang đều. Tiếng đọc kinh trầm buồn và tê tái…


5g sáng ngày 3/5, ông Sơn đến bờ kè kênh Bến Nghé dọc theo Bến Vân Đồn (P.12 Q. 4 TP.HCM) tập thể dục. Sau vài vòng đi bộ, bất ngờ ông nhìn thấy dưới mặt nước, một thanh niên đang “trồng chuối” vẫy tay kêu cứu. Không chần chừ, ông lấy điện thoại và ví da gởi cho một bảo vệ dân phố đang đứng gác gần đó rồi tháo giày nhảy xuống nước.

Vừa tiếp cận với người bị nạn, ông Sơn bị chính người này bám chặt kẹp lấy cổ ông. Ông cố vùng ra để đưa vào bờ nhưng anh ta vẫn xiết chặt cổ ông để rồi cả hai chìm xuống đáy kênh.

Tin 2 người chết đuối được báo về cơ quan chức năng. Khoảng vài chục phút sau, lực lượng cứu nạn đã huy động 14 người nhái có mặt chia ra thành 2 nhóm mò lặn, tìm kiếm khắp dòng kênh. Phải mất hơn 2 giờ thi thể hai kẻ xấu số mới được tìm thấy.

Người thanh niên được ông Sơn ra tay cứu giúp là Nguyễn Văn Tuấn (32 tuổi ngụ ở Q.1). Bà con nơi đây cho biết Tuấn là một thanh niên hiền lành. Nhà nghèo làm bảo vệ dân phố ở phường Phạm Ngũ Lão không đủ sống đã nghỉ việc từ năm 2009.

Sau đó, bằng nghề nhặt ve chai, Sơn lê la khắp nơi từ công viên đến bờ kênh. Buổi sáng định mệnh, sau khi thu nhặt được một ít phế liệu anh đến nơi này rửa tay bất ngờ trượt chân rơi xuống nước. Không biết bơi, Tuấn chới với và được ông Sơn nhảy xuống kéo vào.

Lúc này Tuấn uống đã nhiều nước và mạng sống mong manh. Có lẽ do bản năng sinh tồn, khi chạm được vào ông Sơn, Tuấn đã ghì chặt cổ ông để rồi xảy ra hậu quả đau buồn.

Đám rước vong kéo dài chừng 15 phút. Người hiếu kỳ và bà con lân cận đến chứng kiến khá đông. Trong số những người có mặt, có người đã thốt lên : “sao trời lại nỡ bắt người lành. Ông Sơn vốn là người đã tham gia nhiều công tác từ thiện, cứu giúp biết bao mảnh đời cơ nhỡ nguy nan. Vậy mà, buồn thay cũng chính vì cứu người mà ông phải bỏ mạng...”

Người hiền vắn số…


Chúng tôi đến nhà ông Sơn ngay sau đó. Căn nhà nằm trong xóm lao động ngoằn ngoèo trên đường Tôn Đản (P.10 Q.4). Thi thể ông Sơn đặt giữa nhà được đậy đắp cẩn thận...
vắn số, người hiền, cứu giúp

Con hẻm đã chật giờ lại càng chật chội hơn vì nhiều người kéo đến. Chòm xóm ai cũng muốn nhìn mặt ông lần cuối trước khi đưa vào chiếc áo quan lạnh lẽo. Khi hỏi đến ông, mọi người đều cho biết ông Sơn là người rất tốt.

Sinh ra và lớn lên từ con hẻm này, ông Sơn đã trải qua những vui buồn với bà con. Những gia đình gặp bất hạnh đều được ông quan tâm giúp đỡ. Ông đã từng tham gia nhiều chuyến công tác từ thiện, từng giúp nhiều người cơ nhỡ bất hạnh…


Anh Nguyễn Văn Tâm, một người hàng xóm cho chúng tôi biết, sau năm 1975, ông Sơn tham gia bộ đội có mặt trên chiến trường Tây Nam. Xuất ngũ trở về, ông sống cuộc đời an nhàn và thầm lặng. Buổi sáng hàng ngày, ông tập thể dục xong về đưa cháu nội đến trường. Sau đó, ông cùng vợ con quán xuyến quán cà phê tại nhà.

“Không mích lòng ai, luôn thân thiện và vui vẻ, ông Sơn mất đi làm chúng tôi hết sức đau buồn” – anh Tâm nghẹn ngào nói.

Một người dân cho biết, trong hẻm, trước đây có nhiều thanh niên hư hỏng, xì ke hút chích. Nhiều băng trấn lột, nhiều tay anh chị, thế mà giờ đây gần như vắng bóng. Nói thành quả này nhờ ông Sơn thì hơi quá nhưng ông đã góp công sức, chuyển hóa được nhiều đối tượng, kiên quyết với nạn mua bán ma túy v.v. . . Giờ đây cũng vì tấm lòng nghĩa hiệp cứu người ông đã ra đi.

Chị Nguyễn Thị Kim Luông, vợ ông Sơn nhạt nhòa nước mắt thổ lộ : “anh Sơn từng nói chiến đấu trên chiến trường Tây Nam không chết thì không thể chết được ở bất cứ đâu. Vậy mà giờ đây anh đã nằm xuống. Anh chết, cả nhà như sụp đổ. Rất đau buồn nhưng nghĩ lại chúng tôi rất tự hào về anh. Anh đã quên mình xã thân làm việc nghĩa. . .

Tiếng chiêng trống vang lên báo hiệu giờ nhập quan. Chúng tôi ra về. Văng vẳng bên tai còn vọng lại lời của một cụ già: “người hiền thường vắn số”.

» Cứu người bị máy cắt cỏ cắt gần nửa bụng
» Thanh niên nhường áo phao cứu người được công nhận liệt sỹ
» Hà Nội: Giải cứu người đàn ông tự tử trên nóc tòa nhà Pacific
» Những hình ảnh CSGT gây xúc động cư dân mạng

Trần Chánh Nghĩa/VNN
Bình luận
vtcnews.vn