Cựu Ngoại trưởng Đức tố cáo Kiev tìm cách kéo Berlin vào cuộc chiến với Nga

Thế giớiThứ Hai, 03/12/2018 07:45:00 +07:00

Cựu Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel khẳng định Kiev đang tìm cách đưa Đức vào một cuộc chiến với Nga sau vụ đụng độ trên eo biển Kerch hôm 25/11.

"Tôi nghĩ chúng ta không nên để Ukraine kéo vào một cuộc chiến khi Kiev đang cố gắng làm điều đó", ông Gabriel nhấn mạnh. Nhà ngoại giao Đức chỉ trích Kiev khi yêu cầu các nước NATO gửi tàu chiến đến Biển Đen, cũng như việc Kiev đề nghị NATO phong tỏa các cảng quốc tế, ngăn tàu Nga di chuyển từ biển Azov. 

Cựu Ngoại trưởng Đức tin rằng Berlin cần chứng minh vai trò trong vấn đề này để làm giảm leo thang và giúp các bên tiến tới hòa giải. Ông đồng thời bày tỏ hy vọng Thủ tướng Angela Merkel sẽ thành công trong việc thúc đẩy Ukraine và Nga bình thường hóa quan hệ song phương như cách mà bà cùng cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande đã làm để ngăn chặn cuộc xung đột ở miền đông Ukraine cách đây vài năm. 

4584785

Cựu Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel. (Ảnh: Reuters) 

Ông Gabriel cũng kêu gọi Tổng thống Trump không nên lảng tránh vấn đề này và phải đưa ra những hành động cụ thể để giải quyết căng thẳng trên biển Azov. 

Nhà ngoại giao kỳ cựu của Đức đưa ra tuyên bố trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine vẫn đang tiếp tục leo thang liên quan tới vụ Matxcơva bắt giữ 3 tàu hải quân và các binh sỹ của Kiev với cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nga ở eo biển Kerch dẫn vào biển Azov hôm 25/11. 

Ngày 2/12, trả lời phỏng vấn tập đoàn truyền thông Funke của Đức, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko kêu gọi: “Chúng tôi cần sự hiện diện quân sự lớn hơn của người Đức và các đồng minh của họ tại Biển Đen, như một nhân tố răn đe đối với Nga”.

Ba ngày sau khi xảy ra vụ đụng độ, hôm 28/11, Đại sứ Ukraine tại Đức - Andriy Melnyk, cũng từng kêu gọi Berlin và phương Tây trừng phạt Nga bằng cách tăng cường lệnh trừng phạt, cấm nhập khẩu năng lượng và tạm ngưng dự án đường ống dẫn khí NordStream-2.

Ông Melnyk gợi ý Berin điều động thủy quân lục chiến tới vùng eo biển Kerch, ông nói: "Việc gửi thủy quân lục chiến tới bờ biển Crưm có thể giúp ngăn chặn leo thang. Nếu người Đức ở đó, người Nga sẽ ít có khả năng hành động ngang ngược hơn".

Trong khi đó, Tổng thống Putin khẳng định vụ việc là một hành động khiêu khích của Kiev, được Tổng thống Ukraine dàn xếp nhằm tăng sự ủng hộ trước cuộc bầu cử vào tháng 3/2019. 

Tại hội nghị G-20 mới đây ở Argentina, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thúc giục Nga trao trả binh sỹ cùng tàu Ukraine trong cuộc gặp riêng với Tổng thống Putin. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga khẳng định trước mắt sẽ không có cuộc thảo luận nào với Kiev về việc trao trả các binh sỹ Ukraine cùng với các tàu của hải quân nước này bị Matxcơva bắt giữ cách đây 1 tuần.

rắn

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn