Cựu Cục phó quản lý thị trường Trần Hùng nhận 300 triệu của nhóm buôn sách giả

Bản tin 113Thứ Ba, 13/09/2022 16:06:00 +07:00
(VTC News) -

Theo cáo buộc, ông Trần Hùng nhận 300 triệu đồng rồi chỉ đạo cấp dưới giảm nhẹ hành vi cho nhóm buôn sách lậu, chỉ xử lý theo hướng vi phạm hành chính.

VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả", "Nhận hối lộ", "Môi giới hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty Phú Hưng Phát, Đội quản lý thị trường 17 Hà Nội và Tổng cục Quản lý thị trường.

Ông Trần Hùng, cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cựu Tổ trưởng Tổ 1444 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường của Bộ Công Thương bị truy tố về hành vi "Nhận hối lộ". 

Các thuộc cấp của ông Hùng gồm Lê Việt Phương, Phạm Ngọc Hải, Thành Thị Đông Phương bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Bị can Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát), Hoàng Mạnh Chiến (Giám đốc Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội) và 28 người khác bị truy tố về các tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả", "Môi giới hối lộ".

Cựu Cục phó quản lý thị trường Trần Hùng nhận 300 triệu của nhóm buôn sách giả - 1

Bị can Trần Hùng, cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Theo cáo buộc, năm 2021, Cao Thị Minh Thuận cùng đồng phạm làm giả hơn 9 triệu quyển sách các loại. Sau đó, nhóm bị can thuộc doanh nghiệp, nhà sách đã tiêu thụ trên 6 triệu quyển, còn lại hơn 3 triệu quyển chưa được tuồn ra thị trường.

Đầu tháng 7/2020, Đội Quản lý thị trường số 17 Hà Nội cùng Tổ công tác 1444 phối hợp kiểm tra, phát hiện hơn 27.000 quyển sách giả tại cơ sở do Cao Thị Minh Thuận quản lý. Sau đó, bà Thuận liên lạc và nhờ ông Hùng giúp đỡ, xin xử lý nhẹ vụ việc.

VKS cáo buộc sau khi bà Thuận nhờ, ông Hùng chấp nhận với điều kiện chủ công ty sách phải chỉ ra một số cơ sở in sách lậu. Trung tuần tháng 7, bà Thuận thông qua Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) đặt vấn đề chi 400 triệu đưa cho ông Hùng.

Sau khi gặp và thông qua Hải, ông Hùng đề nghị bà Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc hàng lậu, từ sách mua về nhưng bị thu giữ sang sách do người khác mang đến ký gửi, như vậy mới được giảm nhẹ hành vi.

Cáo trạng cho thấy ngày 15/7/2020, bị can Hải mang túi màu đen bên trong có 300 triệu đồng đến phòng làm việc của ông Hùng. Hôm đó, Hải kết nối điện thoại để ông Hùng nói chuyện với bà Thuận. Sau đó, ông Hùng đã chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho bà Thuận theo hướng xử lý hành chính.

Quá trình điều tra, ông Trần Hùng phủ nhận đã nhận 300 triệu đồng từ bà Thuận. Tuy nhiên, VKS cho rằng họ có đủ chứng cứ cáo buộc ông Hùng nhận hối lộ sau khi căn cứ lời khai của các bị can khác và dữ liệu điện tử trích xuất từ điện thoại.

Trước đó, hồi giữa tháng 6/2021, Cục Cảnh sát kinh tế phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Tư lệnh CSCĐ và Nhà xuất bản Giáo dục kiểm tra, bắt quả tang các bị can in ấn, gia công, tiêu thụ sách giả tại nhiều xưởng Hà Nội.

Khám xét hơn 50 địa điểm của đường dây sản xuất và tiêu thụ sách giáo khoa giả này tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Thanh Hóa, ban chuyên án tạm giữ trên 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả, 3 máy in, hơn 1,5 triệu tem giả và khoảng 20 tỷ đồng.

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn