Cưỡng chế, đập bỏ công viên nước Thanh Hà: UBND quận Hà Đông có đúng luật?

Bất động sảnThứ Sáu, 07/02/2020 07:21:00 +07:00
(VTC News) -

Công viên nước Thanh Hà bị đập bỏ tan hoang khiến dư luận đặt câu hỏi việc cưỡng chế này có đúng luật và trách nhiệm của chính quyền Hà Nội ở đâu khi để "lọt" công trình không phép này.

Công viên nước Thanh Hà (khu đô thị Mường Thanh, phường Phú Lương, quận Hà Đông) có vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ tháng 6/2019. Tuy nhiên, đây lại là công trình xây dựng không phép, chính vì vậy, UBND quận Hà Đông yêu cầu chủ đầu tư dừng khai thác, sử dụng để chờ xử lý.

Ngày 27/11/2019, UBND quận Hà Đông có quyết định 4725/QĐ-UBND, yêu cầu chủ đầu tư phải tháo dỡ 19 hạng mục xây dựng của công viên nước Thanh Hà trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.

Cưỡng chế, đập bỏ công viên nước Thanh Hà: UBND quận Hà Đông có đúng luật? - 1

 Công viên nước Thanh Hà mới đi vào hoạt động từ tháng 6/2019 giờ chỉ còn là đống đổ nát.

Hết thời gian này, do khối lượng công việc nhiều và các hạng mục lắp đặt tại công viên nước Thanh Hà có kết cấu kỹ thuật phức tạp nên chủ đầu tư là Công ty Cienco 5 đã gửi báo cáo đến UBND quận Hà Đông đề nghị gia hạn và xem xét tạo điều kiện để Công ty xử lý các thiết bị kỹ thuật theo quy trình.

Không đồng ý với đề xuất của chủ đầu tư, ngày 24/12/2019, UBND quận Hà Đông ra Quyết định số 5079/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Ngày 30/12/2019, UBND phường Phú Lương có Thông báo số 606/TB-UBND về việc thực hiện quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo theo quyết định 5079/QĐ-CCXP của UBND quận Hà Đông. Theo đó, UBND phường Phú Lương yêu cầu công ty phải tự tháo dỡ 19 hạng mục theo yêu cầu của UBND quận Hà Đông, xong trước 17h ngày 10/1/2020.

Ngày 15 và 16/1/2020, UBND phường Phú Lương đã tổ chức lực lượng cưỡng chế và chỉ sau 2 ngày, công viên nước Thanh Hà trở thành  bãi phế liệu. Theo quan sát của phóng viên VTC News, toàn bộ phần xây dựng khuôn viên, nhà điều hành, các thết bị bên trong công viên như máng trượt nước, cầu trượt nước là những thiết bị có thể tháo dỡ di dời để sử dụng được nhưng cũng bị phá nát.

Mới đây, Công ty Cienco 5 cũng có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng vì cho rằng việc cưỡng chế của UBND quận Hà Đông vi phạm quy định của pháp luật bởi lẽ đây không phải hành động tháo dỡ mà là phá dỡ, hủy hoại tài sản của doanh nghiệp.

Trả lời báo chí về việc cưỡng chế gây tranh cãi này, bà Đoàn Thu Hà, Chánh văn phòng UBND quận Hà Đông cho biết, quan điểm của chính quyền là làm đúng theo quy định của pháp luật. Quận đã gửi hai quyết định tới chủ đầu tư. Tuy nhiên sau 15 ngày, chủ đầu tư không chịu tháo dỡ nên UBND phường Phú Lương (quận Hà Đông) đã thực hiện tháo dỡ theo quyết định của quận Hà Đông.

Liên quan đến vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Quang Ngọc - Giám đốc Công ty luật Quốc tế Thiên Việt, việc thực hiện cưỡng chế các vi phạm hành chính nói chung và vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, quản lý xây dựng nói riêng được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính do đối tượng bị xử lý là công trình không phép hoặc sai phép nên sẽ áp dụng quy định tại điều 30 Luật XLVPHC: “Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép.

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện”.

Việc cưỡng chế là nhằm buộc chủ thể vi phạm có hành vi khắc phục hậu quả nên chủ yếu khuyến khích các chủ thể tự nguyện tháo dỡ để bảo đảm giảm thiểu thiệt hại cho chủ thể vi phạm.

Trường hợp chủ thể vi phạm không tự nguyện khắc phục, tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế tuy nhiên việc cưỡng chế cũng chỉ nhằm khôi phục hoặc khắc phục các sai phạm, do vậy mục tiêu hướng đến vẫn là giảm thiệt hại tối đa.

“Việc hủy hoại tài sản thông qua cưỡng chế được coi là hành vi vi phạm pháp luật và nếu có đủ căn cứ người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại”, luật sư Ngọc cho hay. 

Cũng theo ông Ngọc, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chiếu theo quy định tại khoản 2 điều 13 Luật Vi phạm hành chính hành chính thì người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

“Người bị thiệt hại có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu tòa án xem xét về tính đúng đắn của quyết định hành chính và yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật gây ra”, ông Ngọc khẳng định.

Việc một công viên nước hoành tráng hơn 3ha, đầu tư 200 tỷ đồng, xây không phép giữa Hà Nội đã bị đập bỏ tan hoang, khiến dư luận đặt ra câu hỏi, các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương đã “ở đâu” trong suốt thời gian doanh nghiệp lắp đặt thiết bị và xây dựng cơ sở vật chất cho công viên một cách sai phép? Việc tháo dỡ này có "che" được hoàn toàn sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền quận Hà Đông?

VTC News sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn