Cuốn sách 'Lý luận văn hóa, văn nghệ Việt Nam - Nền tảng và phát triển' dày dặn, công phu của PGS Nguyễn Thế Kỷ

Giáo dụcThứ Sáu, 05/10/2018 16:10:00 +07:00

Trong thư mục xuất bản sách mới xuất hiện một tác phẩm lý luận dày dặn, công phu, đó là cuốn Lý luận văn hóa, văn nghệ Việt Nam - Nền tảng và phát triển (tác giả PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật).

Sách dày gần 400 trang, tuyển chọn 31 bài lý luận bàn về các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, báo chí ở nhiều cấp độ khác nhau, thu hút không chỉ những người đang hoạt động trong lĩnh vực này mà cả những ai quan tâm đến tình hình văn hóa, văn nghệ, báo chí của nước ta thời gian gần đây.

1245704c70c2b9dfec45f88c1b7552e6

 Bìa cuốn sách Lý luận văn hóa, văn nghệ Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật.

Sau lời nói đầu là cụm ba bài về đường lối của Đảng ta trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ cùng những vấn đề lý luận cơ bản. Cụm bài thứ hai phản ánh thành tựu cũng như các xu hướng văn học, nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay. Cụm bài thứ ba nói về an ninh văn hóa, an ninh tư tưởng và “cuộc đấu tranh chống quan điểm, luận điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật, báo chí và xuất bản”.

Tiếp theo là chùm ba bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp vô sản. Sau chùm hai bài về ngôn ngữ trong văn học và truyền thông đại chúng là chùm năm bài phản ánh toàn diện bức tranh báo chí Việt Nam ở nhiều khía cạnh…

Đọc Lý luận văn hóa, văn nghệ Việt Nam - Nền tảng và phát triển, độc giả có thể hình dung được bức tranh tổng thể, đa dạng nhưng không kém phần chi tiết về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, báo chí. Tính hấp dẫn của tác phẩm chính là ở chỗ đã phản ánh trực diện những vấn đề cơ bản đang được dư luận quan tâm, bởi tính thời sự và sức hút của sự kiện.

Tác giả đã thể hiện sự nhạy bén của một nhà báo có bề dày từng trải với một lập trường kiên định. Bằng ngòi bút dũng cảm và sắc sảo, dựa trên các tư liệu chính xác, hàng loạt sự kiện nổi bật không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới đã được tác giả phản ánh và phê phán với một thái độ học thuật khách quan. Đó là các bài viết về Hiện tượng cách mạng màu, Góp sức làm rõ hơn những khoảng “mờ” của lịch sử.

Đáng chú ý là bài viết ở dạng lý luận - ký Tin ở mùa xuân phản ánh cuộc hội thảo quốc tế về Phong trào cộng sản hôm nay và ngày mai diễn ra tại Mát-xcơ-va cuối năm 2012. Một số vấn đề lý luận văn học mà giới chuyên môn đang quan tâm như Chủ nghĩa hậu hiện đại trong sáng tác văn học nghệ thuật, hay những vấn đề nhạy cảm như Đảm bảo an ninh tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới… cũng được tác giả thẳng thắn đề cập.

“Chủ nghĩa hậu hiện đại chủ trương đại chúng hóa và sinh hoạt hóa nghệ thuật... Chủ nghĩa hậu hiện đại cho rằng tác phẩm chỉ cần cung cấp kinh nghiệm, không cần thuyết minh, giải thích... Do đấy họ tán tụng “chủ nghĩa chân thực khách quan”, miêu tả thế giới mình cảm nhận được không hề có xúc cảm.

Coi trọng trạng thái vô thức của quá trình sáng tác… họ đặc biệt nhấn mạnh trạng thái vô thức trong sáng tác của nhà văn... Tuyệt đối hóa trò chơi trong sáng tác. “Chơi” văn học, “chơi” trò chơi ngôn ngữ, “chơi” kết cấu lắp ghép” (trang 28).

ong-nguyen-the-ky-lam-tong-giam-doc-vov

 PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. (Ảnh Người Lao Động)

Tác phẩm Lý luận văn hóa, văn nghệ Việt Nam - Nền tảng và phát triển mang lại cho độc giả cái nhìn hệ thống về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; cung cấp cho người đọc hiện trạng và những vấn đề bức thiết, cũng như chỉ ra những khiếm khuyết, biểu hiện lệch lạc trong báo chí, văn hóa văn nghệ.

Một mặt biểu dương những thành tựu của văn học, nghệ thuật trong tiến trình đổi mới đất nước, mặt khác, tác giả phê phán một cách thuyết phục những hạn chế: “lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn thụ động, chưa bắt kịp thực tiễn sáng tác, thiếu định hướng, thiếu tính chiến đấu với những biểu hiện tiêu cực.

Đội ngũ làm công tác lý luận chưa cập nhật tri thức nghiên cứu hiện đại. Quản lý văn nghệ còn nhiều lúng túng, bất cập....” (trang 126).

Không chỉ những bài viết nằm trong cùng một chủ đề mà ngay cả những bài đứng độc lập từ góc độ cá nhân, tác giả cũng thể hiện cái nhìn sắc sảo, làm sáng tỏ vấn đề đặt ra. TP Hồ Chí Minh nhìn từ lĩnh vực văn hóa văn nghệ hay Một số vấn đề chính tả trên văn bản hành chính và báo chí truyền thông hoặc Một chủ đề, một giải thưởng giàu sức cuốn hút và lan tỏa đã bổ sung thêm những bằng chứng, luận điểm và thực tế sinh động để minh chứng cho những điều tác giả bàn về văn học, nghệ thuật, báo chí.

Có thể nói với tác phẩm Lý luận văn hóa, văn nghệ Việt Nam - Nền tảng và phát triển, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đã giúp người đọc có thêm những thông tin quý nắm vững những quan điểm về văn hóa, văn nghệ của Đảng, đồng thời mang lại một cái nhìn toàn diện, đa dạng, khúc chiết về nền văn hóa, nghệ thuật, báo chí nước nhà hiện nay.

(Nguồn: Báo Nhân Dân)
Bình luận
vtcnews.vn