Cuộc truy lùng những ‘đại bàng’ trốn trại (kỳ 2)

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 23/06/2014 03:19:00 +07:00

Phương án bắt giữ được vạch ra khi thiếu tá Thông được tin Long có cô bồ tên D. khá xinh đẹp ở Vũng Tàu.

Phương án bắt giữ được vạch ra khi thiếu tá Thông được tin Long có cô bồ tên D. khá xinh đẹp ở Vũng Tàu.

Kỳ 2: Cuộc truy lùng những ‘đại bàng’ trốn trại

Hoàng Viết Long sau khi trốn khỏi trại Gia Trung đã lẩn trốn ở nhiều nơi như Thanh Hóa, Bình Dương, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu. Phương án bắt giữ được vạch ra khi thiếu tá Thông được tin Long có cô bồ tên D. khá xinh đẹp ở Vũng Tàu. D. là gái bán dâm không ở một nơi cố định.

Suốt hai tuần liền, trong vai khách làng chơi, thiếu tá Thông xâm nhập các điểm mại dâm và nắm được thông tin D. ở khu phòng trọ tại phường Duy Linh. Để tránh bị lộ, anh Thông nhờ cô bạn đang công tác tại Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào vai tình nhân, để cùng đến khu vực nhà trọ trên tìm hiểu về D.

Sau hai đêm quan sát, 2 giờ sáng, anh Thông bất ngờ phát hiện Long đi ra đi vào ở khu nhà trọ như đang chờ đợi ai. Khoảng 3 giờ sáng D. về, Long chở D. rời nhà trọ đi ăn khuya. Để xe cho cô bạn tùy nghi sử dụng và tiếp tục theo dõi đôi tình nhân này, anh đón xe ôm về công an phường nhờ phối hợp kiểm tra.

Một tiếng đồng hồ sau, cô bạn gái điện báo: “Chim đã về tổ”, Thông lập tức cùng công an phường đến kiểm tra. Thoạt nhìn phòng không có người, nhưng mùng mền như báo hiệu có người vừa dậy. Xem xét kỹ, anh Thông phát hiện Long và D. đang nấp sau cánh cửa phòng vệ sinh. Bị bắt giữ, Long không nói gì ngoài mấy tiếng “sao các anh biết em ở đây?”.

Thiếu tá Thông đang trao đổi công việc với đội trưởng 

“Cuộc trốn chạy của Lê Quê (SN 1955, quê Phú Yên, án chung thân về tội Giết người năm 1979) từ trại Gia Trung vào năm 1986, là một thách thức với chúng tôi” - thiếu tá Thông kể tiếp. Nhiều cuộc truy lùng xuyên quốc gia hàng tháng trời vẫn không lần ra tung tích hắn. Điều tra về lai lịch và các mối quan hệ của Quê đến năm thứ 18, các trinh sát được tin Quê đổi tên là Hùng, lấy vợ khác và đang sống tại cây số 18 Quốc lộ 27 Đắk Lắk.

Sau nhiều lần theo dõi, các anh biết Hùng đang cần bán đất. Trong vai người đi mua đất, trinh sát đến nhà. Sau vài câu thăm dò, xác định Hùng đúng là Lê Quê, thiếu tá Thông đanh giọng: “Lê Quê, anh đã bị bắt”. Hắn bủn rủn chân tay rồi thốt lên: “Giá như 18 năm qua tôi không trốn chạy thì nay chắc cũng đã được về”. Thiếu tá Thông động viên và cùng đồng đội đưa hắn về trại giam.

Lần bắt tên S. trong rừng sâu tỉnh Đắk Lắk cũng vô cùng gian nan. Bóng trăng mờ nghiêng trên núi rừng Tây nguyên xào xạc gió. Đàn muỗi đói thi nhau đốt, nhưng các trinh sát vẫn cắn răng chịu trận, bò trườn từng tấc áp sát các căn chòi ở bìa rừng, nơi tên tội phạm nguy hiểm trốn trại trước đó hai tháng đang lẩn trốn.

“Đúng 2 giờ sáng, từ ánh trăng mờ chiếu vào trong chòi thứ tư, tôi nhìn thấy một bóng đen dưới nền đất. Áp sát, tôi thấy rõ một người nằm co trong chăn. Biết trong căn chòi chỉ có một mình S., tôi ra hiệu cho đồng đội cùng công an địa phương ập vào. Nhưng phải 15 phút mới còng được S. vì hắn rất to khỏe, lì lợm. Vì hắn không chịu đi nên phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới “dìu” được hắn về công an xã để đưa về trại giam” - thiếu tá Thông tiếp mạch chuyện.

Kỷ niệm đáng nhớ đối với trung tá Thông và cộng sự là cuộc truy bắt tên Thảo, quê Quảng Ngãi. Khi các anh đến Quảng Ngãi thì được biết hắn đã vào TP. Nha Trang. Đến Nha Trang lùng sục các mối quan hệ hàng tháng trời, nhưng vẫn không tìm thấy bóng dáng hắn. Thông quyết định để hai cộng sự ở lại Nha Trang, còn anh bắt xe ra Quảng Ngãi tiếp tục truy tìm.

3 giờ sáng, Thông đến Quảng Ngãi. Không nỡ đánh thức các đồng nghiệp dậy, mà ở nhà nghỉ cũng mất 100.000 đồng, trong khi chỉ còn vài tiếng nữa trời sáng, thiếu tá Thông đành ra ghế đá ở ngã ba ngồi ngủ trong cái lạnh thấu xương. Một số người đi tập thể dục buổi sáng thấy anh có vẻ giang hồ bụi đời, nên xầm xì rồi né đi chỗ khác. Sáng ra, Thông đến nhà gia đình Thảo đặt thẳng vấn đề và được gia đình hợp tác rất tốt. Sau đó gia đình cho người đưa Thảo về gặp cán bộ Thông để quay lại trại giam quy án.

Sa lưới sau 6 ngày trốn trại

Thiếu tá Lê Văn Thông cho rằng, tội phạm truy nã của Trại giam Gia Trung rất đặc biệt bởi đa phần có mức án cao. Vì thế đã trốn trại là chúng tính toán rất kỹ việc ẩn tích. Tuy nhiên do trinh sát kịp thời truy bắt nên chúng khó thoát. Ngày 4-5-2012, trong khi đi lao động, Phùng Minh Hồng (SN 1963, trú Bà Rịa - Vũng Tàu, thụ án 20 năm tù về tội giết người) đã bỏ trốn vào rừng. Truy lùng suốt bốn ngày đêm vẫn không kết quả, Ban giám thị giao nhiệm vụ cho anh đi “trị” hắn.

Lần theo các mối quan hệ, anh Thông nắm được Hồng có người chị ruột tại TPHCM rất thương yêu hắn. Nhận định Hồng sẽ về đây, Thông lập tức cùng các cộng sự phối hợp với công an địa phương đeo bám mục tiêu ở phường 22, quận Bình Thạnh. 10 giờ đêm, chị của Hồng chạy xe máy ra quán nước ngồi chờ, khoảng 5 phút thì Hồng xuất hiện. Thông áp đến, Hồng đứng như trời trồng rồi tra tay vào còng trở về trại giam sau 6 ngày đào tẩu.

Điểm danh sau khi lao động 

Cũng trong tháng 5-2012, thiếu tá Thông đã cùng đồng đội lập công xuất sắc khi bắt kẻ trốn trại 23 năm là Nguyễn Đăng Thủy (SN 1964, trú Gia Lai) trốn trại từ năm 1989. Việc xác minh truy bắt Thủy được tiến hành nhiều đợt nhưng hàng chục năm qua vẫn không thấy bóng dáng hắn.

Trong 3 năm (2010-2012), anh Thông liên tục cập nhật tin tức về Thủy và có được nguồn tin: Thủy có người em gái lấy chồng ở Cam Lâm, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Thiếu tá Thông cùng chiến sĩ Dương Sĩ Hiếu, phối hợp cùng trinh sát Phòng cảnh sát truy nã Công an tỉnh Khánh Hòa băng rừng đến nơi xác minh. Phát hiện Thủy đang có mặt tại đây, thiếu tá Thông công bố lệnh bắt. Tên Thủy hỏi một cách ngây ngô “tôi trốn lâu vậy mà bây giờ vẫn bắt hả?”.

20 năm chuyên “trị nã”, thiếu tá Thông không nhớ đã bắt bao nhiêu kẻ trốn khỏi nơi giam, nhưng những tên thụ án đặc biệt, trốn lâu năm thì anh không thể nào quên. Ví dụ như kẻ trốn trại 18 năm tên Trần Văn Dũng, trú quận Bình Thạnh, TPHCM. Đêm 14-2-1992, Dũng cùng tên Nguyễn Văn Tuấn phá trần nhà (bằng gỗ) trốn thoát. Ngay trong đêm, cả hai lên xe tải đi về hướng tỉnh Bình Định. Nửa đêm hôm ấy, tại đèo Mang Yang, Thông cùng các chiến sĩ cảnh sát giao thông Trạm 29 kiểm tra chiếc xe tải thì cả hai nhảy xuống chạy hai hướng, các anh bắt được tên Tuấn, còn Dũng chạy thoát vào rừng.

Đến giữa năm 2008, có nguồn tin Dũng lấy vợ ở quận Bình Thạnh, TPHCM, anh Thông lại xuôi về thành phố phối hợp với Công an quận Bình Thạnh xác minh, biết được vợ Dũng (Nguyễn Thị H., có 2 người con) ở phường 26, quận Bình Thạnh, nhưng H. và con đã ở nơi khác.

Tiếp tục xác minh, trinh sát được biết H. đang ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức. Công an phường Hiệp Bình Phước cho biết chồng H. là Nguyễn Văn Dương hiện không có mặt tại địa phương. Anh Thông xác định Dũng đã thay tên đổi họ. Cuối năm 2008, có tin Dũng lái xe tải đường dài TPHCM - Hà Nội - Lạng Sơn, thiếu tá Thông lại vào thành phố truy lùng. Lần này mục tiêu đeo bám vẫn là nhà của vợ Dũng. Khi anh vừa vào nhà thì Dũng đã nhảy cửa sau biến mất.

Đầu năm 2010, anh Thông lại cùng trinh sát vào TPHCM truy tìm Dũng một lần nữa. Các anh bí mật ém quân quanh nhà. Khi Dũng vừa đi uống cà phê về thì bị bắt giữ.

Thủ đoạn của bọn tội phạm bị truy nã rất gian manh, ngoài việc thay tên đổi họ hay ẩn danh người khác, chúng còn trốn ra nước ngoài. Một khi chúng đã ra nước ngoài thì việc truy bắt vô cùng cam go. Võ Văn Hiền (SN 1970, quê Thanh Hóa, thụ án 20 năm tù) trốn khỏi trại giam, trốn sang Campuchia. Anh Thông cùng đồng đội phối hợp với trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Tây Ninh và Công an huyện Bến Cầu truy bắt Hiền.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, các anh xác định Hiền đang có mặt tại các casino ở Campuchia nhưng không rõ ở sòng nào. Phương án “nhử mồi” được triển khai. 9 giờ sáng, Hiền rời casino đi về phía biên giới Bến Cầu thì lọt vào ổ phục kích của các trinh sát. Từ trong quán nước, Đội phó Thông cùng lực lượng truy bắt bất ngờ lao ra. Hiền định tuôn chạy, Nhưng thiếu tá Thông đã kịp gí súng vào bụng hắn.

Kẻ mang quốc tịch nước ngoài

Năm 1991, Trần Duy Triệu lãnh án 9 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Chấp hành án tại Trại giam Mỹ Phước, Tiền Giang được gần 2 năm, Triệu trốn khỏi trại giam sau cú khoét tường, đào vách táo bạo.

Sau khi trốn trại, Triệu lẩn trốn sống tại TPHCM, Tiền Giang. Dưới vỏ bọc nhà kinh doanh và dẻo miệng, Triệu đã chinh phục được trái tim của nhiều phụ nữ, chung sống như vợ chồng với 4 người và có con riêng với họ. Lẩn trốn được một thời gian khá lâu mà công an vẫn chưa “hỏi thăm sức khỏe”, nhưng Triệu vẫn nơm nớp lo sợ một ngày bị điệu hồi về trại giam. Nghĩ ở trong nước không an toàn, Triệu trốn sang Campuchia bỏ lại phía sau 4 người vợ và những đứa con thơ dại.

Tại nước bạn, Triệu mở cửa hàng sửa chữa đồ điện, điện tử và kết hôn mới một phụ nữ Campuchia. Nhận nhiệm vụ truy bắt Triệu, thiếu tá Nguyễn Văn Bé Năm âm thầm rà soát tung tích Triệu, cuối cùng có được nguồn tin nơi Triệu đang lẩn trốn. Việc Triệu mang quốc tịch Campuchia là một trở ngại trong việc bắt giữ hắn. Thiếu tá Năm quyết định tìm cách buộc Triệu phải về nước.

Ngày 9-8-2011, khi Triệu vừa bước chân qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Tây Ninh liền bị thiếu tá Năm cùng lực lượng phối hợp kiểm tra bắt giữ. Triệu phản đối, cho rằng mình là người Campchia, Công an Việt Nam đã nhầm lẫn. Khi thiếu tá Năm đưa lệnh truy nã với tấm ảnh nhận dạng, Triệu mới chịu tra tay vào còng trở về trại giam thụ án.


Theo Ngọc Hà (Công an TP.HCM)
Bình luận
vtcnews.vn