Cuộc truy lùng những ‘đại bàng’ trốn trại

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 22/06/2014 02:31:00 +07:00

Tù nhân có mức án cao khi trốn thoát bao giờ cũng có những thủ đoạn tinh ranh để đối phó sự truy lùng của công an.

Tù nhân có mức án cao khi trốn thoát bao giờ cũng có những thủ đoạn tinh ranh để đối phó sự truy lùng của công an.


Kỳ 1: Đội lốt ngư dân

Khi còn phụ trách tổ trinh sát truy nã ở Trại giam An Phước, đồng chí Vũ Thế Dương (hiện là đại tá - Phó cục trưởng cục quản lý phạm nhân Tổng cục cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ Tư pháp, Bộ Công an) là người chỉ huy truy bắt tội phạm trốn trại rất hiệu quả. Những chuyến công tác xa đơn vị hàng tháng trời trong điều kiện thiếu thốn, nhiều khi hết tiền các anh phải bán cả tư trang làm lộ phí.

Thành công nhất là các chuyến công tác dài ngày truy bắt 44 phạm nhân trốn trại vào ngày 28-3-1994, do Hồ Ngọc Quyền cầm đầu. Lợi dụng đêm tối, Quyền cùng đồng bọn cưa song cửa sắt, khống chế, ép buộc 5 phạm nhân khác, kéo theo 38 phạm nhân cùng trốn trại. Chỉ trong 20 ngày, lực lượng trinh sát và quản giáo đã phối hợp truy bắt được 28 tên. Số còn lại lần lượt sa lưới trong những năm sau đó.

Phạm nhân Phạm Phi Long Thịnh sau khi trốn trại đã thay tên đổi họ, đi bộ đội. Khi tổ truy nã đến bắt, y và gia đình dùng vũ khí thô sơ chống trả quyết liệt. Trinh sát phối hợp với công an địa phương đã nhanh chóng bắt được y đưa về trại quy án.

Phó giám thị Trại giam Gia Trung (trái) và trung tá Hoàng Văn Tân kể lại chuyện truy bắt tội phạ 

Phạm nhân nguy hiểm Nguyễn Xuân Thung sau khi trốn trại đã di chuyển địa bàn cư trú liên tục từ các tỉnh: Đồng Nai, Bình Định, Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh và Kiên Giang. Nhờ nắm chắc tình hình, tổ truy nã phối hợp với các lực lượng chức năng và sự giúp đỡ của người dân phát hiện Thung đang làm thuê trên một tàu đánh cá ở vùng biển Kiên Giang.

9 giờ sáng, các trinh sát cùng công an địa phương căng mắt nhìn từng con tàu cập bến. Khi phát hiện chiếc tàu có Thung, trinh sát trong vai những người thu mua cá nhanh chóng lên tàu. Đề phòng tên Thung phát hiện nguy hiểm nhảy xuống biển, một xuồng cao tốc đã chờ sẵn bên hông tàu.

Đúng như dự đoán, khi trinh sát vừa gọi “anh Thung”, y lập tức phóng xuống biển. Hai trinh sát liền phóng theo, thộp cổ kéo hắn lên tàu. Khi trinh sát công bố quyết định bắt Thung theo lệnh truy nã, chủ tàu và các ngư dân mới biết một tên tội phạm nguy hiểm đã đội lốt ngư dân suốt mấy năm qua.

Trốn trại 18 năm nhờ… hết vẩu

Đang thụ án tù chung thân về tội giết người tại Trại giam số 3 (huyện Tân Kỳ, Nghệ An), Nguyễn Sỹ Hùng, thường gọi là Hùng vẩu (SN 1968, trú xã Nghi Ân, huyện Nghi Lộc - Nghệ An) cùng ba đối tượng cưa song cửa sổ bỏ trốn trong đêm 3-3-1992. Ba đối tượng cùng trốn trại với Hùng sau đó bị bắt trở lại, còn Hùng biệt tăm.

Sau một thời gian lẩn trốn ở nhiều nơi, Hùng dừng chân ở Đắk Lắk, làm thuê mưu sinh. Dành dụm được ít tiền, Hùng mua đất làm rẫy tại thôn Ea Ruế, xã Đliêya, huyện Krông Năng. Với tội ác giết người và trốn trại, Hùng thừa hiểu công an đang ngày đêm săn lùng nên tìm cách thay đổi hình dạng. Hắn nhổ hai chiếc răng vẩu thay bằng hai chiếc răng giả bình thường.

Nguyễn Sỹ Hùng 
Với cái mác “bộ đội phục viên”, Hùng sử dụng giấy tờ tùy thân giả mang tên Nguyễn Đình Vinh để đăng ký tạm trú. Trong vai người lương thiện, Hùng mai danh ẩn tích khá kỹ, thậm chí còn được người dân và chính quyền địa phương tín nhiệm bầu làm trưởng thôn Ea Ruế.


Cuộc tầm nã của các trinh sát đối với Nguyễn Sỹ Hùng diễn ra âm thầm, với nhiều biện pháp nghiệp vụ sắc bén. Cuối tháng 11-2010, đại úy Phạm Đình Quỳnh - Đội phó đội truy nã đã lần ra tung tích của Hùng. Từ nơi hắn lẩn trốn, cách Nghệ An gần 1.000 cây số.

Theo công an và cán bộ xã Đliêya, trong số những người quê Nghệ An vào vùng kinh tế mới từ 20 năm trở lại đây không có ai tên Nguyễn Sỹ Hùng và có ngoại hình giống như trong ảnh trinh sát đưa ra. Kiên trì xác minh, trinh sát được biết trước đó em trai của Hùng là Nguyễn Văn Dũng có vào thôn Ea Ruế làm thuê cho nhà trưởng thôn Nguyễn Đình Vinh. Chiều 15-12-2010, trong vai người đi mua cà phê, đại úy Quỳnh cùng đồng đội đến nhà trưởng thôn Ea Ruế.

Lúc này chỉ có vợ con Vinh (tên giả) ở nhà. Chưa biết hai vị khách là ai nhưng nghe giọng Nghệ An, vợ Vinh hồ hởi khoe vợ chồng chị ta cũng là người Nghệ An vào đây lập nghiệp. Quan sát những tấm ảnh cũ treo trong nhà, đại úy Quỳnh thấy người trong ảnh dù có nhiều thay đổi nhưng anh vẫn tin rằng Nguyễn Đình Vinh chính là Nguyễn Sỹ Hùng.

Sáng hôm sau, tổ công tác tiếp tục quay lại “thu mua nông sản” thì gặp Nguyễn Đình Vinh. Trong lúc đang nói chuyện say sưa, đại úy Quỳnh bất ngờ gọi: “Anh Hùng!”. Trưởng thôn Vinh bật dậy toan bỏ chạy thì bị chiến sĩ ngồi cạnh khống chế bắt giữ. Vinh thừa nhận mình chính là Nguyễn Sỹ Hùng - kẻ giết người, trốn khỏi trại giam 18 năm về trước.

Khóa đầu, chặn đuôi

Nói về những kẻ trốn trại thì Võ Thanh Ngưu (SN 1984, ngụ ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) được xem là cao thủ. Đang chấp hành bản án 6 năm tù tại Trại giam Đồng Tháp (thuộc Cục quản lý trại giam và các cơ sở giáo dưỡng Bộ Công an), Ngưu bỏ trốn trong lúc lao động. Trinh sát Trại giam Đồng Tháp đến tỉnh Tây Ninh phối hợp với Công an xã Đồng Khởi, đón lõng Ngưu ở nhà bạn tù Nguyễn Văn Long.

Khi Ngưu vừa về, liền bị các chiến sĩ công an xuất hiện còng tay. Lần trốn trại này, Ngưu được cộng thêm mấy “cuốn lịch” và được “đổi gió” ra Trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai. Tại đây một lần nữa Ngưu lại trốn trại.

Trung tá Hoàng Văn Tân - Phó giám thị, phụ trách phân trại K3 - cho biết: Để chuẩn bị cho cuộc đào tẩu, hắn giả bộ vi phạm nội quy trại để khi lập hồ sơ tìm cơ hội trốn thoát. Sau khi lập biên bản xét hỏi, cán bộ trại còng tay hắn lên cửa sổ rồi đi báo cáo chỉ huy. Trong vòng chưa đầy 10 phút, hắn tụt tay khỏi còng lẻn ra ngoài, trộm chiếc xe máy tại một ngôi chùa rồi dông về biên giới Campuchia bán.

Đại tá Nguyên Trung Bình - Giám thị trại giam Xuân Lộc trực tiếp chỉ huy cuộc truy bắt, phối hợp với công an địa phương giăng bẫy dọc biên giới. 19 giờ 30 phút, Ngưu phóng xe máy từ Campuchia về. Phát hiện nguy hiểm, Ngưu vừa quay đầu xe thì trinh sát cản đường. Hắn liều lĩnh lao xe xuống lề đường rồi tuôn chạy, nhưng cuối cùng đành thúc thủ.

Dọa truyền máu Sida

Hầu hết những kẻ trốn trại là những đối tượng nguy hiểm, mức án cao nên khi bỏ trốn rất liều lĩnh, sẵn sàng chống trả khi bị truy bắt. Trong số đó có những tên bị nhiễm HIV, là mối đe dọa với các trinh sát. Tuy nhiên với trách nhiệm và lòng quả cảm, các anh đã bất chấp hiểm nguy, truy bắt bằng được kẻ trốn trại.

Nguyễn Công Hùng (SN 1978, quê Tiền Giang) phạm 6 tội, trong đó có 3 lần trốn khỏi nơi giam, tổng mức án 26 năm 10 tháng tù. Đang chấp hành án tại trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai), 1 giờ sáng, Hùng cùng Nguyễn Đức Hạnh (SN 1982, bị kết án 19 năm tù về các tội giết người, cướp tài sản do TAND tỉnh Bình Dương xử) cưa cửa sắt buồng giam trốn thoát.

Dưới sự chỉ đạo của thượng tá Nguyễn Hoàng Quang - Giám thị trại giam Gia Trung, nhiều tổ trinh sát được phân công truy tìm. Tổ đi TPHCM gồm các trinh sát Hoàng Văn Tiếp, Nguyễn Văn Thuyết, Nguyễn Hà, do trung tá Lê Văn Thông chỉ huy.

Hành trang của các anh chỉ vỏn vẹn một lá thư của một cô gái tên M. gởi cho Hùng từ Bưu điện Phú Cường, Đồng Nai trước đó và nguồn tin khi ở Trại giam Long An, Hùng có quen nữ phạm nhân tên M. Phải chăng cô M. đã ra trại và gởi thư cho Hùng? Trinh sát lần theo manh mối này.

Hai trinh sát Tiếp, Thuyết đi Long An tìm hiểu thì được biết cô M. đã ra trại, về TPHCM, có chồng con làm ăn đàng hoàng. Bốn trinh sát chia người ở lại giám sát nhà cô M., còn lại đi Phú Cường, Đồng Nai. Kết quả thật bất ngờ, cô M. (trùng tên với cô M. là bạn tù với Hùng ở Trại giam Long An) quê ở Phú Cường đang làm việc ở Công ty N. tại phường Tân Thới Nhật, quận 12, TPHCM có liên quan đến Hùng. Phối hợp với Công an phường Tân Thới Nhất, thiếu tá Thông đến Công ty N. tìm hiểu về cô M. Sau khi “ngắm” kỹ cô M., Thông ra cổng ngồi chờ.

11 giờ 30, trời đổ mưa xối xả, M. ra cổng ngồi uống nước và nói chuyện với một thanh niên đeo khẩu trang. Lúc này, nghe điện thoại của trinh sát Hà, anh Thông đi ra và lấy xe máy. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, người thanh niên đã mất dạng. Quan sát hai chiếc ôtô đang đậu gần đó, Thông thấy người thanh niên đeo khẩu trang đang ở trên xe taxi, anh tấp xe vào vừa lúc chiếc xe chuyển bánh. Thông chở Hà bám theo.

Khi xe đến đoạn ổ gà chạy chậm, Thông vượt lên chặn đầu chiếc taxi. Biết gặp nguy hiểm, Hùng mở cửa tuôn chạy. Hà phóng theo và Thông bắn 3 phát súng chỉ thiên, nhưng Hùng vẫn không dừng. Hà chụp được, nhưng Hùng to con và rất khỏe nên cuộc giằng co diễn ra khá lâu. Hùng chụp cục đá xanh cào vào tay chảy máu và thách thức: “Các ông vào tôi sẽ cho dính máu sida” và tiếp tục tấn công Hà - Thông.

Bất chấp nguy hiểm, Hà lao vào khóa tay Hùng, bị hắn cắn vào cánh tay. Thông bất ngờ đá chân trụ làm Hùng ngã chúi và cùng Hà khóa tay tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm, trước sự thán phục của nhiều người. Lúc này công an phường cũng vừa có mặt, cùng đưa tên Hùng về trụ sở. Thông khẩn trương đấu tranh khai thác tên Hùng, còn Hà được các chiến sĩ công an phường đưa đến bệnh viện chống phơi nhiễm HIV. Sau đó, các anh tiếp tục phối hợp với Công an quận 12 truy bắt tên Hạnh tại một quán cà phê ở quận 1...

Còn tiếp…


Theo Ngọc Hà (Công an TP.HCM)
Bình luận
vtcnews.vn