Cuộc sống ít người biết ở các xưởng may Việt Nam tại Nga

Thời sựThứ Ba, 28/11/2017 10:23:00 +07:00

Nhân chuyến công tác tại Nga, nhóm phóng viên VTC News đã có mặt tại những xưởng may tiêu biểu của người Việt ở Matxcơva và các vùng phụ cận để chứng kiến cuộc sống và công việc của công nhân.

Video: Cuộc sống ít người biết ở các xưởng may Việt Nam tại Nga

Nằm cách trung tâm thủ đô Matxcơva gần 100 km về phía khu vực Orekhovo-Zuyevo, chúng tôi có dịp đến thăm công ty may mặc “Taylor” của anh Trần Văn Khảm và công ty “Marp” của anh Đỗ Hữu Cường (quê Hải Dương). Đây là những công ty có tiếng trong giới may mặc tại Maxcơva hiện nay.

Nằm cạnh bên hững mái nhà nhỏ của làng quê Nga, khu nhà xưởng của hai công ty này được xây dựng kiên cố và thoáng mát.

tran van kham

 Anh Trần Văn Khảm – Giám đốc công ty may mặc “Taylor”. (Ảnh: Phạm Thịnh)

Dẫn chúng tôi đi tham quan khuôn viên nhà xưởng, anh Trần Văn Khảm – Giám đốc công ty may mặc “Taylor” cho biết: “Công ty đã đi vào hoạt động nhiều năm nay, có đăng ký giấy tờ đầy đủ với những yêu cầu khắt khe của chính quyền sở tại. Công ty xây dựng mô hình nhà xưởng theo mô hình hiện đại, từng bước hoàn thiện đạt chuẩn mà cơ quan chức năng yêu cầu”.  

Công ty đang lên kế hoạch xây dựng một khu kí túc xá sạch đẹp và hiện đại phục vụ nhu cầu ăn ở và sinh hoạt cho anh chị em công nhân Việt Nam. Toàn bộ khu nhà máy rộng cả hecta ngay phía sau sẽ được cải tạo thành nơi nghỉ ngơi của khoảng 500 công nhân.

“Ngoài ra, công ty còn lo nơi vui chơi giải trí, thể dục thể thao cho người lao động”, anh Khảm cho biết thêm.

Để có được cơ ngơi rộng rãi, khang trang, những doanh nhân Việt Nam này đã phải lao tâm vất vả, tìm hướng đi đúng đắn cho dệt may Việt Nam trên xứ sở Bạch Dương.

DSC_7373 12

  Anh Đỗ Hữu Cường – Giám đốc công ty “Marp”. (Ảnh: Phạm Thịnh)

Anh  Đỗ Hữu Cường – Giám đốc công ty “Marp” kể từ ý tưởng ban đầu, đến khi hoàn thành các thủ tục pháp lý theo yêu cầu của chính quyền ở Nga là một bước ngoặt đối với anh và cộng sự.

Rất nhiều khó khăn gặp phải, nhưng với quyết tâm xây dựng thành công “xưởng trắng” tại thủ đô Matxcơva đã thôi thúc anh tìm tòi và tạo dựng nên một trong những thương hiệu quần áo dệt may có tiếng của cộng đồng người Việt tại Nga.

Điều khó khăn nhất đối với nhiều doanh nghiệp may mặc Việt Nam tại Nga không chỉ là thủ tục pháp lý, với những quy định nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, mà còn giải quyết tốt bài toán an toàn lao động và chăm lo đến quyền lợi người công nhân.

Điều này đòi hỏi các công ty phải có một tầm nhìn dài hạn, sự am hiểu luật pháp nước Nga. Bên cạnh đó, công ty cũng cần xây dựng nhà xưởng, chỗ nghỉ ngơi phù hợp cho công nhân.

Kinh doanh hàng may mặc là ngành nghề truyền thống của người Việt tại Nga trong hàng chục năm qua. Từ những khu chợ ngoài trời nhỏ lẻ, người Việt tại Nga ngày nay đã xây dựng nên những trung tâm thương mại hiện đại và rộng rãi ở nhiều thành phố như Matxcơva, Kazan, Voronezh, Volgograd.

Để đáp ứng nhu cầu hàng hóa theo thị hiếu của người dân Nga, các xưởng may của người Việt được mở ra ở nhiều khu vực, trong đó tập trung nhiều ở ngoại ô Matxcova, Tula.

Đây là nơi sản xuất hàng loạt các sản phẩm may mặc, rồi đưa về bán ở các chợ đầu mối tại thủ đô Matxcơva (như chợ Liubliuno, chợ Sadavod). Từ đây, các tiểu thương Việt từ nhiều khu vực khắp nước Nga sẽ mua hàng và bán ở các chợ tỉnh lẻ.

Ám ảnh “địa ngục trần gian”

Cách đây 5 năm trở về trước, người lao động Việt tại Nga chỉ quen với hình thức “xưởng đen”, xây dựng chui lủi dưới những tòa nhà cũ nát hay những căn hầm chật chội, thiếu ánh sáng mặt trời ở ngoại ô Matxcơva và khu vực lân cận.

Đó là nơi mà người Việt thường gọi là “địa ngục trần gian”, nơi bóc lột sức lao động; công nhân bị đối xử thậm tệ và mất lương tri con người.

xuong may 2 3

Công nhân Việt làm việc công ty may mặc “Taylor”. (Ảnh: Minh Tuấn)

Từ những năm 2000, nhu cầu đồ may mặc tại Nga tăng lên nhanh, các xưởng may của người Việt cũng mở ra nhiều, lan rộng khắp các tỉnh xa như Ryazan, Tambov, Vladimir hay Tver.

Từ đó, một phong trào lao động Việt Nam sang may mặc ở Nga trở nên rầm rộ. Hàng nghìn công nhân được các công ty môi giới trong nước đưa sang Nga dưới danh nghĩa  “xuất khẩu lao động”. 

Người dân phải đóng số tiền tầm khoảng 50 triệu đồng cho bên “cò mồi” này, với những lời hứa hẹn đầy mơ ước nơi xứ người.

Tuy nhiên, mọi thứ không như thực tế. Hầu hết lao động đi sang Nga dưới hình thức thị thực du lịch, tức là sau 1 tháng, họ sẽ trở thành dân lao động bất hợp pháp. Giấy tờ tùy thân sẽ bị chủ xưởng thu lại, vì lý do “an toàn” cho công ty.

Tiền mất, tật mang, lao động Việt phải vắt sức để làm việc, một phần trả nợ, một phần kiếm tiền về nước.

Câu chuyện về “địa ngục trần gian” của người Việt tại Nga bắt đầu từ đó.

“Xưởng đen” không còn chốn dung thân                                                                          

Từ năm 2012, một trong những vấn đề đặc biệt được chính quyền sở tại quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng người Việt tại Nga là việc thắt chặt quản lý các chợ đầu mối, xóa bỏ các khu chợ trời và chiến dịch đập tan các “xưởng may đen” ở các ngoại ô Matxcơva và Tula.

Hàng chục “xưởng may đen” của người Việt liên tục bị phát hiện và giải tán. Hàng nghìn công nhân may mặc bị bắt tại xưởng đen liên tục hồi hương. Chỉ có một số ít chủ doanh nghiệp co cụm duy trì được hoạt động sản xuất.

Đó là những doanh nghiệp làm ăn bài bản, tuân thủ pháp luật của Nga và chính quyền sở tại, đăng ký kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế, đảm bảo quyền lợi cho người lao động Việt Nam và các nước khác. Người ta gọi những doanh nghiệp may mặc này là “xưởng trắng”, trong đó có công ty may mặc “Taylor” của anh Trần Văn Khảm và công ty “Marp” của anh Đỗ Hữu Cường.

xuong may 3 7

Công nhân làm việc tại xưởng may công ty “Marp”. (Ảnh: Minh Tuấn)

Hàng năm, Đại sứ quán Việt Nam tại Matxcơva, phối hợp cùng Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nga có nhiều cuộc tiếp xúc và trao đổi với các doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ.

Chính quyền ở Nga cũng tăng cường hỗ trợ và khuyến khích các công ty may mặc Việt làm ăn hợp pháp tại Nga, đồng thời kêu gọi các chủ doanh nghiệp nâng cao đời sống cho người lao động.

Những mô hình “xưởng trắng”dần được hình thành và phát triển nhanh. Các công ty may mặc Việt Nam tại Nga hiện nay đang dần chiếm lĩnh nhiều mặt hàng tại các chợ đầu mối thủ đô Matxcơva.

DSC_7424 14

Công nhân Việt làm việc trong công ty may mặc ở Nga. (Ảnh: Thùy Linh) 

Anh Vương Đức Phố (quê Hải Dương) – Giám đốc công ty may mặc DIANATEK tại Tula cho biết: “Trước đây có rất nhiều xưởng may đen hoạt động tại Tula. Sau cách chiến dịch kiểm tra của cơ quan chức năng sở tại, các “xưởng đen” dường như bị xóa sổ. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đã chuyển hướng sang “xưởng trắng”.

Tại Tula, hiện có hơn 20 xưởng trắng của người Việt hoạt động hợp pháp.

Hiện tại, công ty DIANATEK cũng có hơn 80 lao động hợp pháp đang làm việc tại công ty.

 
Bằng cách chấp hành đầy đủ các quy định hiện hành và kinh doanh theo luật pháp nước Nga, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, chúng tôi góp phần vào chiến dịch quét sạch những “xưởng đen”.

Ông Alekxandr Vladimirovich

Ông Alekxandr Vladimirovich - Giám đốc điều hành công ty “Marp” - do anh Đỗ Hữu Cường làm chủ - nói: “Hoạt động kinh doanh của những  xưởng may đen tại Nga hiện nay mất chốn dung thân do cơ quan chức năng đã và đang ngày càng mạnh tay truy quét. Bằng cách chấp hành đầy đủ các quy định hiện hành và kinh doanh theo luật pháp nước Nga, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, chúng tôi góp phần vào chiến dịch quét sạch những “xưởng đen”.

Với sự phát triển không ngừng của các “xưởng may trắng”, câu chuyện “xưởng may đen” đang dần khép lại.

Đổi đời nhờ đi làm may

Nói đến các xưởng may và công nhân Việt Nam tại Nga, không ít người hình dung họ vẫn phải làm nhiều giờ, sống trong những điều kiện khó khan, đối mặt với nhiều vấn đề pháp lý. Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của của quá khứ.

Giám đốc điều hành công ty “Marp” Alekxandr Vladimirovich cho biết: “Hàng năm công ty tuyển dụng nhiều công dân từ Việt Nam sang làm việc. Sau quá trình đào tạo, nếu công nhân nào không đáp ứng yêu cầu công việc, chúng tôi buộc phải đưa về nước. Còn những công nhân chăm chỉ làm việc sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ tốt từ công ty. Họ được cấp giấy tờ cư trú hợp pháp tại Nga, được đóng bảo hiểm xã hội và mức thu nhập khá”.

Công nhân người Việt ở những công tay này được phép ra ngoài tự do trong ngày nghỉ hoặc hết giờ làm việc. Họ có thể tự đi siêu thị, đi tham quan, mua sắm trong thời gian nghỉ của mình.

DSC_7347 9

Anh Phan Văn Mạnh (quê ở Thừa Thiên Huế), công nhân may công ty Taylor.  

Anh Phan Văn Mạnh, công nhân may công ty Taylor, quê gốc Huế sang Nga làm việc qua một người bạn giới thiệu.

Mỗi tháng anh Mạnh thu nhập khoảng khoảng 1.000 USD. Nếu làm tăng ca, anh Mạnh có thể kiếm được nhiều hơn. Tuy nhiên, do đã được công ty lo cho chỗ nghỉ và ăn uống nên anh Mạnh chỉ tiêu phần nhỏ tiền lương, còn lại phần lớn gửi về cho gia đình ở Việt Nam.

“Chúng tôi chỉ chú tâm làm việc, kiếm thật nhiều tiền gửi về nhà. Còn về cuộc sống bao gồm ăn ở, khám chữa bệnh... đã có công ty lo.” anh Phan Bá Mạnh chia sẻ.

DSC_7434 11

 Hai vợ chồng Vũ Văn Duy và Vũ Như Quỳnh (sinh năm 1995, quê ở Thanh Miện, Hải Dương) có thu nhập khoảng 18 triệu đồng/người/tháng.

Hai bạn trẻ Vũ Văn Duy và Vũ Như Quỳnh (sinh năm 1995, quê ở Thanh Miện, Hải Dương) sau khi lập gia đình quyết định cùng nhau sang Nga để làm việc mong muốn kiếm được khoản tiền để về lập nghiệp ở quê hương. Họ đã ở Nga được năm rưỡi.

“Công việc bên này cũng ổn định. Tính ra thu nhập của chúng em được khoảng 18 triệu đồng/ người. Hàng tháng chúng em đều gửi về Việt Nam để tiết kiệm xây nhà. Em nghĩ sau 3 năm làm việc tại đây, chúng em về nước sẽ có chút lưng vốn làm ăn”, Duy chia sẻ.

Không chỉ tạo điều kiện trả lương đầy đủ, đúng thời hạn, lãnh đạo công ty “Taylor” và công ty “Marp” còn đặc biệt quan tâm đến đời sống của tinh thần cho công nhân nơi đây. Họ coi đó là cách tốt nhất để người lao động gắn bó lâu dài với công ty.

Phạm Thịnh - Minh Tuấn - Thuỳ Linh
Bình luận
vtcnews.vn