Cuộc sống ít biết của hai chàng 'bảo mẫu' chăm sóc voi ở Đắk Lắk

Thời sựThứ Hai, 01/05/2017 18:55:00 +07:00

Công việc hàng ngày của hai chàng "bảo mẫu" này là chăm sóc sức khỏe cho các cá thể voi ở trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk.

Hai chàng trai Cao Xuân Ninh và Phan Phú ở trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk được mọi người gọi vui là “bảo mẫu”. Công việc của hai anh không phải là nuôi trẻ mà là chăm sóc hai chú voi hoang bị lạc đàn đang được nuôi tại trạm Cứu hộ voi ở xã Krông Na, huyên Buôn Đôn, Đắk Lắk.

Hinh anh

 Anh Cao Xuân Ninh cho voi Gold uống sữa.

Anh Cao Xuân Ninh (30 tuổi) là “bảo mẫu” của voi Gold gần hai tuổi. Mỗi ngày anh cho Gold uống sữa 3 lần gồm sáng – trưa – chiều. Mỗi lần, voi uống hết 370 gam sữa bột dành cho em bé.

Ngoài ra, anh còn phải cho voi ăn thêm chuối chín, uống nước dừa để bồi bổ sức khỏe. Ăn uống xong, anh Ninh dẫn voi đi dạo quanh khu chăn thả bán hoang dã để voi làm quen với môi trường tự nhiên. Chiều đến, chàng trai này lại tắm mát cho voi để có giấc ngủ ngon.

Anh Xuân Ninh chia sẻ rất hạnh phúc khi mỗi ngày được chăm sóc, bầu bạn với loài động vật nổi tiếng thông minh, gần gũi với con người này. Anh vốn học ngành kế toán rồi về làm nhân viên cho trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk.

Hinh anh

Voi June đang chơi trò lấy thức ăn trên cao.

Tháng 3/2015, trung tâm nhận tin báo từ Lâm trường Chư M’lanh cho biết ở huyện Ea Súp có một voi con lọt xuống giếng. Anh Ninh cùng cán bộ trung tâm tức tốc chạy xuống tìm đủ mọi cách cứu voi lên, đưa về Trạm quản lý bảo vệ rừng an toàn. Giây phút kéo chú voi bé nhỏ khoảng 6 tháng tuổi nặng hơn nửa tạ dưới lòng giếng sâu, anh Ninh đã xúc động nghẹn ngào.

Sau nhiều lần nỗ lực cho voi nhập đàn không thành, Gold được đưa về Trạm cứu hộ. Anh Ninh được chuyên gia huấn luyện động vật người Mỹ trực tiếp hướng dẫn kỹ năng chăm sóc, dạy dỗ voi, sau đó chính thức trở thành “bảo mẫu” của Gold.

Cũng bất đắc dĩ trở thành “bảo mẫu” chăm voi, anh Phan Phú (27 tuổi) đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc chú voi June 5 tuổi, nặng hơn 1 tấn bị thương nặng do dính bẫy bọn “voi tặc” hồi tháng 3/2015. Sau hơn một năm được nhiều chuyên gia nước ngoài đến thăm khám, chữa trị, chăm sóc đặc biệt, voi June mới dần hồi phục.

Hinh anh  3

Chàng trai được xem là bảo mẫu với công việc chăm sóc voi hằng ngày. 

Từ đó, anh Phú được giao chăm sóc voi June. Mỗi sáng, anh nấu một nồi cơm nóng, vo lại thành cục nhét thuốc kháng sinh, canxi vào trong cho voi ăn, rồi rửa chân, bôi thuốc cho vết thương để voi mau lành.

Tranh thủ những lúc voi đang vui đùa trong khuôn viên khu nuôi nhốt có hàng rào điện bảo vệ an toàn, anh Phú mang đồ nghề là chiếc rựa sắc bén ra khoét nhiều lỗ trên thân cây khô để nhét thức ăn cho voi tự tìm.

Anh tâm sự: “Voi là loài động vật ưa vận động, nếu nuôi nhốt chúng trong môi trường gò bó rất dễ gây ra hiện tượng ức chế. Vậy nên cần hạn chế thời gian rảnh rỗi của voi bằng cách cho voi đi dạo và làm đồ chơi để voi được tự do đi lại và không bị stress. Cái khó nhất của mình là mỗi ngày phải nghĩ ra một loại đồ chơi khác nhau để voi không nhàm chán”.

Từ ngày nhận nhiệm vụ chăm sóc hai chú voi lạc đàn, anh Xuân Ninh và Phan Phú đã xem chúng như người bạn thân, suốt ngày quấn quýt bên nhau nửa bước không rời. Các anh hiểu tính khí của voi, biết cách để giải khuây tâm trạng cho chúng khi buồn.

Video: Hàng chục con voi về làng để tìm nước uống

Thanh Hải
Bình luận
vtcnews.vn