Cuộc sống cô đơn ở viện dưỡng lão của diễn viên 'Vĩ tuyến 17 ngày và đêm'

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 23/03/2018 15:19:00 +07:00

Ở tuổi gần 90, đáng lẽ NSƯT Lịch Du đang sum vầy bên con cháu nhưng những éo le của cuộc đời khiến Viện dưỡng lão là lựa chọn không thể khác được để bà nương náu tuổi già.

Từng có ý định quyên sinh

NSƯT Lịch Du là sinh viên khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là ĐH Sân khấu - Điện ảnh), cùng khoá với NSND Trà Giang, NSND Hải Ninh. Có thể khán giả trẻ bây giờ ít biết đến cái tên Lịch Du bởi bà không còn theo nghiệp diễn kể từ những năm 1990. Nhưng nếu ai từng xem Vỹ tuyến 17 ngày và đêm sẽ nhận ra một Lịch Du gai góc trên phim ảnh. 

Nếu thuận theo bố mẹ, có lẽ đến giờ phút này, Lịch Du là một bà giáo già về hưu, thi thoảng có bầy học trò thành đạt quây quần, ríu rít như những con sẻ nhỏ chia sẻ thành công khi sải cánh bay tự do giữa bão táp cuộc đời. Nhưng không ai có thể ngăn cản nổi bà, dù Lịch Du từng bị gia đình “triệt đường kinh tế” để từ bỏ ước mơ người đời cho là “xướng ca vô loài” ấy.  

Video: NSƯT Lịch Du và những buồn vui ở viện dưỡng lão

Bị gia đình trừng phạt, bà ra cầu Long Biên, nhìn thấy dòng sông đỏ phù sa, nước chảy cuồn cuộn, cẩn thận mang chứng minh thư đút túi áo, cài kim băng thật chặt để mình có chết, ai còn biết danh tính mà báo cho gia đình. Nhìn chằm chằm vào dòng sông đang cuồn cuộn như muốn cuốn mình vào, bà ngước lên để ngắm nhìn bầu trời lần cuối. Lúc đó, trời không có gợn mây, xanh biếc, tự nhiên bà giật mình thấy cuộc sống tươi đẹp thế, đời mình còn trẻ, tại sao phải chết?

Bỏ qua ý nghĩ quyên sinh, bà phải sống, phải được diễn rồi bà đã thành công. Dù rằng, những phim bà đóng thường là vai thứ, nhiều khi không có tên như vợ ông Ruôn trong Bình minh trên rẻo cao (đạo diễn: NSND Trần Đắc), vợ Hai Dong trong Không nơi ẩn nấp (đạo diễn: NSND Phạm Kỳ Nam), vợ Vệ trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn: NSND Hải Ninh)... nhưng vai diễn nào Lịch Du cũng diễn hết mình.

Đốt cháy nỗi buồn nơi viện dưỡng lão

Sắp qua ngưỡng tuổi 90, NSƯT Lịch Du hiện nay không thể ở nhà một mình được. Có mỗi mụn con gái lại lấy chồng tận Đức, khi quyết định cho con đi đoàn tụ với chồng, bà tự xác định phải tìm viện dưỡng lão. “Trẻ cậy cha, già cậy con” đó là quy luật của cuộc đời. Nhưng Lịch Du thực sự đã hy sinh tất cả vì thương con.

_MG_5942 9

 

_MG_5920 9

 

_MG_5889 7

Căn phòng nhỏ nơi viện dưỡng lão chất chứa những kỷ niệm về một thời của NSƯT Lịch Du.

Bà bảo tuổi thơ của con gái không bình yên. Con gái sinh ra trong thời gian đất nước có chiến tranh, lớn lên trong thời bao cấp nghèo khó vất vả, việc học hành cũng không mấy suôn sẻ, lại thiếu vằng tình cha. Chồng bà cũng là nghệ sĩ luôn luôn vắng nhà. Con gái chỉ có bà vừa là mẹ, vừa là cha.

Nhìn con thiếu thốn mọi nỗi, người mẹ nào mà không thương tới xé lòng. Chính vì thế, bà càng muốn yêu, muốn thương và muốn bù đắp cho con gấp nghìn lần để lấp khoảng trống đó. Con gái sống yên vui, hạnh phúc chính là niềm vui, hạnh phúc của Lịch Du. Và Viện dưỡng lão là một lựa chọn không thể khác để bà nương náu lúc tuổi già trái nắng trở trời.

_MG_6097 11

 

Khi bà sắp xếp nhà cửa để vào Viện dưỡng lão, mọi người còn bảo bà rằng: “mụ này điên”. Vào tới viện rồi, gặp ông Giám đốc, ông than rằng mình cũng nhận được câu tương tự từ bạn bè: “Lão này điên”. Bởi ông cũng bỏ dở sự nghiệp ngời sáng, bán nhà, gom tiền xây viện dưỡng lão.

Những ngày đầu bộn bề công việc, ngủ không đẫy giấc, công việc bù đầu, rối như cạnh hẹ... Lịch Du cảm nhận thấy rằng, người ta nói ông bị điên cũng không sai. Nhưng, càng ngày bà càng nể trọng người đàn ông đó, có những người như thế, bà và nhiều người già khác mới có chốn nghi ngơi, có người chăm sóc để con cháu yên tâm làm việc mưu sinh.

NSƯT Lịch Du bảo, bà có thâm niên ở Viện dưỡng lão hơn 10 năm, và nếu không có biến cố nào buộc bà phải thay đổi quyết định sẽ ở lại nơi này cho tới khi “Trời gọi”. Lúc đó, bà chỉ mong ước tro cốt của mình được rải xuống dòng sông Hồng.

Hết ngày dài lại đến đêm thâu, ở viện dưỡng lão, NSƯT Lịch Du là “tỷ phú thời gian”. Chẳng biết làm gì với quỹ thời gian đó, bà cứ quanh quẩn, quẩn quanh chờ ngày qua đêm tới. Ở đây, bà mới thực sự thấm thía nỗi buồn của sự nhàn hạ. Quá khứ chưa mấy xa nhưng thường lảng vảng hiện về như những thước phim quay chậm. Quá khứ ấy nhắc bà nhớ về một thời trẻ trung sôi nổi với bao nỗi truân chuyên vất vả, với những buồn vui, đắng đót xót xa...

Thật may, lòng tự trọng thách thức niềm tự hào về bản thân trong bà. Lịch Du không gục ngã vì những nỗi buồn đơn lẻ đằng đẵng gần hết một đời người. NSƯT Lịch Du không thể để nỗi buồn bào mòn trí lực mà bà buộc phải đốt cháy nó. Đốt cháy theo cách của riêng bà. Bà ngồi viết kịch bản, để rồi vui mừng mỗi khi mang nó ra đọc.

Niềm vui của người viết văn – kiểu “văn mình vợ người”. Khiêm tốn vậy thôi nhưng những kịch bản của bà lại nhân văn, sâu sắc và mang hơi thở thời đại. Thật tiếc, trong lúc nguồn kịch bản để dựng phim còn đang thiếu thì ít ai biết NSƯT Lịch Du có một kho kịch bản phong phú đến nhường ấy.

Là phụ nữ, ai cũng muốn có bờ vai để tựa, Lịch Du không ngoại lệ. Nhưng ngặt nỗi, duyên không tới thì phận chẳng đành. Người đến được với bà thì không còn tự do. Người tự do thì không thể đến được. NSƯT Lịch Du đành vậy, một mình lại vẫn một mình.

Nhưng ở tuổi nào cũng cần có tình yêu, có quyền yêu và được yêu, NSƯT Lịch Du bảo dù sắp 90 tuổi nhưng bà cũng vẫn cần yêu. Nhưng, chỉ là lãng đãng yêu, yêu tình yêu bạn bè thi thoảng gặp nhau chuyện phiếm, tâm sự vụn vặt, hẹn hò những chuyến du lịch ngắn ngày không tốn kém xa xỉ... Thế cũng là cách đốt cháy nỗi buồn.

Nguồn: Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn