Cuộc mua bán ngàn tỷ và lộ mặt các ông trùm

Kinh tếThứ Năm, 01/05/2014 08:10:00 +07:00

Hàng chục ngàn tỷ đồng đang được các đại gia chuẩn bị cho các thương vụ mua bán lớn nhằm tạo dựng và củng cố vị trí số 1 của mình.


Hàng chục ngàn tỷ đồng đang được các đại gia chuẩn bị cho các thương vụ mua bán lớn nhằm tạo dựng và củng cố vị trí số 1 của mình.

Ông chủ các NH, DN đang săn lùng các đơn vị gặp khó khăn nhưng nhiều tiềm năng để thâu tóm. Quá trình tái cơ cấu của nền kinh tế tạo ra cơ hội chưa từng có cho các đại gia nhanh nhạy, nhiều tiền của hay có tài xoay vốn.

Rập rình thâu tóm

Đại hội cổ đông thường niên 2014 của Masan Group (MSN) gây ấn tượng với việc dành 3.000-3.500 tỷ đầu tư vào tài sản cố định, không bao gồm các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) tiềm năng.
Mục tiêu chính của các thương vụ mua bán sáp nhập thâu tóm đó là để tái cấu trúc hoặc tăng quy mô, tăng khả năng cạnh tranh. Ảnh minh họa 

MSN của doanh nhân kín tiếng Nguyễn Đăng Quang được biết đến với sự lớn mạnh nhanh chóng trong năm qua với những thương vụ M&A 'khủng' như Vinacafé Biên Hòa (VCF), Nước khoáng Vĩnh Hảo, Mỏ Núi Pháo, Proconco, Bia Phú Yên...

Hàng loạt các DN khác có lẽ cũng đang nằm trong tầm ngắm M&A, vì dường như với ông Quang, M&A như là động cơ giúp cho sự tăng tốc, là bước đi ngắn nhất để giành vị thế trên thị trường.

Các kế hoạch M&A chưa được tiết lộ nhưng chiến lược của MaSan đã được vạch rõ đến các từng lĩnh vực muốn M&A, biện pháp thực hiện, cách thức huy động vốn cho mục tiêu thâu tóm.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch thủy sản Hùng Vương (HVG) cũng đang hướng tới mục tiêu "quán quân" trong ngành thủy sản khu vực Đông Nam Á với doanh số tỷ USD trong một hai năm tới.

Cách đi của ông Dương Ngọc Minh có nhiều điểm giống với ông Quang là M&A. Ngoài những cái tên quen như Bến Tre, Tắc Vân, Sao Ta, ông Dương Ngọc Minh đang hướng tới những DN có tên tuổi để thiết lập một chuỗi kinh doanh của riêng mình. Cuối tháng 3 vừa qua, HVG đã chào mua 6 triệu cổ phiếu Agifish (AGF) và 2,5 triệu cổ phiếu Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) với số tiền dự kiến chi ra lên tới hơn 180 tỷ đồng.

Công ty cổ phần đầu tư F.I.T (FIT) cho biết, trong năm 2014, DN sẽ đẩy mạnh M&A để sở hữu các công ty tiềm năng. Trong năm 2014, FIT cũng dự kiến phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi với lãi suất 3%/năm. Ngoài ra, công ty cũng xin ý kiến cổ đông phát hành cổ phiếu năm 2015 với khối lượng lớn để huy động vốn.

Tập đoàn FPT cuối tháng 3/2014 cũng cho biết, DN dự kiến dành ngân sách khoảng 50 triệu USD, hướng đến các thương vụ có giá trị từ 20-30 triệu USD.

Gần đây, giới đầu tư cũng liên tiếp nghe nhiều NH như Maritime Bank, SHB, Đông Á, Bản Việt, Sacombank, Vietcombank, MBB… bật mí ý định hoặc kế hoạch thâu tóm các NH hoặc/ công ty tài chính khác sau hàng loạt các vụ thành công trong "vòng 1" như SHB-Habubank; SCB - Đệ Nhất - Việt Nam Tín Nghĩa hợp thành SCB; Western Bank với PVFC thành PVcombank; HDBank mua Công ty tài chính Société Générale và hợp nhất với Đại Á (cuối năm 2013)…

Trong khi đó, rất nhiều DN cũng đã, đang hoặc có kế hoạch thâu tóm các DN khác để củng cố vị thế đứng đầu như: REE của bà Mai Thanh (thâu tóm điện, nước); Kinh Đô - KDC (hướng tới DN cùng ngành); Ocean Group (BĐS, thực phẩm, bán lẻ)…

Vòng xoáy ngàn tỷ

Nhìn vào các vụ M&A trong vài năm qua có thể thấy, mục tiêu chính của các thương vụ mua bán sáp nhập thâu tóm đó là để tái cấu trúc hoặc tăng quy mô, tăng khả năng cạnh.

Với ngân hàng, M&A cần thêm thời gian để có kết quả tích cực hơn nhưng với các DN, M&A đã và đang là một hướng đi được đánh giá là hợp thời, là động lực để các DN phát triển nhanh nhất.

M&A đã giúp Masan Group của ông Nguyễn Đăng Quang lớn mạnh ở tốc độ thần tốc, từ mức vốn chủ sở hữu chưa tới 500 tỷ đồng hồi 2008 đã tăng lên đến hơn 14,4 nghìn tỷ đồng vào cuối 2013.

Là một DN có tuổi đời chỉ khoảng 10 năm nhưng Masan đã thuộc tốp nổi tiếng nhất và có quy mô thuộc hàng đầu trong cộng đồng DN Việt, ngấp nghé với các thương hiệu có lịch sử hoạt động hàng chục, hàng trăm năm như Sabeco, Habeco, Vinamilk…

Một câu hỏi được đặt ra là tiền ở đâu ra để các đại gia đi thâu tóm để rồi phát triển với tốc độ chóng mặt như vậy? Có thể thấy, nguồn vốn ban đầu của các doanh nhân, nguồn vốn tích lũy của DN và huy động từ bên ngoài thông qua trái phiếu, phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn.

Trong trường hợp Masan, DN này đã huy động hơn 1,5 tỷ USD vốn dài hạn xuyên suốt chu kỳ từ những đối tác danh tiếng nhất như IFC, KKR, JPMorgan, TPG… và đầu tư thành công vào rất nhiều DN tốt mà chính các DN này lại mang lại một nguồn tiền khổng lồ khác cho họ.

Tất nhiên, đứng đằng sau các DN lớn này là những nhóm người tham vọng và đầu óc siêu việt về tài chính.

Trợ thủ tài chính của ông Quang là Madhur Maini, người có 14 năm làm việc tại 2 định chế tài chính quốc tế lớn là Merrill Lynch và Deutsche Bank... HVG của ông Ngọc Minh lại là DN nguồn vốn lớn phát sinh từ hoạt động kinh doanh, trong khi đó FIT lại nhắm tới dòng tiền nhàn rỗi trên thị trường.

Hoạt động M&A đang nở rộ trong vài năm gần đây và có xu hướng ngày càng mạnh với những thương vụ ngày càng lớn hơn.

Đây là một hướng đi tất yếu của một nền kinh tế đang tái cấu trúc mạnh mẽ để đi lên. Nó giúp nền kinh tế có được những DN thực sự mạnh, hoạt động hiệu quả và có sức cạnh tranh tốt.

Tuy nhiên, M&A cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu hoạt động này không theo cơ chế thị trường, bị áp đặt, hoặc/và người đi thâu tóm không đủ năng lực mà chỉ dựa vào sức mạnh khác, dựa vào dòng tiền không thực chất, không bền vững.


Theo Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn