Cuộc khai quật mộ cổ của anh nông dân lúc nửa đêm

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 06/08/2012 06:00:00 +07:00

(VTC News) - 12 giờ đêm hôm đó, 6 người hì hục đào bới, phá lớp hợp chất, bẩy tung nắp hầm mộ.

(VTC News) - 12 giờ đêm hôm đó, 6 người hì hục đào bới, phá lớp hợp chất, bẩy tung nắp hầm mộ. Mọi người sững sờ khi thấy bên trong “bể bêtông” là một chiếc quách gỗ phết sơn ta màu đỏ còn nguyên vẹn, đẹp như vừa được đặt xuống.

Người dân huyện Chí Linh (Hải Dương) đều biết đến một ngôi mộ hoành tráng ở làng Kiệt Thượng, xã Văn An, được cho là của bà Nguyễn Thị Đức.

Người dân nơi đây cũng vẫn còn nhớ như in cuộc quật mộ giữa đêm của mấy nông dân làng Kiệt Thượng. Rất nhiều câu chuyện ly kỳ, huyền bí xảy ra xung quanh cuộc quật mộ này.


Từ người phá mộ, anh Trần Văn Khá trở thành người trông coi ngôi mộ cho họ Vũ - Võ. 

Anh Trần Văn Khá mở cổng cho tôi vào thăm lăng mộ khổng lồ nằm ngay cạnh nhà anh. Anh là người được họ Vũ – Võ tin tưởng giao trọng trách trông nom ngôi mộ này. Có điều khó tin, anh cũng chính là người phá ngôi mộ này.

Theo anh Khá, đầu năm 2003, mấy đại gia họ Vũ – Võ cùng ban liên lạc dòng họ đã tìm về làng Kiệt Thượng (Văn An, Chí Linh) nhận ngôi mộ mới xây trong phần đất nhà anh là của bà Nguyễn Thị Đức. Bà Đức là thân mẫu của cụ Vũ Hồn, được cho là tổ tiên của họ Vũ – Võ, hiện đang thờ trong ngôi đền lớn ở làng Mộ Trạch (Tân Hồng, Bình Giang, Hải Dương). 

Tại Việt Nam, trong chưa đầy một thể kỷ qua đã có rất nhiều xác ướp được các nhà khảo cổ phát hiện. Khoảng 100 ngôi mộ cổ được xác định là có xác ướp, 52 ngôi mộ đã được khai quật. Tuy nhiên, tất cả các cuộc khai quật đều là chữa cháy.

Việc khai quật và nghiên cứu các xác ướp đã khẳng định cách đây nhiều thế kỷ, người Việt Nam đã sở hữu một công nghệ ước xác mang tầm vóc thế giới... Các xác ướp có một vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển nền văn hóa của nhân loại bởi chúng thể hiện trình độ phát triển của một nền văn minh, cũng như chứa đựng rất nhiều thông tin có giá trị truyền lại cho hậu thế.

Dòng họ này đã đề nghị anh Khá bán mảnh đất 306m2, nơi có ngôi mộ của cụ Đức cho họ.

Mua được đất rồi, dòng họ này đã tiến hành xây một ngôi mộ khang trang. Anh Khá trở thành người giám sát việc xây mộ, nấu nướng, phục vụ 37 thợ xây, thợ chạm khắc đá từ mãi Ninh Bình ra ăn ở, làm việc suốt gần năm trời.

Theo nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành (nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương), làng Kiệt Thượng là vùng đất cổ mà giới khảo cổ cả nước đều biết đến, bởi nơi đây được coi là “nghĩa địa mộ cổ”. 

Các nhà khảo cổ học từ Trung ương đến địa phương đã khai quật rất nhiều mộ thuyền có tuổi 2.000 năm ở ngôi làng này.

Trong đó, nổi tiếng nhất là ngôi mộ thuyền Kiệt Thượng I và Kiệt Thượng II, được phát hiện và khai quật vào năm 2001, gây sửng sốt giới khảo cổ học cả nước. Hai ngôi mộ thuyền này đều còn nguyên vẹn xương cốt và đồ tùy táng.

Lăng mộ được cho là của bà Nguyễn Thị Đức. 

Bà mẹ Vũ Thị Ỳ mất đi, chỉ để lại cho Trần Văn Khá túp lều tranh xơ xác bên cánh đồng. Lấy vợ, anh Khá bỏ công tự đóng gạch, ước nguyện xây cho mình một ngôi nhà kiên cố. Tuy nhiên, mấy lần nhào đất đóng gạch thì đều gặp mưa, làm sập lò, nát hết gạch. 

Năm 1993, chán đốt gạch, anh Khá quyết tâm đào mảnh vườn đó làm ao thả cá. 

Bữa ấy, có 5 người nữa là anh em trong nhà tập trung đào hộ. Đang đào đất thì chạm phải vật cứng, màu trắng như phiến đá lớn. Thế nhưng, dùng búa chim bổ ra thì thấy không phải đá mà là một loại hợp chất lạ. 

Nghĩ vớ được mộ cổ của người Trung Quốc, bên trong sẽ có nhiều vàng bạc nên mấy người bàn tính lấp lại, để đêm bới sau, chứ bới ngay lên, thấy nhiều vàng quá dân xúm lại đòi chia thì chẳng ăn thua gì.  

12 giờ đêm hôm đó, 6 người hì hục đào bới, phá lớp hợp chất, bẩy tung nắp hầm mộ. Mọi người sững sờ khi thấy bên trong “bể bêtông” là một chiếc quách gỗ phết sơn ta màu đỏ còn nguyên vẹn, đẹp như vừa được đặt xuống. 

Dùng xà beng bật nắp áo quan. Một mùi thơm mát của dầu ngọc am lan tỏa rất dễ chịu. Tuyệt nhiên không thấy mùi hôi thối bốc lên như ở những ngôi mộ bình thường khác. 

Mọi người bủn rủn tay chân khi soi đèn pin vào trong áo quan, thấy xác ướp quấn vải nổi lềnh bềnh trong lớp tinh dầu đặc sánh.  

Lăng mộ nhìn từ trên cao xuống. 

Xua tan sợ hãi, họ mò mẫm trong làn nước thơm. Tuy nhiên, chỉ thấy vài đồ gốm không có giá trị như bát đĩa, cối giã trầu và vài đồng tiền xu cùng một số đồ tùy táng khác. 

Cắt lớp vải quấn xác chết để tìm tiếp, nhưng cũng không được gì. Cả đám người này đều rất ngạc nhiên khi thấy xác chết vẫn còn nguyên vẹn, đầy đủ các bộ phận. Người chết còn nguyên vẹn đến mức như người nằm ngủ. 

Chuyện đào được mộ cổ lan ra nhanh chóng, hàng ngàn người tò mò kéo đến xem. 

Một số đoàn khảo cổ từ Hà Nội về tìm hiểu ngôi mộ cổ và xác ướp. Các nhà khảo cổ ghi chép, chụp ảnh ngôi mộ rồi bỏ đi. Thế rồi, ngôi mộ cổ rơi vào quên lãng. 

Sau khi các nhà khoa học nghiên cứu xong, anh Khá cải táng thi thể người chết ra nghĩa địa. Riêng mấy tấm ván thiên anh giữ lại, vì đám thợ mộc bảo đó là gỗ tốt. Có một số người trả anh bạc triệu, số tiền khá lớn thời bấy giờ, song anh không bán. 

Anh Khá kể câu chuyện hư hư thực thực liên quan đến những tấm ván thiên. Anh ngâm mấy tấm ván ở dưới ao trước nhà, thi thoảng lại xuống mò xem còn hay bị trộm vác đi mất rồi. Một lần, kéo tấm ván lên, lại thấy những dòng chữ nho hiện lên ở mặt gỗ. Có một lớp hóa chất màu trắng, mỏng tang phủ lên những dòng chữ đó.  

Áo quan gỗ ngọc am của một ngôi mộ xác ướp. 

Anh Khá cứ lấy móng tay gẩy lớp hóa chất như keo, tức thì những cái chữ này cứ bay đi như kiểu bốc hơi. Hôm sau kể với ông chú, ông mắng cho một trận vì không để lại chữ đó cho ông đọc.

Suốt mấy tháng trời, không đêm nào anh ngủ yên giấc vì ác mộng. Hễ anh nhắm mắt là những hình ảnh xác chết trong ngôi mộ cứ hiện rõ mồn một trong đầu anh.

Lo lắng, mệt mỏi, mất ngủ nhiều quá nên anh Trần Văn Khá trở nên điên điên khùng khùng, lơ nga lơ ngơ, không biết gì suốt mấy tháng trời.

Cả ngày anh chỉ ngồi như một khúc gỗ, hiền như củ khoai, đôi mắt vô hồn, không tự ăn uống, tự vệ sinh được. Chị vợ phải chăm sóc cho anh như một đứa trẻ.

Có thời gian anh Khá tỉnh táo, liền bỏ vào Bình Dương sinh sống. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, anh lại rơi vào tình trạng khó ngủ. Thỉnh thoảng lại điên điên khùng khùng.

Cuối cùng, anh ăn năn bằng cách trở về quê, vay mượn tiền bạc, xây lại ngôi mộ đàng hoàng tại chỗ anh đào phá. Tất cả tài sản lấy từ ngôi mộ, gồm những tấm quách, đồ tùy táng anh đều chôn theo.

Xây xong mộ, tự dưng anh thấy lòng mình thanh thản, cảm thấy tinh thần yên ổn, không rơi vào cảnh mất ngủ. Anh coi người nằm dưới mộ như người thân của mình, nên hương khói chu đáo. 

Theo nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành, sau cuộc khảo cổ xác ướp tướng quân Đinh Văn Tả thế kỷ XVIII - sự kiện khảo cổ học đầu tiên ở Hải Dương vào năm 1942, người ta bắt đầu chú ý đến những ngôi mộ cổ ở địa phương này. Những ngôi mộ cổ bao giờ cũng mang theo nhiều điều bí ẩn và dân gian vẫn truyền nhau rằng mộ vua chúa, quan lại thường chôn theo tiền, vàng, tư trang.

Chính vì thế ở Hải Dương bắt đầu xuất hiện việc đào trộm mộ cổ. Cho đến khoảng những năm 80, 90, tình trạng đào phá mộ cổ diễn ra vô cùng tàn bạo, và khủng khiếp... Thậm chí có trưởng họ sẵn sàng gọi người đến bới cả mả tổ lên để xem có gì không. Ngay như phần mộ của cụ Nguyễn Phi Khanh (cha của danh nhân Nguyễn Trãi) được chôn trên đỉnh núi cũng bị bọn đạo chích bới tung để tìm kiếm của nả và đồ cổ...

Còn tiếp...

Phạm Ngọc Dương


Bình luận
vtcnews.vn