Cuộc hội ngộ sau 5 thế kỷ

Thời sựThứ Bảy, 23/02/2013 08:08:00 +07:00

Cho tới năm 2004 sau một cuộc họp họ, 3 bô lão họ Lê gồm các cụ Lê Văn Cứ, Lê Công Định, Lê Công Hải mới bắt đầu công cuộc “tìm về chốn xưa”.

Ông Bùi Minh Hoàng, Chủ tịch UBND phường Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) gọi điện cho tôi đúng sáng mùng 9 Tết, giọng úp mở: “Này, cậu đi Quảng Ninh nhận họ với tôi không? Nhiều chuyện hay lắm đấy”.

Đang ngập ngừng thì ông bồi tiếp: “Đây là những người con của trấn Nam Thăng Long. Cách đây hơn 500 năm, chính những người dân của làng Kim Liên đã có công khai hoang lấn biển lập nên vùng đất mới của huyện Yên Hưng bây giờ…”. Mới nghe tới đó, chẳng đợi mời thêm, tôi xách túi lên xe.

Người dân Phong Cốc (Quảng Ninh) đi hội làng tưởng nhớ tổ tiên ở đất kinh kỳ 

Hậu duệ của những người lấn biển

Thực ra, ông Hoàng “rắc thính” để câu nhà báo bằng chuyện đi nhận họ hàng ở mãi một huyện ven biển tỉnh Quảng Ninh chỉ là cái cớ. Kỳ thực chính những người họ hàng ấy mới là những người tìm về với cội nguồn và câu chuyện này cũng đã có từ cách đây 5-7 năm, khi các cụ già của phường Phong Cốc, huyện Yên Hưng mang lễ vật lên tận đình Kim Liên, nơi thờ Cao Sơn Đại Vương để nhận họ.

Nhưng những dư âm của nó thì đến tận bây giờ vẫn là một câu chuyện thấm đẫm tình người của thế hệ hậu duệ trấn Nam kinh thành.


Trong những câu chuyện mà các cụ già của phường Phong Cốc, huyện Yên  Hưng, Quảng Ninh vẫn kể lại cho con cháu về thân thế và sự nghiệp của tổ tiên thì vùng đất này bắt đầu được khai phá từ năm 1434 tức là 8 năm sau khi vua Lê phá tan quân Minh và Nguyễn Trãi đọc bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên: Bình Ngô đại cáo.

Đất nước thái bình, vua Lê Thánh Tông cùng chúa Trịnh mở rộng kinh đô và cho khôi phục lại đàn Xã Tắc, một công trình quan trọng của thành Thăng Long vốn được xây dựng từ thời Lý. Việc mở rộng thành và tu sửa đàn Xã Tắc đã lấy vào phần đất của làng Kim Liên khi đó, vì vậy một phần cư dân của làng đã vâng lệnh vua đi tìm vùng đất mới lập nghiệp.

Thế cho nên bây giờ, khi nhắc lại những câu chuyện từ thời các cụ, người dân Phong Cốc vẫn vui vẻ mà nói rằng, họ có được quê hương mới là nhờ vào cuộc “giải phóng mặt bằng” đầu tiên của kinh thành Thăng Long từ cách đây 500 năm trước.
Cụ Lê Văn Cứ, Trưởng họ Lê ở Phong Cốc 

Cụ trưởng họ Nguyễn đời thứ 14 là Nguyễn Văn Vi,  năm nay 77 tuổi bảo: Trong số những cư dân ra đi ngày ấy có tất cả 17 tráng đinh bao gồm các dòng họ: Nguyễn, Vũ, Bùi, Dương, Phạm, Lê, Ngô. Tất cả những tráng đinh này bắt đầu xuống thuyền xuôi Hồng Hà.

Mất khá nhiều thời gian lênh đênh sóng nước, cho tới một ngày, thuyền tới Bạch Đằng giang gần cửa biển, họ chợt nghe thấy tiếng ếch kêu ở một hòn đảo hoang vu, hình thù như một con cốc nằm giữa ngút ngàn lau sậy.

Có tiếng ếch kêu là có nguồn nước ngọt, sau khi xem xét địa thế kỹ càng, tất cả nhất trí xuống thuyền chọn đây là vùng đất để bắt đầu lập nghiệp và lập lên xứ Bông Lưu tức xã Phong Lưu (gồm 4 thôn Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông, Trung Bản) thuộc huyện Yên Hưng như bây giờ. Tên của 17 vị tráng đinh ngày ấy vẫn được thờ tại đình Phong Cốc như những người con đất Thăng Long đi tiên phong quai đê, lấn biển.

Cụ Nguyễn Văn Vi, Trưởng họ Nguyễn ở Phong Cốc 

Đường về quê cũ

Gia phả dòng họ, thần phả của làng dù ai cũng thuộc làu làu như vậy, nhưng để có được một cuộc “nhận họ” theo đúng cách của người Thăng Long lại không hề đơn giản. Ông Bùi Minh Hoàng - Chủ tịch phường Phương Liên nhớ lại: “Năm 2004, người dân và cả chính quyền phường Phương Liên cũng hết sức ngỡ ngàng khi có một đoàn hơn 30 người gồm các bô lão của phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh mang lễ vật tới đình Kim Liên “nhận họ”.

Lúc ấy câu chuyện mới được hé mở và người dân Kim Liên mới biết rằng cách đây 5 thế kỷ, làng đã có những người con vì vâng lệnh triều đình đã phải phiêu bạt phương xa”.
Nét Kim Liên xưa ở đình Phong Cốc 

Cụ Lê Văn Cứ trưởng họ Lê nhớ lại cuộc hội ngộ ấy bằng những hồi ức tự hào: “Trong văn khấn tổ tiên của tôi được các cụ truyền lại, sau khi đọc tên 17 vị Tiên công có công mở đất, bao giờ cũng kết thúc bằng câu: “Sinh quán tại xứ Đồng Lầm, phủ Hoài Đức, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long”.

Tôi biết tổ tiên của mình là người chốn kinh kỳ, nhưng cái địa danh cổ ấy thì bây giờ không còn nữa. Thế nên, nhiều khi muốn tìm lại quê hương nhưng đành chịu”.


Cho tới năm 2004 sau một cuộc họp họ, 3 bô lão họ Lê gồm các cụ Lê Văn Cứ, Lê Công Định, Lê Công Hải mới bắt đầu công cuộc “tìm về chốn xưa”.

Ròng rã một năm trời nhờ con cháu của làng vốn sinh sống, học hành, công tác trên Hà Nội truy cứu cái địa danh “xứ Đồng Lầm” nhưng thất bại, các cụ chợt nghĩ tới một địa chỉ cuối cùng, đó là nhờ: Viện Bảo tàng Lịch sử, nơi hy vọng qua đó có thể biết được cố hương.

Và rất may, những cán bộ bảo tàng lập tức chỉ cho các cụ biết, xứ Đồng Lầm chính là ô Đồng Lầm (nay là ngã tư Kim Liên - Đại Cồ Việt) một trong 16 cửa ô của thành Thăng Long xưa, nơi cách đây 500 năm từng là đất của làng Kim Hoa (Kim Liên) cổ.
Hội làng Phong Cốc mang nét đặc trưng của đất Thăng Long 

Cuộc hội ngộ ấy mau chóng biến thành một chuyến thăm hỏi đầy xúc động và lịch sử làng Kim Liên có điều kiện viết thêm một trang về những tiền nhân của mình đã từng đi chinh phục miền đất mới.

Từ đó thành thông lệ cứ mùng 7 tháng giêng âm lịch hàng năm, khi Phong Cốc mở hội làng thì Kim Liên cử người về dự và ngày 16-3 âm lịch thì ngược lại. Việc đó được coi như truyền thống để thắt chặt thêm mối quan hệ giữa những người con cùng nơi chôn nhau cắt rốn.

Theo ANTĐ
Bình luận
vtcnews.vn