Cuộc hành xác trở lại thành phố

Thời sựChủ Nhật, 29/01/2012 11:27:00 +07:00

(VTC News) - Đường trở lại thành phố sau những ngày vui Tết đã trở thành những cuộc hành xác đối với đa phần hành khách.

(VTC News) – Sau kỳ nghỉ Tết, người dân đổ xô về Hà Nội và TP HCM. Do lượng người quá đông nên hành khách chấp nhận bị nhồi nhét. Đường trở lại thành phố sau những ngày vui Tết đã trở thành những cuộc hành xác đối với đa phần hành khách.

>> Video: Ùn ùn kéo về TP.HCM
>> Đà Nẵng: Không thể mua được vé tàu xe

Vật vã chờ xe

Suốt ngày mồng 6 Tết (28/1), bến xe Cà Mau - vùng cực Nam Tổ quốc đón trên 5.000 khách từ các huyện, thành phố trong tỉnh Cà Mau mua vé đi TP HCM và các tỉnh Đông Nam bộ.

Đến 17h cùng ngày đã có trên 3.000 người trên khoảng 180 lượt xe khách rời bến. Ước chừng gần 2.000 người đang phải vất vã chờ xe dù đã mua được vé.

Chị Trịnh Minh Châu ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh (Cà Mau) cùng em gái mua vé xe lúc 15h chiều 28/1 để trở lại làm việc ở TP HCM nhưng đến 20h cùng ngày vẫn chưa có xe đi. “Năm ngoái, chị em tôi chờ cả ngày mới có xe. Năm nay, ăn Tết dài hơn nên cứ tưởng mọi người đã về lại Sài Gòn rồi nhưng không ngờ lại tái diễn cảnh ùn ứ. Nhà xe nói khoảng 23h mới có xe đi”, chị Châu than vãn.

Về Bạc Liêu, Sóc Trăng… PV VTC News không thấy cảnh ùn ứ tại bến. Tuy nhiên, lượng khách vãng lai đón xe dù ngoài Quốc lộ 1A rất nhiều. Đến 1h sáng ngày 29/1 vẫn còn rất nhiều người tập trung ở Giá Rai, Hộ Phòng, Cái Dầy, Châu Thới (Bạc Liêu), Phú Lộc, An Hiệp, Trà Quýt (Sóc Trăng), Ngã Bảy (Hậu Giang), Cái Vồn (Vĩnh Long)… đón xe dù về TP HCM nên bị nhà xe “chém đẹp”với giá gấp đôi.

Hàng ngàn người chờ xe  ở Bến xe Cà Mau dù đã mua được vé về TP HCM. Ảnh: Diễm Hằng 
Ông Bảy Long ở thị trấn Hộ Phòng than: “Ngày thường đi TP HCM chỉ mất 150.000 đồng/người. Tết tăng giá thêm chừng 50.000 đồng/người là vừa nhưng xe hét giá đến 300.000 đồng/người nên cha con tôi phải tốn 600.000 đồng để trở lại TP.HCM. Biết là mắc nhưng nếu không đi chắc phải ngồi chờ xe tới sáng mất”.

Đúng như nhận định của ông Bảy Long, đến 5h sáng 29/1, vẫn còn nhiều người miền Tây chưa đón được xe đi TP HCM dù đã chờ suốt đêm.

Trong ngày 28/1, tình trạng kẹt xe cũng tái diễn tại cầu Kinh Xáng và cầu An Hữu qua địa bàn tỉnh Tiền Giang. Gần 100 cảnh sát được Công an Tiền Giang điều động đóng chốt tại các điểm “nóng” của huyện Cai Lậy, Cái Bè và Châu Thành để giải phóng xe bị kẹt cứng kéo dài 2-3km ở cầu Kinh Xáng và An Hữu.

Ùn tắc kéo dài ở QL 1A

Ngày 29/1 được xem là ngày cuối sau một tuần vui Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, do vậy, nhiều người dân miền Tây đón xe khách, lái xe máy trở lại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… khiến Quốc lộ 1A bị kẹt xe ở nhiều nơi.

Ùn tắc nghiêm trọng nhất là đoạn qua cầu Mỹ Thuận vào địa bàn tỉnh Tiền Giang. Ước tính có hàng ngàn phương tiện phải nhích từng tí để qua cầu An Hữu ở huyện Cái Bè.

Tại ngã tư Cai Lậy nằm trên địa bàn thị trấn Cai Lậy và cầu Kênh Xáng của huyện Châu Thành (Tiền Giang) cũng xảy ra kẹt xe tương tự trong ngày mùng 7 Tết. Do cầu Kênh Xáng hẹp, xe máy đổ về hướng TP HCM quá nhiều nên kẹt xe kéo dài khoảng 5km.

Ông Trần Hữu Bình, tài xế tuyến Cần Thơ - TP HCM cho biết, bình thường, xe qua địa bàn các huyện trên Quốc lộ 1A địa bàn tỉnh Tiền Giang mất hơn 1 giờ. Tuy nhiên, trưa ngày 29/1, do kẹt xe nên từ cầu Mỹ Thuận lên đến đường cao tốc Trung Lương – TP HCM, ông Bình phải lái xe mất gần 3 giờ.

Trong khi đó, suốt ngày mùng 7 Tết, tại bến xe Cà Mau có đến khoảng 6.000 người đến mua vé về TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu… Đến khoảng 15h cùng ngày, hầu hết mọi người đều có vé nhưng phải vật vã ngồi chờ xe đến rước.

Trong đó, không ít người cầm vé chuyến 23h đêm.

Rời bến xe Cà Mau, từ chợ Tắc Vân cách Cà Mau hơn 10km chạy dài sang địa bàn tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, theo quan sát của PV có rất nhiều người đón xe bên ngoài về TP HCM dù giá tăng gấp đôi so với ngày thường.

Nhưng không phải ai cũng đón được xe do hầu hết xe khách chạy hướng Cà Mau về TP HCM đều “cứng” khách.

Theo ghi nhận của phóng viên VTC News, những chiếc “xe dù” đón khách dọc theo Quốc lộ 1A thu tiền từ 300.000 -320.000 đồng/người để đi từ Tắc Vân, Bạc Liêu, Sóc Trăng về TP HCM trong khi ngày thường chỉ 160.000-170.000 đồng.


K
hốn khổ trở lại Thủ đô


Chiều 29/01 (mùng 7 Tết Âm lịch),  PV VTC News có mặt tại các bến xe lớn trong nội thành Hà Nội để ghi nhận không khí quay trở lại Thủ đô làm việc của người dân từ khắp các tỉnh thành đổ về trong ngày cuối cùng nghỉ lễ.

Trước cửa bến các bến xe lượng người đổ về Thủ đô đã đông lên rất nhanh.

Tại bến xe Mỹ Đình, số lượng hành khách quay trở lại sau dịp Tết rất đông, trong bến xe cũng như các tuyến đường ngoài bến hành khách xuống xe đứng chật kín hai bên đường.

Chị Mai Ánh Hồng, nhân viên công ty TNHH TCT đi tuyến Cao Bằng – Mỹ Đình cho biết: “Khi mới bắt đầu xuất bến, các lái xe vẫn chấp hành nghiêm chỉnh qui định của bến xe là xếp khách đủ chỗ ngồi, nhưng khi xe chạy trên đường thì họ vẫn tự nhiên đón thêm khách. Nhiều hành khách phải ngồi chen chúc nhau trên xe rất khó chịu và mệt mỏi nhưng ai cũng muốn nhanh xuống Hà Nội sớm để nghỉ ngơi rồi kịp đi làm nên đành tặc lưỡi.

Bên ngoài các bến xe, hành khách mệt mỏi chờ xe buýt, taxi, và người thân đến đón về nhà.

Anh Hoàng Minh Lam, đi tuyến Cẩm Phả - Mỹ Đình cũng gặp phải tình trạng “nhồi nhét” khách bức xúc thuật lại: “Nhiều người trên chuyến xe của mình còn phải đứng suốt cuộc hành trình rất mệt mỏi, hành khách kêu than thì lái xe chỉ bảo là mấy ngày Tết khách đông nên thông cảm!”

Nhiều lái xe ở bến Mỹ Đình từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng “nhồi nhét” thêm khách và khẳng định là xe chỉ xếp đủ chỗ ngồi rồi đi thẳng tuyến về Hà Nội, mặc dù có rất nhiều hành khách vừa xuống xe phản ánh rằng xe này đã chở thêm người, vượt quá quy định.

Mệt mỏi, vật vờ chờ xe 

Trong khi đó, tại bến xe khách Giáp Bát (Hoàng Mai) lượng hành khách đổ về Hà Nội cũng rất đông. Nhiều hành khách xuống xe chờ người nhà hoặc chờ taxi đã tràn cả ra phía mặt đường Giải Phóng trước cửa bến xe.

Theo phản ánh của một số hành khách xuống xe tại bến xe Giáp Bát, tình trạng "nhồi nhét" khách ở bến xe xảy ra phổ biến.

“Một vài người trong số chúng tôi đã phải nằm chen lên nhau vì nhà xe xếp thêm khách do hết giường nằm. Trong suốt quãng đường đi từ Hà Tĩnh ra Hà Nội tôi trở người không nổi. Người tôi giờ đau nhừ và rất mệt mỏi. Nhưng cũng đành phải chịu thôi, vì ngày hôm nay hầu như xe nào cũng vậy.” – một hành khách đi tuyến Hương Sơn (Hà Tình) – Hà Nội cho biết.

Thậm chí, hành khách đi trên một số tuyến ở đây lại bị "chặt chém" về giá vé cao hơn so với ngày thường.Chị Lê Thị Hà, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền đi tuyến xe Bình Lục (Hà Nam) lên Hà Nội đã ngả ngửa khi giá vé xe tăng lên gần gấp đôi so với ngày thường. Giá vé hàng ngày theo chị là 30.000 đồng/người nhưng hôm nay chị đi đã phải trả giá vé là 50.000 đồng/người.

Đường phố Hà Nội đã bắt đầu đông đúc trở lại.

Anh Nguyễn Văn Hùng, Sinh viên Đại học Bách Khoa cũng đi tuyến xe từ Hòa Hậu (Hà Nam) lên Hà Nội và cũng bị thu tiền giá vé cao hơn so với giá vé qui định 10.000 đồng/người. Theo anh Bình, đây cũng là tình trạng chung ngày Tết mà nhiều khi đi xe hành khách cũng "đều phải chấp nhận".

Hôm nay là ngày cao điểm nhất người dân đổ về Hà Nội để đi làm nên các tuyến đường trong nội thành sẽ khó tránh khỏi tình trạng ùn tắc tại các bến xe và nhiều hành khách không nhanh chân có thể sẽ không có xe để kịp lên Hà Nội.

Trao đổi với PV, đại diện các bến xe trên đều khẳng định: Đối với những xe nào “nhồi nhét” và thu tiền vé xe của hành khách vượt so với giá vé quy định bị hành khách phản ánh trực tiếp, Ban quản lý bến xe sẽ tiến hành từ chối phục vụ xe đó đón trả khách tại bến và sẽ có biện pháp xử phạt hành chính với chủ xe.

Nguyễn Dũng - Anh Tuân - Diễm Hằng

Bình luận
vtcnews.vn