Cuộc giành giật xác người với bầy hổ đói ở Mường Lát

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 05/01/2013 06:51:00 +07:00

(VTC News) - Nỗi ám ảnh lớn nhất của người dân Co Cài là cuộc chiến khốc liệt với đàn hổ đói hung dữ bên dòng suối Lý, để giành giật một… xác người.

(VTC News) - Mấy trăm năm sống giữa thiên nhiên hoang dã và khắc nghiệt, nỗi ám ảnh lớn nhất của người dân Co Cài có lẽ là cuộc chiến khốc liệt với đàn hổ đói hung dữ bên dòng suối Lý, để giành giật một… xác người.


Kỳ 4: Đàn hdớp xác người

Ông Ngân Văn Cảnh khoát một vòng tay ra bốn phía, nói: “Trước đây, toàn bộ vùng đồi núi này vốn thuộc đất Mường Lý cũ, giáp với đất Mường Ánh, Mường Tuồng, Mường Ca Da... Mường Lý là tên đặt theo dòng suối Lý, tiếng Thái nghĩa là khôn ngoan. 
Những bản làng đông đúc nhất của Mường Lý trước đây vốn nằm bên dòng suối Lý, chứ không phải bên tả ngạn sông Mã như hiện nay. 
Người đứng đầu Mường Lý là tổ tiên đằng vợ tôi, dòng họ Hà người Thái. Các cụ truyền đời nhau làm tạo mường. Đến khoảng năm 1945 thì truyền đến bố vợ tôi là ông Hà Văn Vượng cai quản”. 
Sông Mã, đoạn chảy qua Mường Lý  
Thời trước, lang đạo xứ này có những quyền lợi rất lớn trong mường của mình. Ai muốn phát rừng làm rẫy, phải được tạo mường cho phép. 
Tạo đặt lệ, cứ vào cuối tháng 5 (theo âm lịch) người dân mới được vào rừng lấy măng, nhưng chỉ hái lứa đầu và lứa thứ tư và cấm ngặt việc hái măng luồng, măng tre. 
Chuyện săn bắn cũng quy định rất nghiêm ngặt, nếu săn bắn được hổ, phải nộp xương và râu, được gấu phải nộp xương, nộp mật, được nai phải nộp lộc nhung, được lợn lòi, hoẵng thì phải nộp một đùi và một miếng thăn cho lang đạo. 
Tiếp đó, phần thịt còn lại phải chia phần nhiều cho người có công nhiều, chia ít cho người có công ít. Xuống sông, ra suối bắt được cá lớn hơn 10kg thì phải nộp cho tạo, cá nhỏ hơn thì mới được quyền sử dụng. 
Ai làm sai, tạo mường sẽ tuỳ theo lỗi nặng nhẹ mà phạt vạ từ một đến 3 nén bạc, kèm theo rượu thịt, thậm chí nọc cổ ra đánh đòn.
Góc núi mù sương, nhìn từ bản Co Cài 
Theo hồi ức của những người già ở Mường Lý, ông Hà Văn Vượng là một lang đạo tốt, được người dân các bản rất quý trọng. Ông Vượng sớm được giác ngộ cách mạng nên tham gia giúp đỡ rất nhiều cho các cán bộ Việt Minh hoạt động chống Pháp trên địa bàn, đặc biệt là đoàn quân Tây Tiến. 
Thực dân Pháp biết uy tín của ông ở vùng này, nhiều lần dụ dỗ, đe dọa không được nên quyết định phải giết ông Vượng để trừ hậu họa. 
Một ngày cuối Đông năm 1949, một toán lính Pháp do lính Lô cô (người Việt) dẫn đường ập đến bản, xông thẳng vào ngôi nhà sàn của ông Hà Văn Vượng. Chúng giương súng hò hét đòi bắt trói chủ nhà vì tội “làm phản”. 
Lùng sục mãi không thấy bóng dáng đàn ông nào trong nhà, chúng quát lác ầm ĩ, bắt lợn gà làm thịt rồi lên nhà sàn ngồi đánh chén. Lại cấm đàn bà đi ra khỏi bản báo tin, quyết chờ bắt bằng được ông Hà Văn Vượng.
Trưởng bản Ngân Văn Cảnh hồi ức về cuộc chiến của người Co Cài với bầy hổ dữ 
Hồi lâu, đám lính Lô cô dẫn đến một người đàn ông khai tên là Hà Văn Vượng. Đưa ảnh ra soi mặt mũi thấy đúng, bọn Pháp trói gô ông lại, dẫn đi.
Đến bờ suối gần bản, chúng kể tội “tên Vượng làm phản, dám cấp muối gạo, che giấu và dẫn đường cho Việt Minh hoạt động chống lại người Pháp…”. Sau khi xả súng sát hại người đàn ông, chúng quẳng xác tại bìa rừng rồi lục tục kéo đi.
Bà con dân bản còn đang hoang mang chưa biết làm gì thì bỗng thấy ông Hà Văn Vượng từ đâu tất tả trở về bản. Nghe kể lại chuyện, ông Vượng vật mình khóc ầm lên. 
Thì ra, người xưng tên là Vượng rồi bị giết chính là em trai giống ông như đúc, tên là Hà Văn Ba. 
Mọi người cùng theo ông Vượng bổ đi tìm xác ông Ba. Đến bìa rừng, nghe tiếng hổ gầm gào ầm ĩ, một người trèo lên ngọn cây cao nhìn sang, rồi nói: “Có một đàn hổ đang tranh nhau ăn thịt người bên suối”. 
Ông Vượng lập tức dẫn đầu một đám đàn ông gan dạ mang dao gậy cung tên, vừa đánh chiêng trống vừa hò hét trợ oai, tiến ra bờ suối.
Trẻ em Mường Lý nhiệt tình giúp khách vượt dốc 
Đàn hổ nghe thấy tiếng động lớn thì giật mình chạy vót vào rừng, bỏ lại xác người không còn nguyên vẹn của ông Ba bên bờ suối. Ông Vượng chạy đến ôm xác em chỉ trời trách đất, kêu khóc thảm thiết, khiến ai nghe thấy cũng rỏ nước mắt cảm thương. 
Bà con đang cẩn thận thu nhặt những phần thi thể còn lại của người xấu số, bỗng lại nghe tiếng gầm dữ dội của mãnh thú. Từ bìa rừng, những con hổ dữ say mồi đang vây quanh đám người. 
Không ai kịp nhìn rõ xem có bao nhiêu con hổ, chỉ biết chúng khá đông và đang gầm “ù uồm” liên tục để đe dọa. Có vẻ như bầy thú không cam tâm bỏ đi miếng mồi ngon, cứ chờn vờn tiến lại. 
Giá chỉ có một hai con hổ dữ thì đám trai tráng dạn dày rừng núi lăm lăm vũ khí trong tay không việc gì phải sợ. Nhưng chúng đông quá, thấp thoáng phía xa còn những tấm thân lượn sóng của hổ già, to như con bò đực.
Không sớm thoát khỏi vòng vây, khi chúng ngửi thấy mùi hơi người mà kéo đến đông hơn thì cả đoàn người sẽ gặp nguy hiểm. Rất có thể chúng sẽ liều lĩnh xông đến vồ người.
Ông Vượng hạ lệnh cho mọi người cùng tựa lưng vào nhau thành một vòng tròn, cầm chắc tay dao, hướng giáo mác ra ngoài. Rồi chầm chậm từng bước một, nhóm người thận trọng thoát khỏi vòng vây của bầy mãnh thú. 
Cúi đầu trở về bản, những người dân Co Cài đều không ai cam tâm để một người tốt chịu kết cục thảm khốc như vậy. Họ tập hợp lại đông hơn, cung cứng giáo dài, quyết tâm đối mặt với đàn hổ dữ để giành giật lại thi thể của người quá cố.
Lúc bấy giờ trời đã xẩm tối, hầu hết đàn ông trai tráng của bản đều tập trung trước sân nhà ông Vượng. Họ đốt đuốc sáng rực trời rồi chuyền tay nhau mỗi người dốc cạn một bát rượu để lấy thêm dũng khí. Tiếng khóc ỉ ôi của đám đàn bà trong gầm nhà sàn bị tiếng chiêng trống hùng tráng làm cho im bặt. 
Đoàn người tiến thẳng tới bìa rừng, nơi có đàn hổ dữ đang hành hạ người thân bên dòng suối Lý. Nỗi đau làm họ thêm can đảm, tiếng hổ gầm dữ tợn không còn làm ai sợ hãi nữa. Những mũi tên vun vút phóng qua bờ suối. Tiếng hổ gầm gào vang dội cả cánh rừng, nhưng thưa dần và mất hẳn. Bầy hổ dữ đã phải liếm mép bỏ đi. 
Người dân vội vã nhặt nhạnh những phần xương thịt còn lại của ông Hà Văn Ba đem về bản. Mấy người già cẩn thận lội xuống suối vớt luôn chiếc áo chàm rách nát đẫm máu đang vướng vào một cành cây dại phất phơ.
Lê Quân
Bình luận
vtcnews.vn