'Cuộc đua' vào lớp 10 tại Hà Nội: Phụ huynh đứng ngồi không yên với nỗi lo 'dân lập'

Giáo dụcThứ Hai, 03/06/2019 07:00:00 +07:00

Được đánh giá là gay go, khốc liệt hơn cuộc thi THPT Quốc gia 2019, kỳ thi vào lớp 10 khiến phụ huynh lo lắng, mong mỏi con em mình có thể đỗ NV1, NV2 công lập.

Sáng 3/6, thí sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội tiếp tục thi hai môn Ngoại ngữ và Lịch Sử. Từ sớm các phụ huynh đã đưa con đến điểm thi. Họ là những người luôn đồng hành cùng các em trong suốt quá trình ôn luyện. Khi thí sinh vào phòng thi, thì bên ngoài phụ huynh lo lắng sốt ruột không kém.

Chia sẻ với VTC News, nhiều phụ huynh cho biết, đây là kỳ thi khốc liệt, có tỷ lệ chọi rất cao, có thể nói căng thẳng hơn cả kỳ thi THPT Quốc gia.

Con căng thẳng 1, mẹ căng thẳng 10

Chị Nguyễn Thị Phương (Thạch Bàn, Gia Lâm) cho biết, để chuẩn bị kỳ thi này, con chị phải học thêm rất nhiều. Ngày nào con cũng từ sáng đến khuya và kín tuần. Trong 4 môn thi, con đều tập trung ôn kỹ lưỡng.

Con học áp lực, nhưng bố mẹ cũng lo lắng chẳng kém. Nhưng bên ngoài bố mẹ phải tỏ ra tự tin và dành trọn sự tin tưởng ở con. "Biết sự ảnh hưởng từ gia đình là rất lớn, vợ chồng tôi luôn tỏ ra lạc quan và động viên con cố gắng", chị Phương cho biết.

Con trai chị Phương đăng ký NV1 trường THPT Phan Đình Phùng và NV2 lựa chọn vào trường THPT Tây Hồ.

Do kỳ thi diễn ra vào ngày chủ nhật và sang ngày thứ 2, nên chị xin nghỉ làm đưa con đi thi. "Nếu không may con có cần gì, ra khỏi phòng thi không thấy mẹ đâu thì sao? Đi làm cả năm, cả đời, còn với con đây là kỳ thi quan trọng, chẳng nhẽ không xin nghỉ được vài ngày”, chị Phương nói.

Dù con trai cảm thấy khá thoải mái và tự tin với môn Sử, nhưng chị Mai Anh (quận Tây Hồ) lại hoang mang khi học sinh phải thi tận 4 môn, bởi ngoài những kiến thức cơ bản vẫn còn những câu mở rộng, nâng cao và chắc chắn có những phần đánh đố học sinh. 

Bắt đầu cho con học trường dân lập quốc tế từ cấp 1 cho đến hết cấp 2, nhưng đến cấp ba, gia đình chị Mai Anh quyết định để con thi trường công lập. Để tâm lý vững vàng, chị từng đưa con đi thi thử mấy lần, nhưng con vẫn nói: "Mẹ ơi con lo lắm". 

phu-huynh-lo-lang

Phụ huynh đợi con trước cổng trường thi sáng 2/6. 

Chị Phạm Thị Kim Anh (Thành Công, quận Ba Đình) cho biết thường xuyên phải đi công tác nên việc học con gái phải chủ động hoàn toàn. "Có đêm cháu ôn bài đến 1 giờ sáng mới đi ngủ, lúc ấy bố mẹ phải nhắc nhở con nên đi ngủ, mai học tiếp. Nhưng có lẽ vì lo lắng nên cháu chưa đi ngủ ngay, thấy vậy chúng tôi cũng chỉ biết động viên con", chị Kim Anh nói. 

Ngoài THPT Phan Đình Phùng, con chị Kim Anh đăng ký thêm Chuyên Ngoại ngữ, còn NV2 là THPT Nguyễn Trãi.

Khuôn mặt xót xa, chị Quế Hà (quận Ba Đình) cũng chia sẻ lo lắng khi con chị đang bị sốt mà vẫn phải làm bài thi. Chị cho rằng, mới năm đầu tiên thi 4 môn mà chọn môn Sử thì hơi nặng với các con. Theo chị, chỉ nên thi ba môn Toán, Văn, Anh là hợp lý, đó là ba môn xuyên suốt quá trình học, đến cả sau này.

Môn Lịch sử nên khoanh vùng lại để các con học, vì phạm vi kiến thức quá rộng cả lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam khiến các con học rất mệt.

Nỗi lo trường dân lập 

Cho rằng cấp 3 dân lập có nhiều trường tốt, nhưng theo chị Nguyễn Thị Phương (Thạch Bàn, Gia Lâm), không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế tốt, nên việc đưa con vào học không khả quan. Trong khi đó, học công lập ở các trường tốp cao thì cơ hội vào cánh cổng vào đại học cũng cao hơn.

"Tôi nghĩ phụ huynh nào cũng mong muốn con đỗ vào trường công; trường dân lập là lựa chọn cuối cùng", chị Phương nói.

phu-huynh-hoc-sinh 4

 Phụ huynh đồng hành cùng con em trong kỳ thi có sức cạnh tranh khốc liệt.

Đồng tình quan điểm trên, chị Phạm Thị Kim Anh (Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ, chị chỉ muốn con thi vào công lập, bởi trường dân lập thường dành cho học sinh có lực học không quá xuất sắc, dẫn đến môi trường học tập bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, học phí đắt đỏ cũng là vấn đề gây trở ngại.

Chị Nguyễn Thị Nhung (Ba Đình, Hà Nội) cũng không muốn con trai học dân lập. "Nhiều gia đình người quen của tôi tìm mua hồ sơ tại các trường dân lập để đề phòng, nhưng tôi thì không, bởi không những học phí đắt mà môi trường học ở dân lập tôi nghĩ không thể như công lập", chị Nhung cho hay.

"Bất khả kháng lắm, kiểu học tài thi phận thì gia đình đành chấp nhận học dân lập, và khi đó chúng tôi sẽ nghĩ đến những trường chất lượng như Lương Thế Vinh, Tạ Quang Bửu....", chị Nhung nói.

Hiện gia đình vẫn quyết định không mua hồ sơ tại các trường dân lập, vì điều này đồng nghĩa với việc không tin tưởng con và tâm lý của con sẽ bị ảnh hưởng.

Hà Nội có 85.870 thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập (tính cả thí sinh được xét tuyển thẳng). Tổng chỉ tiêu vào các trường công lập và công lập tự chủ là 67.230, trường ngoài công lập là 21.820. Số còn lại phải học dân lập với mức học phí cao hơn hẳn, hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, học nghề.

Ngày 2/6, thí sinh thi hai môn Ngữ văn và Toán với hình thức tự luận trong thời gian 120 phút.

Ngày 3/6, thí sinh tiếp tục bài thi môn Lịch sử, Ngoại ngữ.

Các thí sinh đăng ký thi tuyển vào các trường THPT chuyên thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội làm bài thi trong ngày 3 và 4/6.

Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn