Cuộc chơi sòng phẳng, sao kinh tế Việt Nam phải 'thoát' Trung?

Kinh tếThứ Năm, 26/06/2014 12:00:00 +07:00

(VTC News)– Chuyên gia kinh tế nói rằng: Việt Nam đang làm ăn với Trung Quốc một cách rất cạnh tranh, sòng phẳng, theo quy luật thị trường, cả 2 đều có lợi ích.

(VTC News) – Chuyên gia kinh tế cao cấp nói rằng: Việt Nam đang làm ăn với Trung Quốc một cách rất cạnh tranh, sòng phẳng, theo quy luật thị trường, cả hai đều có lợi ích.

Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam đang tạo ra sự căng thẳng không chỉ trên phương diện chính trị mà lĩnh vực kinh tế cũng đang chịu những tác động lớn. Có nên tìm cách "thoát Trung" hay không đang là vấn đề được bàn thảo rất nhiều.
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã trả lời phỏng vấn VTC News xung quanh vấn đề này
- Căng thẳng trên biển Đông đang tác động đến kinh tế Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế quản lý kinh tế Trung Ương 
Việt Nam bị ảnh hưởng khá nhiều về kinh tế, đặc biệt là sau những vụ bạo loạn, gây rối tại các doanh nghiệp ở Bình Dương, Hà Tĩnh hồi tháng 5. Không chỉ thiệt hại trực tiếp, những ảnh hưởng gián tiếp như về thị trường tài chính, chứng khoán, rồi du lịch… đều khá rõ.
Tuy nhiên cái lớn nhất mà chúng ta đang rất mệt mỏi là niềm tin của nhà đầu tư. Cá nhân tôi tham gia vào rất nhiều các cuộc trao đổi với các DN nước ngoài. Câu hỏi của các nhà đầu tư là bây giờ tình hình biển Đông sẽ tiến triển thế nào?
Như vậy ảnh hưởng rõ nhất là niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài. Đa số các nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi. Số liệu giải ngân theo cam kết có xu hướng giảm,cho thấy tâm lý chờ đợi xu thế như thế nào. 
- Theo nhận định của ông, liệu Trung Quốc có tạo ra một cuộc ‘rút lui’ đồng loạt, hay nói cách khác là sẽ gây hấn nặng nề với Việt Nam về mặt kinh tế?
Tất nhiên chúng ta cũng tính đến trường hợp xấu nhất. Tuy nhiên khả năng có những gây hấn lớn, nặng nề là không cao. 
Bởi, thứ nhất, như tôi đã nói, quan hệ Việt Nam –Trung Quốc gắn nhiều nước khác, tập đoàn lớn khác chứ không chỉ riêng Việt Nam. Như vậy nếu gây hấn với Việt Nam, Trung Quốc sẽ động vào lợi ích với nhiều nước khác.
 

Nếu gây hấn với Việt Nam, Trung Quốc sẽ động vào lợi ích với nhiều nước khác.

 
Thứ hai, tuy rằng đứng về lợi ích của Việt Nam khi làm ăn với Trung Quốc là có nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc không có lợi ích. Ví dụ, Trung Quốc xuất khẩu vải sang Việt Nam, mỗi năm thu về hàng tỷ USD, chỉ tính 10% lợi nhuận, thì Trung Quốc thu hàng trăm triệu USD.

Trong khi đó, sợi Việt Nam xuất sang Trung Quốc có giá rẻ hơn sợi Trung Quốc. Hơn nữa, hiện nay hàng trăm nghìn công nhân Trung Quốc đang làm tại các nhà máy vải xuất sang Việt Nam… Rõ ràng là Trung Quốc đang có rất nhiều lợi ích về mặt kinh tế khi quan hệ với Việt Nam.
Cái thứ 3, việc gây hấn, trả đũa còn là câu chuyện pháp lý. Trung Quốc là thành viên WTO, Trung Quốc đã cam kết với ASEAN, không chỉ với Việt Nam. TQ không dễ gì bằng con đường chính thức mà phá bỏ các cam kết.

Theo bạn, Việt Nam nên làm gì với giàn khoan trái phép Trung Quốc

  • Kiên trì dùng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư buộc rút giàn khoan
  • Kết hợp đấu tranh pháp lý và đấu tranh ngoại giao
  • Kiện ra tòa án quốc tế
  • Tuyên truyền cho người Trung Quốc hiểu thực chất vấn đề
  • Ý kiến khác (comment ở cuối bài)
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Thứ 4, cả thế giới sợ sự trỗi dậy không hòa bình của Trung Quốc. Lợi ích của Trung Quốc gắn với rất nhiều bên. Gây hấn với Việt Nam, dù là đúng, dù thế giới đứng trung lập thì họ vẫn nhìn tổng thể chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc rất thận trọng. Như vậy Trung Quốc phải đối mặt với  nhiều nước chứ không chỉ Việt Nam. Vì lý do đó, tôi cho rằng hành vi gây hấn ồ ạt quá mức không phải dễ đối với Trung Quốc. 
- Nhưng rõ ràng căng thẳng trên biển Đông đang khiến Việt Nam bị ảnh hưởng khá lớn, đặc biệt là về kinh tế, thưa ông?
Tất nhiên đây là thách thức, là thời điểm có những cái khó khăn. Nhưng thời cơ cũng không phải không có.
Vấn đề là làm sao Việt Nam phải có mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc theo nguyên tắc thị trường, theo nguyên tắc hội nhập... Tất nhiên để giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc thì cơ bản vẫn là năng lực cạnh tranh của Việt Nam. 
- Nhiều người cho rằng do kinh tế Việt Nam lâu nay quá lệ thuộc vào Trung Quốc nên khi có ‘biến’ trên biển Đông, chúng ta mới bị động như thế?
Tôi không thích những từ như "lệ thuộc". Nghe từ đó như có gì đó hơi sợ hãi. Phải bình tĩnh, không quá sợ hãi…
 

Chúng ta đang làm ăn với Trung Quốc một cách rất cạnh tranh, theo quy luật thị trường. Rất sòng phẳng, Trung Quốc cũng có lợi ích, mà Việt Nam cũng phải thấy lợi ích mới chơi.

TS. Võ Trí Thành
 
Thực tế, hiện nay, chúng ta đang làm ăn với Trung Quốc một cách rất cạnh tranh. Sự cạnh tranh theo quy luật thị trường. Rất sòng phẳng, Trung Quốc cũng có lợi ích, mà Việt Nam cũng phải thấy lợi ích mới chơi. Thế nên ở đây không nên dùng từ "lệ thuộc”.
- Khi xảy ra căng thẳng trên biển Đông, việc giao thương với Trung Quốc có chững lại, nhiều người cho rằng đây là thời cơ để chúng ta bớt lệ thuộc vào Trung Quốc. Việc tìm cách “thoát Trung” đang được đặt ra khá cấp thiết. Ở góc độ kinh tế, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Tôi thực sự không muốn dùng từ “thoát Trung” về mặt kinh tế. Cá nhân tôi cho rằng nếu nói thoát Trung mà thoát lối mòn về tư duy, suy nghĩ thì được. Còn đứng về kinh tế thì không có lý do gì phải tìm cách “thoát Trung”.
Thế giới này như tôi đã nói, nó là mạng, là chuỗi kinh tế. Chúng ta có thể thấy, không có bất kỳ chữ Đài Loan nào trong một sản phẩm nào đó. Trung Quốc nhập từ Malaysia, lắp ráp tại Trung Quốc. Nhưng Malaysia lại nhập từ Đài Loan, trong đó cứ 100 đồng GTGT, thì Đài Loan kiếm được 20%, mặc dù không có tên trong xuất nhập khẩu Trung Quốc. Như vậy Đài Loan vẫn gián tiếp có trong sản phẩm này. 

Rõ ràng đó là cả thế giới liên quan với thị trường khổng lồ là Trung Quốc, chơi với Trung Quốc chứ không riêng Việt Nam.
Đứng về mặt quan hệ kinh tế, chữ “thoát” không đầy đủ và nghe có vẻ giống chữ “lệ thuộc”, có vẻ hơi sợ hãi, thiếu lý trí. Vấn đề là ta chơi với Trung Quốc nhưng chơi làm sao để giá trị gia tăng ngày càng gắn với mình hơn, mình được nhiều hơn. Vấn đề là cạnh tranh thôi.
Cuộc chơi trên mặt trận kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc là cuộc chơi sòng phẳng, cả 2 bên đều có lợi ích (Ảnh minh họa giao thương tại cửa khẩu Việt - Trung) 

Quan hệ với Trung Quốc là quan hệ đầy thách thức, cho nên phải chơi một cách thông minh, đàng hoàng, đặc biệt là phải rất rõ ràng, chắc chắn về mặt pháp lý. 
- Hiện có nhiều ý kiến cho rằng do hàng Trung Quốc giá rẻ, mẫu mã đẹp nên dù biết rõ chất lượng kém nhưng nhiều người tiêu dùng Việt Nam vẫn rất mê. Đó là sự “phụ thuộc” tự nhiên nên việc tìm cách để “thoát Trung” như hiện nay là vô nghĩa. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Dùng từ “vô nghĩa” là không hẳn mà nên hiểu nó theo cách khác.

Tôi nhớ từ cách đây 2 năm, khi trả trả lời báo chí tôi đã nhấn mạnh rằng làm ăn với Trung Quốc trước hết là phải có cái đầu, mặc dù dũng cảm là rất tốt nhưng quan trọng vẫn phải dùng cái đầu, phải rất lý trí và tỉnh táo mới không lo bị động.
Còn việc nói phụ thuộc vào Trung Quốc có phải là tự nhiên hay không? Dùng từ như thế có thể chưa hoàn toàn chuẩn xác, nhưng thực tế gần đúng như vậy. 
Ở đây chúng ta phải biết sức mạnh của thị trường. Chúng ta có thể rất ghét hàng Trung Quốc nhưng phải tự hỏi tại sao hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam vẫn làm ăn cùng Trung Quốc? Nó là sức mạnh thị trường. Tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta làm gì thì làm nhưng phải hiểu sức mạnh của kinh tế thị trường thì mới thấy mọi việc không quá đáng lo ngại.

Xin cảm ơn ông!

Lan Uyên (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn