Cuộc chiến Vị Xuyên: Chuyện chưa kể về một đơn vị bí mật trên điểm cao 772

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 20/09/2016 07:00:00 +07:00

Chúng đã giăng sẵn những cạm bẫy để dụ quân mình vào, chúng tôi hành quân nhanh gọn và quyết đoán, hoàn toàn bí mật, chúng không thể phát hiện ra là có một đội hình phục sẵn ngay yết hầu của chúng và sẵn sàng nhả đạn.

Ngày 28/4/1984 trên mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), quân Trung Quốc được chi viện thêm hỏa lực và đạn pháo, bắn kiểu nhà giàu không tiếc của, liên tục tấn công vào các trận địa phòng ngự của ta sát biên giới hai nước.

Do tương quan lực lượng chênh lệch, đến ngày 30/4/1984, Trung Quốc đã chiếm được các điểm cao 1509, 772, 685, các bình độ 300 – 400, 226, 233. Ta phải lùi xuống những vị trí thấp hơn để tiếp tục phòng ngự và chiến đấu.

Cuối tháng 6/1984, Quân khu 2 quyết định mở chiến dịch mang bí danh MB84, tiến công nhằm giành lại những điểm cao đã bị quân Trung Quốc chiếm đóng. Trong đó, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 là mũi tiến công chủ lực lên cao điểm 772.

Rạng sáng 12/7/1984, tất cả các hướng tiến công ở chiến trường Vị Xuyên đồng loạt nhả đạn. Nhưng, một phần do công tác chuẩn bị, nắm tình hình và đánh giá đối phương chưa đúng, cộng với sự bất lợi về địa hình, hỏa lực quân Trung Quốc quá dày đặc, đạn pháo như mưa, cho nên các cánh quân không thể chiếm lại được các điểm cao như kế hoạch đã đặt ra.

Ít người biết, đã có một đơn vị bí mật đã kéo vào và án ngữ ngay một vị trí quan trọng trên cao điểm 772, ém quân suốt 1 ngày 1 đêm trước khi được lệnh rút ra ngoài nhận nhiệm vụ khác. Đơn vị ấy là Trung đội 1, Đại đội 7, tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356. Chỉ huy trưởng là ông Thái Khắc Ba (Tân Kỳ, Nghệ An).

Cựu binh Thái Khắc Ba giờ đã nghỉ hưu, trở về với thú vui đồng ruộng. Thời còn chiến đấu ở Vị Xuyên, ông tham gia cả trận kịch chiến với quân Trung Quốc trên “Lò vôi thế kỷ” – cao điểm 685 và bị thương nặng. Nhắc lại những ký ức cũ về lần chỉ huy đơn vị tiến lên 772 trong chiến dịch MB84 năm xưa, ông không dấu nổi vẻ tự hào.

IMG_6300

 Cựu binh Thái Khắc Ba 

Đúng 14h 30’ ngày 12/7/1984, đơn vị của ông Ba nhận được lệnh của trung đoàn tiến lên đánh chiếm đồi Cây Xanh (hay còn gọi là mỏm Yên Ngựa, nằm phía tây bắc điểm cao 772). Theo ông Ba, đây là vị trí vô cùng quan trọng trong tác chiến, vì nếu địch tiếp viện lên 772, hoặc rút chạy, phần nhiều chúng sẽ đi qua khu vực ấy.

Video: chiến tranh biên giới phía bắc

“Đến chân đồi Cây Xanh, quân số đã tập trung đầy đủ và an toàn. Lúc này pháo 2 bên đã nổ ran khắp cả một vùng tác chiến. Phía sau đội hình vận động của chúng tôi lúc đó cũng bị nhiều loạt pháo bắn phá. Phía trước là một rừng vầu còn tươi xanh chưa hề có dấu vết qua lại, điều đó khiến tôi vô cùng ngỡ ngàng”, cựu binh Thái Khắc Ba chia sẻ.

Không kịp hội ý với cấp trên, ông Ba cùng với 2 đồng đội nữa tiến vào rừng, thăm dò quan sát trước khi cho đơn vị vượt qua. Mới đi được 10 mét, thì các chiến sĩ đã phát hiện một bãi mìn cài nổi bằng lựu đạn quả dứa, dây chốt được buộc vào những gốc vầu. Nếu không quan sát kỹ mà cho mọi người vào, hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc, có khi đi cả trung đội.

Thời gian không cho phép, ông Ba tức khắc điều ngay 2 chiến sỹ có kinh nghiệm tháo gỡ mìn, mở một lối nhỏ để cho đội hình hàng dọc hành quân khẩn trương cơ động tiến lên chiếm lĩnh mục tiêu.

IMG_5285

 Cao điểm 772, nhìn từ cao điểm 468

Lên đến đỉnh đồi Cây Xanh an toàn, thì tình huống thứ 2 lại xảy ra đối với tất cả mọi người. Họ phát hiện ra, quân Trung Quốc đã bố trí ở gần đó một máy phun lửa công suất lớn, gắn sẵn vòi rồng và sẵn sàng nhả lửa xuống rừng vầu mà đơn vị vừa mới hành quân qua. Rất nhanh chóng, các chiến sỹ đã cắt toàn bộ dây điện trong cái máy phun lửa lợi hại này, rồi ổn định đội hình, triển khai ém quân vào các vị trí.

Tuy nhiên, nguy hiểm chưa phải đã hết, ông Ba cùng mọi người tiếp tục phát hiện ra một trận địa bỏ ngỏ trên đỉnh đồi Cây Xanh, và ở đó là một cạm bẫy chết người. Cụ thể, trận địa này có 1 dãy giao thông hào xuyên suốt lên các mỏm trên điểm cao 772. Ở giữa hào là một hệ thống dây điện thông tin, dây điện thắp sáng đủ các loại to nhỏ xung quanh trận địa, và chúng đã cài một dãy mìn ĐH 20, đan xen liên tiếp nhau. Chỉ cần phát hiện thấy bộ đội Việt Nam tiến lên những vị trí ấy, địch chỉ việc ấn nút là toàn bộ lực lượng của ta sẽ chìm trong khói lửa.

“Đó cũng là lý do mà tại sao một vị trí quan trọng như vậy, quân Trung Quốc lại không bố trí bộ binh chốt giữ. Chúng đã giăng sẵn những cạm bẫy để dụ quân mình vào. Rất may là chúng tôi hành quân nhanh gọn và quyết đoán, hoàn toàn bí mật, chúng không thể phát hiện ra là có một đội hình phục sẵn ngay yết hầu của chúng và sẵn sàng nhả đạn”, ông Ba chia sẻ.

IMG_5614

 Đài hương tưởng niệm các chiến sỹ Mặt trận Vị Xuyên trên điểm cao 468

Ở tình huống ấy, một đồng chí tiểu đội trưởng đã tiến hành quay mặt hết tất cả các quả mìn về phía sau, đồng thời dùng dao găm cắt dây điện vô hiệu hóa. Giải quyết xong mọi việc, các chiến sỹ chiếm lĩnh trận địa bỏ ngỏ, sẵn sàng chiến đấu, chờ lệnh cấp trên.

Suốt cả ngày hôm đó, pháo 2 bên thi nhau nhả đạn, đường dây thông tin liên lạc bị mất do địch phá sóng. Ông Ba vẫn chỉ huy đội hình kiên nhẫn chờ đợi giặc xuất hiện. Tuy nhiên, đến tận 2h sáng ngày 13/7/1984 vẫn không thấy có tin tức chỉ đạo gì. Lúc đó, tiếng pháo đã thưa dần, tiếng súng bộ binh cũng im bặt. Tham mưu trưởng Trung đoàn 876 Cao Xuân Hùng đã hội ý cùng mọi người và lệnh cho đơn vị rút quân theo hướng vận động của ngày hôm trước.

Mãi đến 8h sáng ngày 13/7, trung đội mới về đến vị trí phía sau tại chân điểm cao 600, nối lại hoàn toàn liên lạc với những đơn vị khác.

“Dù chưa trực tiếp đấu súng với quân thù, nhưng trong lòng tôi và các chiến sỹ của trung đội năm xưa ấy, chúng tôi vẫn tự hào: có một đơn vị đã đánh chiếm và trụ vững trên 772”, cựu binh Thái Khắc Ba cho biết.

Hải Minh(Theo hồi ký Bám đá kiên cường, ký ức của cựu binh Thái Khắc Ba cùng các đồng đội)  

Bình luận
vtcnews.vn