Cuộc chiến giá trị lịch sử và nhu cầu dân sinh

Thời sựThứ Sáu, 27/01/2012 06:55:00 +07:00

(VTC News) - PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho rằng, mặt dân sinh cũng không thể không làm nhưng mặt văn hóa cũng không thể coi nhẹ.

(VTC News) - Lâu nay, vấn đề khảo cổ học “chữa cháy” đã được người ta nói đến nhiều nhưng những tranh cãi xung quanh câu chuyện nên ưu tiên bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa, hay ưu tiên xây dựng công trình phục vụ nhu cầu dân sinh trước mắt vẫn chưa có lời giải.

Về vấn đề này, những năm gần đây, tại Hà Nội đã liên tiếp xảy ra những tranh cãi xung quanh câu chuyện nên ưu tiên cái nào trước như tại công trường xây dựng đường Văn Cao – Hồ Tây (với tường thành Thăng Long), đường Xã Đàn (với Đàn Xã Tắc), dự án khu đô thị Kim Chung – Di Trạch (với di chỉ Gò Vườn Chuối), dự án khu đô thị Ciputra (hai mộ cổ có niên đại thế kỷ thứ 4 - 6)…

Gian nan chặng đường tìm lại lịch sử

Vào tháng 11/2006, Đàn Xã Tắc của Kinh đô Thăng Long thời nhà Lý được phát hiện tại phường Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội), khi đang thi công xây dựng đường vành đai 1 của Hà Nội (đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa).

Đàn Xã Tắc sau khi khai quật đã được lấp đất lại và giờ thành một vườn hoa mini ở đầu đường Xã Đàn (Hà Nội). 

Những ngày cuối năm 2011, chúng tôi quay lại vị trí di tích Đàn Xã Tắc được phát hiện trước đây, cạnh nút giao thông Ô Chợ Dừa. Nếu không xem kỹ tài liệu trước khi đến, có lẽ chúng tôi cũng không biết đâu là di tích Đàn Xã Tắc được xây dựng từ đời Lý Thái Tông (năm 1048), nơi thiêng liêng vào bậc nhất của thời Lý, nơi dùng để hàng năm triều đình tế Hậu Thổ (Thần Đất) và Thần Nông (Thần ngũ cốc).

Toàn bộ vị trí được xác định là di tích Đàn Xã Tắc nay biến thành vườn hoa mini rộng khoảng 100m2, ngay đầu đường Xã Đàn. Sau khi các nhà khảo cổ khai quật xong, di tích đã được lấp đất lại để giữ nguyên trạng. Sau đấy, con đường hoàn thành, người ta đã trồng cây phủ lên trên di tích. Ở vị trí cao nhất được đặt một cột đá, có khắc chữ “Di tích khảo cổ Đàn Xã Tắc, xếp hạng cấp Quốc gia”. Dưới chân  có một số chân hương, cành hoa được ai đó đem tới đây, thắp lễ.

“Cái vòng xuyến kia ấy à”, chỉ tay ra vườn hoa, bà Hoàng Thị Thoa, bán nước ở vỉa hè gần đó tỏ ra ngạc nhiên khi chúng tôi hỏi về Đàn Xã Tắc. “Chả trách lâu lâu lại thấy có người ra đó thắp hương, tôi cũng không để ý đến lắm nên không rõ”, bà Thoa nói.

Bà Thoa cho biết thêm, ngày xưa, khi con đường này đang thi công, bà có nghe người dân ở đây kháo nhau có cái gì đó ở đấy nhưng lâu rồi cũng không nghe ai nói gì nữa, nên quên luôn.

Còn tại vị trí phát lộ tường thành Thăng Long ở công trình đang xây dựng đường Văn Cao - Hồ Tây (nút giao cắt đường Văn Cao – Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội), mọi thứ vẫn còn ngổn ngang. Cây cầu nối thông đường Hoàng Hoa Thám vẫn đang xây dở.

 Đây từng là Tường thành Thăng Long thời Lê Sơ, nay ngổn ngang công trường xây dựng đường Văn Cao - Hồ Tây (Hà Nội).

Tại vị trí trước đây được Viện Khảo cổ Việt Nam tiến hành khai quật, giờ đã bị bỏ hoang. Vách thành từng được xác định có 17 lớp văn hóa nay đã bị sạt lở gần hết, một phần cũng do đơn vị thi công cho máy phá hủy. Còn tại một số vị trí bằng phẳng, người dân quanh đấy cũng cày xới để trồng rau.

Nếu không có một vài mảnh giấy ghi thứ tự các lớp tường thành, có lẽ chúng tôi cũng không nhận ra đây là di tích tường thành Thăng Long.

“Tôi chả biết tường thành hay gì, chỉ thấy có một đoạn này mà gần 2 năm nay làm vẫn chưa xong, làm cuộc sống của chúng tôi đảo lộn hết. Trước nhà thì ngổn ngang công trường. Đến đường đi cũng khó, mưa lầy, nắng bụi… thử hỏi còn bán hàng được cho ai. Nhà tôi bị mất hai cái Tết như thế này rồi”, bà Nguyễn Thị Báu, chủ một cửa hàng đồ gỗ nội thất gần đấy bức xúc.

Vị trí trước đây được Viện Khảo cổ học khai quật và đã thu thập được rất nhiều di vật, cổ vật, với 17 tầng văn hóa. Nhưng nay đã sạt lở gần hết.  
Theo PGS. TS Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam, ông có đến di tích tường thành Thăng Long tại vị trí xây dựng đường Văn Cao - Hồ Tây vào ngày 6/5/2010, sau khi những người dân ở đấy có đơn gửi lên Hội Khảo cổ học Việt Nam. Khi xuống kiểm tra, ông phát hiện, ở vị trí công nhân đào móng cầu có bình gốm từ thời Đại La nhưng đã bị máy xúc gạt vỡ một nửa.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, sau khi phát hiện ra những hiện vật nằm sâu trong thành cổ này, Viện khảo cổ học, Hội Khoa học Lịch sử và Hội Khảo cổ học VN đã có công văn gửi lãnh đạo TP. Hà Nội. Sau đó, công trường phải dừng thi công một thời gian để Viện khảo cổ học Việt Nam tiến hành mở hố khai quật và thực tế, đã phát hiện nhiều hiện vật cũng như những tầng văn hóa tại đây.

Lựa chọn quá khứ hay phát triển?

Đánh giá về giá trị của tường thành trong lịch sử bảo vệ thành Thăng Long, PGS. TS Nguyễn Lân Cường cho hay: “Đây là tường thành bảo vệ sự an nguy của kinh thành. Nhưng cái quan trọng nhất đây là di tích lịch sử, một đoạn thành còn khá nguyên vẹn, nên phải gắng giữ lại. Tuyệt đối không được xây dựng gì trên đấy nữa”.

“Nếu buộc phải làm, theo tôi, Sở giao thông vận tải Hà Nội cùng bàn bạc trước với Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch, Hội Sử học, Viện Khảo cổ học để có được phương án tốt nhất, vừa đảm bảo phục vụ dân sinh, vừa cứu vãn được về mặt khoa học”, ông Cường nói.

PGS. TS Nguyễn Lân Cường cùng nửa bình gốm thời Đại La thu được tại công trường xây dựng đường Văn Cao - Hồ Tây. 

Theo ông Cường, giá giữ lại được mặt cắt của một đoạn thành cổ, đoạn đã phát lộ tại vị trí xây dựng đường Văn Cao - Hồ Tây, gia cố lại rồi phủ một lớp kính phía ngoài để người dân tới tìm hiểu, tham quan thì tốt.

"Ở Trung Quốc, Italia và nhiều nước khác họ làm như vậy. Nếu sau khi khách du lịch xem xong khu vực Hoàng thành Thăng Long, lại ra xem đoạn Tường thành bao quanh nó thì rất ý nghĩa”, ông Cường chia sẻ.

“Tôi có cảm tưởng, người ta đang sợ khảo cổ. Trước đây, có di chỉ Gò Vườn Chuối (huyện Hoài Đức, Hà Nội - PV), hay mộ cổ ở khu Ciputra (huyện Từ Liêm, Hà Nội - PV)… tìm được nhiều hiện vật rất hay, đẹp. Những vị trí như vậy ở các nước trên thế giới, họ sẽ không xâm hại đến di tích mà sẽ giữ lại nguyên trạng để làm bảo tàng ngoài trời. Ở Việt Nam thì không thế”, ông Cường băn khoăn.

Để giải quyết mâu thuẫn giữa lợi ích dân sinh hiện tại và các giá trị văn hóa khảo cổ, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho rằng, mặt dân sinh cũng không thể không làm nhưng mặt văn hóa cũng không thể coi nhẹ. Chúng ta phải luôn nhớ rằng, đã phá là sẽ mất sẽ vĩnh viễn, con cháu chúng ta không bao giờ được nhìn lại nó nữa.

Vì vậy, để giải quyết hài hòa hai lợi ích, theo  PGS.TS Nguyễn Lân Cường, trước tiên, Luật văn hóa năm 2011 cần được tôn trọng. Nếu đơn vị nào vi phạm cần bị xử phạt thật nặng. Với những công trình lớn, công trình ở khu vực có khả năng có di tích lịch sử phải báo cho khảo cổ và khảo cổ phải làm trước.

"Ở phạm vi Hà Nội, chắc chắn còn xây dựng nhiều và ở rất nhiều vị trí có các di chỉ lịch sử",  PGS.TS Nguyễn Lân Cường nói.

Theo Luật Di sản Văn hóa năm 2011 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009)

Tại Điều 37, Mục 3, có quy định: Trong quá trình cải tạo và xây dựng công trình mà thấy có khả năng có di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.

Điều 38, Mục 2, có quy định: Trong trường hợp địa điểm khảo cổ đang bị phá hủy hoặc có nguy cơ bị hủy hoại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép khai quật khẩn cấp và báo cáo ngay cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thời hạn cấp giấy phép khai quật khẩn cấp không quá 3 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị; trường hợp không cấp giấy phép phải nêu rõ lý do bằng văn bản


Lê Việt


Bình luận
vtcnews.vn