Cuộc chiến đưa tin giữa truyền thông độc lập và quân đội ở Myanmar

Tư liệuThứ Tư, 10/03/2021 15:05:08 +07:00
(VTC News) -

Các nhà báo và hãng tin Myanmar đang nỗ lực đưa tin tức bất chấp chính phủ do quân đội kiểm soát đàn áp việc đăng tải về các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ.

Cuộc đàn áp truyền thông diễn ra trong bối cảnh quân đội sử dụng biện pháp mạnh tay với phong trào biểu tình. Các nhà báo Myanmar đang phải đối mặt với nguy cơ bị giết hoặc bỏ tù vì công việc của mình.

Hôm 9/3, các nhà chức trách bất ngờ đột kích hai công ty truyền thông và bắt giữ hai người. Hôm 8/3, chính phủ do quân đội kiểm soát hủy giấy phép hoạt động của năm hãng truyền thông địa phương đưa tin về các cuộc biểu tình. Kể từ cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2, quân đội đã bắt giữ hàng chục nhà báo.

Dù vậy, các cơ quan truyền thông độc lập vẫn cung cấp thông tin quan trọng về những vụ bắt giữ và xả súng của quân đội liên quan đến phong trào biểu tình trên khắp Myanmar. Họ tận dụng nhiều phương tiện để phân phối tin tức, điển hình là mạng xã hội.

Cuộc chiến đưa tin giữa truyền thông độc lập và quân đội ở Myanmar - 1

Các nhà báo Myanmar đang phải đối mặt với nguy cơ bị giết hoặc bỏ tù vì công việc của mình. (Ảnh: AP)

Cuộc đàn áp giới truyền thông

Hôm 8/3, các nhà chức trách Myanmar đột kích văn phòng của công ty truyền thông Kamayut Media, bắt giữ tổng biên tập Nathan Maung và đồng sáng lập Han Thar Nyein. Người nhà ông Han Thar Nyein cho biết có tới 7 xe tải quân sự tham gia vào cuộc đột kích.

Cùng ngày, quân đội cũng đột kích văn phòng hãng tin Mizzima News. Hôm 7/3, đài truyền hình nhà nước MRTV của Myanmar thông báo năm hãng tin bị hủy giấy phép hoạt động và cấm phát sóng, bao gồm: Mizzima, DVB, Khit Thit Media, Myanmar Now và 7Day News.

Tất cả hãng tin bị cấm đều từng đưa tin rộng rãi về các cuộc biểu tình, trong đó có nhiều tin bài chứa video. Hãng tin độc lập Myanmar Now cho biết cảnh sát đã phá cửa vào văn phòng của họ và thu giữ máy tính, máy in cùng các bộ phận của máy chủ chứa dữ liệu tòa soạn hôm 8/3.

"Lệnh cấm này rõ ràng là một phần của cuộc tấn công lớn hơn nhằm vào quyền tự do báo chí…", ông Phil Robertson, phó giám đốc tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực châu Á, cho biết.

Hôm 9/3, viện Báo chí Quốc tế, cơ quan ủng hộ tự do báo chí, kịch liệt lên án hàng động của quân đội Myanmar và kêu gọi cộng đồng quốc tế “phản đối mạnh mẽ việc tấn công các phương tiện truyền thông độc lập”.

Cuộc chiến đưa tin giữa truyền thông độc lập và quân đội ở Myanmar - 2

Chính phủ do quân đội kiểm soát đang đàn áp cả trên mặt trận truyền thông. (Ảnh: AP)

Phản ứng của giới truyền thông

Theo ông Swe Win, tổng biên tập của tờ Myanmar Now, việc đột kích các cơ quan truyền thông chứng tỏ chính phủ quyết định không khoan nhượng với tự do báo chí. Dù vậy, ông Win khẳng định giới truyền thông vẫn sẽ đăng tải thông tin chân thực về “những tội ác to lớn” mà chế độ quân sự gây ra tại Myanmar.

Hãng thông tấn tư nhân Mizzima cũng đăng tải một tuyên bố trên trang web rằng họ sẽ “tiếp tục đấu tranh chống lại cuộc đảo chính quân sự và phục hồi nền dân chủ” bằng cách đưa tin trực tuyến trên các nền tảng đa phương tiện. Nhiều hãng tin khác tại Myanmar vẫn đưa tin về cuộc biểu tình hôm 9/3. Trong đó, một số hãng tin đang cố gắng hoạt động từ nước ngoài.

Cuộc chiến đưa tin giữa truyền thông độc lập và quân đội ở Myanmar - 3

Việc đột kích các cơ quan truyền thông chứng tỏ chính phủ quyết định không khoan nhượng với tự do báo chí. (Ảnh: AP)

Kênh truyền thông hợp pháp tại Myanmar?

Hiện hầu hết các kênh truyền thông hoạt động hợp pháp tại Myanmar đều do quân đội kiểm soát. Trong đó có tờ Global New Light of Myanmar và các phương tiện truyền thông nhà nước khác như Thông tấn xã Myanmar và Myawaddy TV.

Tờ Myanmar Times phiên bản tiếng Anh thông báo đình chỉ tất cả ấn phẩm trong ba tháng kể từ ngày 21/2. Động thái này được đưa ra sau khi nhiều nhân viên của báo nghỉ việc để phản đối thỏa thuận với quân đội về việc không sử dụng từ "đảo chính" để mô tả việc tiếp quản quân sự.

Cuộc chiến đưa tin giữa truyền thông độc lập và quân đội ở Myanmar - 4

Hiện hầu hết các kênh truyền thông hoạt động hợp pháp tại Myanmar đều do quân đội kiểm soát. (Ảnh: AP)

Chỉ số tự do báo chí thấp

Myanmar chỉ đứng thứ 139 trong số 180 quốc gia tại bảng xếp hạng chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2020 của tổ chức Phóng viên Không biên giới. Trước sự kiện ngày 1/2, khi chính phủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo cầm quyền, các phóng viên Myanmar vẫn thường bị sách nhiễu và bắt giữ vì đưa tin về các chủ đề nhạy cảm như vấn đề lạm dụng dân tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya.

Sau khi quân đội nắm quyền, dường như nước này đang trở lại với thời điểm tháng 8/2012, khi các phương tiện truyền thông chính thức hoàn toàn bị nhà nước kiểm soát.

Để hoàn toàn ngăn chặn dòng tin về phong trào biểu tình, quân đội Myanmar sẽ cần ngắt tất cả liên lạc qua internet và vệ tinh. Nhưng việc này sẽ tạo ra bước lùi lớn cho nền kinh tế đất nước, chưa kể tới những bất hợp lý về luật pháp và nhân quyền. Đặc biệt là khi các doanh nghiệp của Myanmar phụ thuộc nhiều vào internet và các nền tảng kỹ thuật số như Facebook.

Chính quyền do quân đội kiểm soát ở Myanmar đã ra lệnh ngắt internet vào ban đêm. Hành động này làm tổn hại thêm môi trường đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp, vốn đã bị tàn phá bởi hậu quả của cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2.

Trần Trang(Nguồn: AP)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp