"Cuốc bộ" vượt dòng lũ dữ để đến trường

Thời sựThứ Hai, 30/08/2010 02:26:00 +07:00

(VTC news) – Hàng trăm đứa trẻ lớn lên cùng dòng sông Ayun (Gia Lai) hàng ngày vẫn đến trường bằng đôi chân trần. Ước mơ về một cây cầu vẫn xa vời.

(VTC news) – Hàng trăm đứa trẻ lớn lên cùng dòng sông Ayun (Chư Sê, Gia Lai) hàng ngày vẫn đến trường bằng đôi chân trần. Ước mơ có một cây cầu cho người dân bên dòng Ayun xem ra còn quá xa vời.

Để đến trường, các em phải lội qua dòng sông dữ 


Ốc đảo trên cao nguyên

Ayun là một trong những xã nghèo nhất của huyện Chư Sê. Đã bao đời nay, người dân nơi này sống phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp.

Thế nhưng vì đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt nên dù nhà nước luôn quan tâm hỗ trợ, đầu tư nhưng đời sống nhân dân vãn ngày ngày đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Đem câu chuyện này hỏi lãnh đạo xã, ông Dương Mạnh Mẫn - Chủ tịch xã Ayun ngậm ngùi: “minh chứng hùng hồn nhất cho điều này là đến hiện tại, xã Ayun vẫn chưa có một học sinh nào tốt nghiệp được cấp 3”.

Làng Kpăíh là một trong những làng nghèo nhất của xã Ayun. Làng như một cái ốc đảo tách biệt hoàn toàn với xã bởi dòng sông Ayun rộng chừng 50m.

Do giao thông quá khó khăn nên cuộc sống nơi đây vẫn mang dáng dấp một “xã hội thu nhỏ” tự cung, tự cấp. Và dù có đi rẫy, trồng lúa, đi chợ hay làm bất cứ việc gì khác, người dân đều phải băng qua dòng nước cuồn cuộn.

Có lẽ chính vì điều này mà hơn 200 nhân khẩu người Bahnar của làng Kpăíh vẫn còn rất “hoang sơ”. Và cũng vì ít được tiếp xúc, giao lưu với các làng khác, không được tiếp xúc với người Kinh và tiếng Việt nên hầu như người ở đây, nhất là trẻ con nếu không được đi học đều không biết nói tiếng Việt.

Đã từ lâu lắm rồi, đến ngay cả vị già làng cũng không nhớ rõ bắt đầu từ ngày tháng nào mà các thế hệ học trò của làng Kpắih phải liều mình bơi qua dòng sông để tìm đến với cái chữ.

Chỉ biết rằng, mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới, đó cũng là lúc những học sinh của làng Kpắih chuẩn bị tinh thần đối mặt với dòng nước dữ của sông Ayun để đeo đuổi con chữ, đeo đuổi ước mơ thay đổi vận mệnh đói nghèo.

Được tận mắt chứng kiến cảnh qua sông của người dân và học sinh nơi đây, chúng tôi không khỏi rùng mình trước sự mong manh đến đắng lòng trước những mảnh đời mong manh giữa dòng nước dữ.

Giữa dòng sông đục ngầu, hàng chục em học sinh thậm chí có em chỉ mới 9, 10 tuổi vẫn xắn gấu quần lội qua để đến trường...

Thầy cô giáo được trang bị bè để đi dạy học

Có lẽ, không ở đâu người giáo viên phải ngày ngày đối mặt với những thử thách nghiệt ngã như nơi đây. Ngoài tâm huyết, sức khỏe và khả năng bơi lội là yêu cầu bắt buộc. Cũng bởi nhiều thầy cô vì lo cho tính mạng của các em nên đã dùng bè vào tận làng mở lớp (từ mẫu giáo đến lớp 3).

Và những người thầy, người cô đó cũng đồng thời đánh cược với mạng sống của chính mình, để đưa cái chữ đến với “miền ốc đảo” này.

 Phương tiện đi dạy của thầy cô giáo tại xã Ayun (Chư Sê, Gia Lai)

Trước đây, các thầy cô giáo phải tự bơi qua sông để vào làng. Hai năm nay, dù được Phòng Giáo dục huyện trang bị cho chiếc bè tre và đoạn dây cáp để chèo qua sông, tuy có đỡ vất vả hơn nhưng nguy hiểm thì vẫn cận kề.

Nhiều hôm nước đổ về mạnh, nhưng vì thương học trò nên các thầy cô vẫn liều mình qua sông. Đã không ít lần, cả bè lẫn người suýt bị nước cuốn trôi...
Đó là chưa kể những lần cáp đứt. “Nói chung hôm nào mưa to, lũ đổ mạnh quá, chúng tôi cũng đành để học sinh nghỉ học”, thầy Trần Văn Đạt tâm sự.

Để đến được trường lớp, những học sinh từ lớp 4 trở lên trước tiên phải bơi qua 50 m sông dữ, tiếp đến là đi bộ hơn 5 km đường đồi dốc. Chính vì điều này, quần áo các em mặc đi học cũng đồng thời là đồ để đi nương rẫy, lúc nào cũng lấm lem. Hôm nào mưa to, nước ngập, thầy giáo lau nước mắt thương tụi học trò chơ vơ bên kia bờ sông, tụi nhỏ cũng rấm rức khóc vì thương thầy cô "làm giáo viên mà sao cứ cực hoài như thế".

Dòng sông Ayun vẫn cuồn cuộn chảy mãi.

Ông Dương Mạnh Mẫn- Chủ tịch xã Ayun cho biết: "Vấn đề qua sông của dân làng Kpắih, của các giáo viên luôn là nỗi lo của xã nói riêng và của huyện nói chung. Thế nhưng vì kinh phí để xây một cây cầu quá lớn nên lực bất tòng tâm".

Vấn đề đáng lo nhất đối với sự nghiệp trồng người của làng Kpăih hiện nay đó là, cho dù có yêu con chữ, yêu thầy cô trường lớp đến mấy thì việc các em phải sớm “đầu hàng” trước dòng nước lớn… là điều khó tránh khỏi.

Hàng trăm đứa trẻ ở đây lớn lên cùng sông nước, hàng ngày vẫn vượt lũ đến trường bằng bước chân trần. Cũng đôi khi, các em “được” đến trường bằng những chiếc bè đóng tạm bợ… Không ai có thể đảm bảo an toàn cho những chuyến "vượt sông" vào mùa nước dữ… Ước mơ về một cây cầu cho người dân làng Kpăíh, xã Ayun xem ra vẫn còn quá xa vời…

Yến Viễn

 

Bình luận
vtcnews.vn