Cúm B có nguy hiểm?

Bệnh và thuốcThứ Năm, 27/10/2022 06:53:17 +07:00
(VTC News) -

Thời tiết lạnh của mùa đông xuân là điều kiện phát triển mạnh các bệnh đường hô hấp, trong đó, nhiều ca mắc cúm B được ghi nhận và có khả năng gia tăng.

Trao đổi với PV VOV.VN, Ths.BS Nguyễn Xuân Đạt (Phòng Khám Tai Mũi Họng ENTIC) khuyến cáo cụ thể các triệu chứng bệnh đường hô hấp, nhất là trường hợp nào phụ huynh cần đưa trẻ tới thăm, khám tại bệnh viện.

- Trong điều kiện thời tiết đang giao mùa và trở lạnh, xin BS cho biết những bệnh mà trẻ em theo từng độ tuổi dễ mắc phải? 

Trong giai đoạn giao mùa các bệnh trẻ em thường gặp nhất liên quan đến hô hấp như viêm mũi họng, viêm tai giữa; viêm tiểu phế quản, viêm phế quản; chân tay miệng; sốt xuất huyết; và các bệnh lý do virus đã được định danh cúm (A,B), COVID-19, Adenovirus…

Ở trẻ sơ sinh đến 24 tháng, giai đoạn này hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu đồng thời trẻ chưa biết tự chăm sóc và giữ gìn vệ sinh nên thường mắc các bệnh truyền nhiễm sau khi tiếp xúc với dịch tiết có chứa mầm bệnh như: Chân tay miệng, đau mắt đỏ, sởi, thủy đậu… Các bệnh liên quan đến hô hấp viêm tai, mũi, họng Cúm mùa Viêm tiểu phế quản… cũng thường gặp và chiếm tỷ lệ lớn. 

Ở nhóm trẻ lớn hơn, dù sức đề kháng tốt hơn, các bệnh nhiễm trùng như lứa tuổi nhỏ tuy nhiên thời gian diễn biến bệnh ngắn hơn, nguy cơ biến chứng thấp hơn, mức độ bệnh tật cũng nhẹ hơn do đã có miễn dịch thu được từ những lần mắc bệnh trước đó. 

Đặc biệt, bệnh cúm dễ lây và gặp ở mọi lứa tuổi, bệnh cúm lây lan từ người này sang người khác khi ho, hắt hơi, hoặc chạm vào các bề mặt có mầm bệnh. Virus cúm A và cúm B thường gây bệnh ở người, trong giai đoạn gần đây cúm B gặp nhiều và diễn biến khá phức tạp. 

Trẻ em dưới 5 tuổi và đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm B, biến chứng thường gặp nhất là viêm phổi, ngoài ra các biến chứng khác có thể gặp đó là viêm tai giữa, viêm thanh khí quản… 

Trong giai đoạn này, cúm B có thể trở thành gánh nặng bệnh tật nên cần được quan tâm. 

Cúm B có nguy hiểm? - 1

Cúm B có thể trở thành gánh nặng bệnh tật nên cần được quan tâm. 

- BS có khuyến cáo gì với các bậc phụ huynh để bảo vệ sức khỏe của trẻ? Cụ thể là biện pháp phòng bệnh cho trẻ trước khi ra ngoài trời lạnh và sau khi từ ngoài trở lạnh trở về nhà?

Giữ vệ sinh, đặc biệt là vệ sinh tay cho trẻ rất quan trọng. Với trẻ nhỏ, người lớn phải thường xuyên rửa tay trước khi bế, ôm con trẻ, đồng thời rửa tay cho trẻ bằng xà phòng và nước, hoặc dùng cồn xoa bóp tay.

Trẻ lớn hơn thì cần tạo thói quen rửa tay sau khi đi học, đi chơi về, rửa tay trước khi ăn và sau đi vệ sinh… Cha mẹ cần giữ trẻ tránh tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá. Cách ly với người lớn và trẻ em khác đang bị bệnh. Nhất là đảm bảo rằng trẻ được tiêm tất cả các loại vaccine được khuyến cáo, bao gồm cả vaccine ngừa cúm. Người lớn trong gia đình cũng cần tiêm phòng cúm cho chính mình.

- Các bệnh đường hô hấp thường có biểu hiện giống nhau, vậy đâu là những triệu chứng cha mẹ phải lưu ý để đưa con đi khám bác sĩ?

Các bệnh đường hô hấp thường do nhiễm trùng, nhiễm trùng do mắc phải virus hay vi khuẩn đều có thể có biểu hiện sốt, trong các trường hợp sốt sau đây cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay:

  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi có nhiệt độ trực tràng từ 38ºC trở lên.
  • Trẻ từ 3 tháng đến 36 tháng có nhiệt độ trực tràng từ 38ºC trở lên trong hơn 3 ngày.
  • Trẻ từ 3 tháng đến 36 tháng có nhiệt độ trực tràng từ 38,9ºC trở lên.

Với trẻ em mọi lứa tuổi có nhiệt độ:

  •  Miệng, trực tràng, tai hoặc trán từ 40ºC trở lên.
  • Nhiệt độ nách từ 39.4ºC trở lên.
  • Co giật do sốt.
  • Các cơn sốt liên tục tái phát.
  • Sốt với trẻ có các bệnh lý khác như: bệnh tim, ung thư, lupus, thiếu máu hồng cầu liềm.
  • Sốt kèm theo nốt phát ban mới trên da.

Ngoài vấn đề liên quan đến sốt, các biểu hiện về hô hấp cha mẹ cũng cần đưa con đi khám ngay bao gồm: thở nhanh, gắng sức (khó thở); ho kéo dài; bỏ ăn uống, bỏ bú; ngạt mũi, chảy mũi kéo dài; mắt đỏ hoặc có rỉ mắt vàng; đau tai, kéo tai…

Cúm B có nguy hiểm? - 2

Ths.BS Nguyễn Xuân Đạt cùng bệnh nhân nhí của mình. (Ảnh: NVCC)

- Nhiều gia đình đang lạm dụng kháng sinh khi trẻ có những dấu hiệu ho, sốt, xổ mũi nhẹ… BS có lời cảnh báo gì với thói quen này?

Đây là vấn đề nhức nhối và cho tới nay vẫn diễn ra, cha mẹ cần sớm loại bỏ thói quen này trong quá trình chăm sóc con. Với các bệnh lý hô hấp  80% -> 85% là do virus gây bệnh, việc dùng kháng sinh bừa bãi không đúng với chỉ định vừa không có ích lợi gì trong điều trị vừa có thể gây hại cho con đồng thời gây thiệt hại kinh tế cho chính cha mẹ. 

Do vậy, trẻ cần được thăm, khám và sử dụng thuốc theo kê đơn của bác sĩ.

Thiên Bình(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn