Cục trưởng An toàn thực phẩm: 90% sản phẩm thực phẩm được tự công bố

Sức khỏeThứ Ba, 20/03/2018 11:45:00 +07:00

Đó là một trong những nội dung mới của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP) mà Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chia sẻ với báo giới chiều 19/3.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ 2/2/2018, được cho là tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm với 11 nội dung thay đổi so với Nghị định 38. Được biết, đây là nghị định thay đổi cơ bản phương thức quản lý thực phẩm ở Việt Nam.

Chiều 19/3, trong buổi họp mặt báo chí nhằm phổ biến những nội dung mới của Nghị định 15, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết: Có nhiều nội dung thay đổi trọng tâm được nhấn mạnh trong Nghị định 15, trong đó có những có nhiều điểm nổi bật.

Cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm

Trong đó, 90% sản phẩm thực phẩm được tự công bố, với 2 hình thức là tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

cuc-an-toan-thuc-pham2

Toàn cảnh buổi họp báo (Ảnh: Chi Lê)

Các nhóm sản phẩm phải đăng ký với cơ quan Nhà nước trước khi lưu thông bao gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chết độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.

Cắt giảm mạnh thủ tục đăng ký, công bố, kiếm tra chuyên ngành từ tiền kiểm sang tập trung về hậu kiểm

Theo nghị định 15, đối với hình thức tự công bố: Hồ sơ yêu cầu bản tự công bố an toàn sản phẩm theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định và Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ, mẫu nhãn sản phẩm.

Đối với hình thức phải đăng ký bản công bố sản phẩm: Trình tự, thủ tục đăng kí được giảm các giấy tờ và thời gian thẩm định hồ sơ rút ngắn từ 15 ngày xuống 7 ngày trừ nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 30 ngày xuống 21 ngày.

Căn cứ theo bản công bố của doanh nghiệp, cơ quan quản lý sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện doanh nghiệp sai phạm.

Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh: “Nghị định 15 tạo cơ chế thông thoáng, mở đường cho doanh nghiệp, doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, sau khi công bố xong được đi vào sản xuất luôn và tự chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình. Doanh nghiệp có quyền lợi, thì khi doanh nghiệp vi phạm phải phạt nặng”.

Về việc đổi mới phương thức quản lý từ kết hợp tiền kiểm – hậu kiểm sang tập trung tiền kiểm, theo Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong, Cục có những phương án nhằm tập trung tối đa cho hậu kiểm, thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị định 15, không để xảy ra lỗ hổng, buông lỏng quản lý.

Mở rộng các đối tượng miễn cấp Giấy chứng nhận (GCN) cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Nghị định 15 cũng có sự mở rộng các đối tượng miễn cấp Giấy chứng nhận (GCN) cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đối với 10 trường hợp không cần xin cấp GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Từ ngày 01/7/2019, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP).

Thay đổi trong việc kiểm soát về an toàn thức phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu

Đặc biệt, trong kiểm soát về an toàn thức phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, Nghị định 15 có những thay đổi mới.

Nghị định bổ sung thêm các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm bao gồm: Sản phẩm là quà tặng, quà biếu trong định mức miễn thuế nhập khẩu; sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở; sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm; hàng hoá nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, thủ tướng Chính phủ.

cuc-an-toan-thuc-pham

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm. (Ảnh: Chi Lê)

Đồng thời thay đổi cơ bản về phương thức kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu:

Phương thức kiểm tra giảm: Trước đây, là kiểm tra hồ sơ đối với tất cả các sản phẩm thuộc diện kiểm tra giảm, tại Nghị định mới quy định chỉ kiểm tra xác suất tối đa 5% lô hàng do Cơ quan Hải quan chọn ngẫu nhiên và thực hiện việc kiểm tra hồ sơ.

Như vậy, có đến 95% lô hàng thuộc diện kiểm tra giảm không phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm.

Phương thức kiểm tra thông thường: Là chỉ kiểm tra hồ sơ thay vì trước đây là kiểm tra cảm quan và lấy mẫu kiểm nghiệm nếu có nghi ngờ. Thời gian kiểm tra thông thường cũng được rút ngắn từ 7 ngày xuống chỉ còn 3 ngày. Ngoài ra, cứ sau 3 lần kiểm tra thông thường đạt thì được chuyển sang phương thức kiểm tra giảm.

Phương thức kiểm tra chặt: chỉ áp dụng đối với trường hợp sản phẩm có cảnh báo của Bộ quản lý chuyên ngành, UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất hoặc không đạt yêu cầu nhập khẩu tại lần kiểm tra trước đó. Tuy nhiên, thời gian kiểm tra chặt được rút ngắn từ 10 xuống còn 7 ngày.

Thu gọn quản lý về quảng cáo thực phẩm

Bên cạnh đó, Nghị định mới chỉ quy định các nhóm sản phẩm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi (không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Luật quảng cáo) phải được đăng ký và thẩm định nội dung quảng cáo sản phẩm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Y tế, cơ quan chuyên môn do UBND tỉnh giao) trước khi quảng cáo.

Như vậy, có đến 90% các sản phẩm thực phẩm không cần đăng ký nội dung quảng cáo trước khi quảng cáo như quy định trước đây.

Nghị định cũng quy định không phải thực hiện đăng ký lại nội dung quảng cáo nếu không có sự thay đổi về nội dung quảng cáo so với hồ sơ đã đăng ký.

Quy định rõ về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Để tránh chồng chéo, bỏ sót trong phân công quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho Doanh nghiệp, Nghị định quy định nguyên tắc phân công quản lý nhà nước như sau: Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì sản phẩm có sản lượng lớn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nào thì cơ quan đó quản lý.

Video: Mực ngâm trong nước - nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm

Đối với cơ sở kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên (trừ chợ đầu mối, đấu giá nông sản) do ngành Công Thương quản lý.

Đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm để thực hiện các thủ tục hành chính.

Quy định các Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm thuộc phạm vi được phân công quản lý; Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định về mức giới hạn an toàn đối với các nhóm sản phẩm theo đề nghị của các Bộ quản lý chuyên ngành và các Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm xây dựng và gửi Bộ Y tế ban hành.

Quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân trong quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Chi Lê
Bình luận
vtcnews.vn