Cục phó Cảnh sát Kinh tế: 'Ở Việt Nam, từ cái tăm tre cũng đều bị làm giả'

Thời sựThứ Năm, 29/10/2015 08:23:00 +07:00

Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó cục trưởng Cục cảnh sát Kinh tế chhia sẻ tại buổi tọa đàm "Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của báo chí"

(VTC News) - Đó là chia sẻ của Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó cục trưởng Cục cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an) tại buổi tọa đàm "Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của báo chí" do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp cùng JICA Nhật Bản tổ chức tại Đà Nẵng vào sáng 28/10.

Tại buổi tọa đàm, Đại tá Hoàng Văn Trực cho biết, tình hình xâm phạm sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả ở Việt Nam diễn ra rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Chỉ tính riêng trong năm 2014, lực lượng Cảnh sát Kinh tế đã phát hiện 665 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất buôn bán hàng giả. Trong đó, khởi tố 120 vụ, 196 bị can.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, Cục Cảnh sát Kinh tế đã phát hiện 316 vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ, sản xuất buôn bán hàng giả, khởi tố 32 vụ án, khởi tố 51 bị can.

Việt Nam, tăm tre cũng đều bị làm giả, sở hữu trí tuệ, cục cảnh sát kinh tế, JICA, Nhật Bản, Đà nẵng
Theo Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó cục trưởng Cục cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an), ở Việt Nam từ cái tăm tre cũng làm giả 

Theo Đại tá Hoàng Văn Trực, mặc dù đã có hệ thống pháp lý thực thi sở hữu trí tuệ, nhưng các quy định này còn mang tính nguyên tăng chung, chưa đầy đủ và thiếu cụ thể. Thậm chí còn chồng chéo, trùng lặp và hình thức xử lý chưa đủ mạnh, đảm bảo tính răn đe.

Đặc biệt là nhận thức của công chúng và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chưa cao, mang tính thụ động, ỷ lại vào các cơ quan Nhà nước nên việc đấu tranh với hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gặp khó khăn.

"Ví dụ như để giám định được rượu ngoại là không hề đơn giản vì rượu nhái, rượu giả rươu ngoại tràn lan khắp tại Việt Nam. Thậm chí các chuyên gia Pháp khi cùng Cục cảnh sát Kinh tế đi kiểm tra thực tế tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) đã bất ngờ và ngạc nhiên khi có nhiều loại rượu thậm chí ở Pháp không hề sản xuất mà ở các cửa khẩu này lại có và dán tem xuất xứ từ Pháp", Đại tá Trực nói.

"Ở Việt Nam, tất cả các mặt hàng đều bị làm giả. Từ mặt hàng đơn giản là tăm tre cho đến những mặt hàng đòi hỏi công nghệ cao như phụ tùng ô tô, mỹ phẩm cũng đều bị làm giả", Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó cục trưởng Cục cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an) ngán ngẩm nói.

Việt Nam, tăm tre cũng đều bị làm giả, sở hữu trí tuệ, cục cảnh sát kinh tế, JICA, Nhật Bản, Đà nẵng
Theo ông Nishiyama Tomohiro, cố vấn trưởng dự án JICA của Nhật Bản, quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nhân tố cốt lõi tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển tốt hơn 

Chia sẻ kinh nghiệm tại buổi tọa đàm, ông Nishiyama Tomohiro, cố vấn trưởng dự án JICA của Nhật Bản cho biết: "Quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nhân tố cốt lõi tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển tốt hơn. Bài học từ Nhật Bản về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã giúp các doanh nghiệp Nhật Bản phát triển và vươn ra thế giới.

Nhật Bản chúng tôi không giàu về tài nguyên nhưng nhờ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt nên chúng tôi có sự phát triển tốt như hiện nay. Tôi hy vọng buổi tọa đàm sẽ mang đến cho các phóng viên những công cụ tuyên truyền hiệu quả, để thay đổi thái độ đối với quyền sở hữu trí tuệ. Góp phần giúp cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển”.

Xuân Mai
Bình luận
vtcnews.vn