Cục Hàng không lên tiếng việc VinGroup gia nhập lĩnh vực đào tạo ngành

Kinh tếThứ Tư, 10/07/2019 07:04:00 +07:00

Theo ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – Vinpearl Air mới chỉ bắt đầu tham gia lĩnh vực đào tạo chứ chưa trở thành một hãng Hàng không.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), Cục trưởng Đinh Việt Thắng đã có những chia sẻ về thông tin Vingroup gia nhập lĩnh vực đào tạo hàng không.

Trả lời VTC News, ông Đinh Việt Thắng cho biết, theo thủ tục của Luật đầu tư, doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ đăng ký tại chính quyền địa phương - nơi họ lập trụ sở. Sau đó, hồ sơ doanh nghiệp sẽ được trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và báo cáo thủ tướng. “Hiện nay, quy trình này chưa đến Cục Hàng không nên chúng tôi chưa thể đưa ra bình luận”, ông Thắng nhấn mạnh.

Ông Đinh Việt Thắng cũng khẳng định chưa thể gọi Vinpearl Air là một hãng Hàng không. “Phải đến khi có chứng chỉ khai thác tàu bay mới được công nhận là một hãng Hàng không. Công tác thành lập và hoạt động hãng Hàng không phải có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ”, Cục trưởng Cục Hàng không chia sẻ.

Mới đây thông tin về doanh nghiệp có tên Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air xuất hiện trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

phi-cong

 Theo Cục Hàng không, VinGroup mới chỉ bắt đầu tham gia lĩnh vực đào tạo chứ chưa phải là một hãng hàng không.

Theo Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty này có mã số doanh nghiệp và mã số thuế là 0108712524, bắt đầu hoạt động từ ngày 22/4.

Doanh nghiệp có trụ sở tại tầng 2 khu Almaz Market, đường Hoa Lan, Khu đô thị sinh thái, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội, tức nằm trong khuôn viên khu đô thị Vinhomes Riverside của Vingroup.

Doanh nghiệp này hiện đăng ký 9 ngành nghề kinh doanh, bao gồm vận tải hành khách hàng không; vận tải hàng hóa hàng không; dịch vụ lưu trú ngắn ngày; nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; dịch vụ ăn uống khác; dịch vụ phục vụ đồ uống; kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; quảng cáo và đại lý du lịch.

Trong đó, ngành nghề chính của Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air là vận tải hành khách hàng không.

Chiều nay, 9/7, VinGroup phát đi thông báo với nội dung khẳng định VinGroup gia nhập lĩnh vực đào tạo hàng không.  

Cụ thể, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn CAE (Canada) vừa ký kết thoả thuận hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới. Dự kiến, mỗi năm sẽ có 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế CAAV, FAA và IASA được cung ứng ra thị trường.

vin1

 Giấy thông báo về việc thay đổi mẫu con dấu của Vinpearl Air. Ảnh: PV

Nhằm đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam và khu vực, góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực phi công và kỹ thuật bay, Tập đoàn Vingroup quyết định mở trường đào tạo phi công và thợ máy.

Bên cạnh đó, Vingroup cũng đào tạo các nhân sự khác trong ngành Hàng không như huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy; huấn luyện nhân viên điều phái bay, tiếp viên hàng không; quản trị hàng không, kinh tế vận tại hàng không và kỹ sư máy bay….

Để triển khai chủ trương trên, Vingroup đã ký kết thoả thuận hợp tác với CAE Oxford Aviation Academy - tổ chức đào tạo hàng không hàng đầu thế giới - thành lập Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao Ngành Hàng Không (VinAviation School) và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre) tại Việt nam.

Trong đó, VinAviation School đào tạo phi công, thợ máy cơ bản theo tiêu chuẩn CAAV và tiêu chuẩn quốc tế được FAA và IASA công nhận tại Việt Nam; chỉ tiêu dự kiến là 400 phi công và thợ máy/năm. Vinpearl Air đào tạo huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy, huấn luyện nhân viên điều phái bay, tiếp viên hàng không và các nhân viên hàng không khác. Riêng nhóm ngành quản trị hàng không, kinh tế vận tại hàng không và kỹ sư máy bay sẽ do trường đại học VinUni đảm nhiệm.

vin2 3

 Thông tin về Vinpearl Air trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Phát biểu về việc này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết: "Tình trạng khan hiếm phi công và kỹ thuật bay đang diễn ra không chỉ Việt Nam mà trên khắp thế giới. Mức lương trong ngành này rất cao, từ 100 triệu đồng trở lên với phi công bay thương mại và 200 triệu đồng trở lên với cơ trưởng - giáo viên, trong khi thời gian đào tạo chỉ từ 18-21 tháng. Vì thế Vingroup đặt mục tiêu góp phần giải quyết được bài toán khan hiếm phi công trong nước, đồng thời tiến tới xuất khẩu phi công ra thế giới, nhằm tham gia phát triển các nguồn lực quốc gia, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ và đóng góp ngoại tệ cho đất nước”.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn