Của hồi môn có phải chia khi ly hôn không?

Hòm thư pháp luật Thứ Năm, 16/03/2023 06:48:00 +07:00
(VTC News) -

Của hồi môn có được chia khi vợ chồng thực hiện thủ tục ly hôn hay không phụ thuộc vào việc tòa án xác định đó có phải tài sản chung của hai vợ chồng hay không.

Hỏi:

Vợ chồng tôi quyết định ly hôn sau 3 năm chung sống. Lúc kết hôn ba mẹ tôi có cho tôi 30 lượng vàng và 200 triệu làm hồi môn. Luật sư có thể tư vấn cho tôi về vấn đề của hồi môn khi ly hôn có phải chia hay không?

Của hồi môn có phải chia khi ly hôn không? - 1

Của hồi môn có được chia khi vợ chồng thực hiện thủ tục ly hôn hay không phụ thuộc vào việc tòa án xác định của hồi môn đó có phải tài sản chung của hai vợ chồng hay không. (Ảnh minh họa).

Trả lời:

Theo phong tục truyền thống, “của hồi môn” được hiểu là tài sản, bao gồm tiền, vàng, trang sức có giá trị, thậm chí là nhà đất mà bố mẹ thường cho con gái mình khi về nhà chồng để làm vốn.

Trong trường hợp khi ly hôn hai vợ chồng có tranh chấp về tài sản không tự thỏa thuận được thì tòa án sẽ xem xét giải quyết. Khi đó, của hồi môn có được chia khi vợ chồng thực hiện thủ tục ly hôn hay không phụ thuộc vào việc tòa án xác định của hồi môn đó có phải tài sản chung của hai vợ chồng hay không.

Căn cứ theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Theo quy định trên nếu của hồi môn được bố mẹ vợ tặng cho hai vợ chồng thì là tài sản chung còn nếu bố mẹ vợ chỉ tặng cho con gái thì là tài sản riêng của vợ. Quy định là vậy nhưng theo truyền thống thì hiếm có bố mẹ vợ nào tặng của hồi môn lại nêu rõ “chỉ tặng riêng cho con gái, không tặng con rể”. Thực tế này dẫn tới nhiều trường hợp tranh chấp liên quan tới của hồi môn khi ly hôn. Theo thực tiễn xét xử của tòa án.

Đối với trường hợp của hồi môn là những tài sản bắt buộc phải đăng ký như: nhà đất, xe ô tô, xe máy hay các tài sản mà việc tặng cho từ bố mẹ sang cho con gái phải làm thành văn bản như cổ phần, cổ phiếu thì việc xác định hoàn toàn không khó. Bạn có thể căn cứ vào hợp đồng tặng cho nếu chỉ có tên bạn thì là tài sản riêng của bạn còn nếu có tên cả hai vợ, chồng thì là tài sản chung của hai vợ chồng và sẽ đem ra chia theo quy định của pháp luật khi ly hôn.

Đối với trường hợp của hồi môn là tiền, vàng hoặc tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu khác thì việc xác định việc bố mẹ tặng cho riêng hay chung trở lên phức tạp vì không có hợp đồng hay văn bản nào chứng minh. Khi đó, tòa án sẽ thu thập lời khai của bố mẹ vợ, của người làm chứng … để có căn cứ quyết định.

Luật sư Trần Hữu ThungĐoàn Luật sư Thành phố Hà Nội

H.D
Bình luận
vtcnews.vn