Cú 'xoay đầu' đột ngột của Tổng thống Trump: Chính sách mơ hồ của chính quyền với đầy rẫy những người hiếu chiến

Thế giớiThứ Hai, 24/06/2019 14:57:00 +07:00

Quyết định hủy tấn công Iran vào phút chót của Tổng thống Trump bóc trần sự mơ hồ của chính quyền "đầy rẫy" những người muốn đẩy Mỹ tới "miệng hố" chiến tranh.

Khi Iran tuyên bố bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ hôm 20/6, giông bão nổi lên ở Nhà Trắng. Các quan chức theo quan điểm cứng rắn với Iran coi đây là cái cớ không thể tốt hơn để thuyết phục Tổng thống Trump động binh nếu các vụ tấn công tàu chở dầu ở Vùng Vịnh chưa đủ để ông hạ quyết tâm. Nhưng Nhà Trắng không phải là mặt trận với toàn những chiến binh hừng hực khí thế chống Iran. 

Chiều 20/6, Tổng thống Trump, hơn ai hết là người chứng kiến các bất đồng quan điểm giữa 2 thái cực này trong phòng Tình huống.  

Trước khi bước vào căn phòng, nơi ra các quyết định tối quan trọng của nước Mỹ, ông chủ Nhà Trắng vẫn rất mơ hồ với câu hỏi sẽ làm gì với Iran.

trump

Tổng thống Trump cân não giữa các ý kiến trái chiều về Iran. (Ảnh: Washington Examiner)

Sự mơ hồ đó càng trở nên mông lung khi cuộc gặp giữa ông và các quan chức cao cấp nhất trong chính quyền chứng kiến sự đối địch giữa một bên đội ngũ cố an ninh quốc gia, trong đó có Phó tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Giám đốc CIA Gina Haspel, những người ủng hộ tấn công Iran và các quan chức Lầu Năm Góc, những người coi việc khởi phát xung đột là quá liều lĩnh. 

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện James Risch nói ông tận mắt chứng kiến Tổng thống Trump cân não như thế nào khi là người phải đưa ra quyết định trong khi Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Adam Smith cho biết ông chủ Nhà Trắng đã phải giằng xé giữa các lựa chọn. 

Ông Bolton và các quan chức lập luận rằng Mỹ phải mạnh tay với Iran nếu không Tehran và các quốc gia sẽ "nhờn" và leo thang các hành động nguy hiểm hơn. Nhưng Tướng Joseph F. Dunford Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và một số ý kiến cho rằng kể cả khi muốn răn đe, Washington cũng cần phải tính tới sự an nguy của các lực lượng và đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. 

Nghiêng về quan điểm của ông Dunford, một số lãnh đạo của Quốc hội và các cố vấn khác nhắc nhở Tổng thống Trump về cam kết không để Mỹ sa lầy thêm trong một cuộc chiến không hồi kết ở Trung Đông. 

Nhà lãnh đạo Mỹ khi đó có 2 lựa chọn, phê duyệt kế hoạch tấn công vào 3 mục tiêu của Iran, trong đó có các tổ hợp radar và tên lửa của phòng không Iran hoặc tìm kiếm một giải pháp khác. Ông chọn phương án 1. 

Khoảng 19h, các quan chức Mỹ được thông báo về cuộc không kích diễn ra từ 21h đến 22h, tức là rạng sáng theo giờ Iran. Các lực lượng Mỹ ở Trung Đông cũng được cảnh báo sẵn sàng cho một cuộc chiến. 

Nhưng chỉ 10 phút trước khi cuộc xung đột Mỹ-Iran nổ ra, Tổng thống Trump quyết định dừng lại tất cả. Không tờ báo Mỹ nào viết về phản ứng của những người tham gia cuộc họp cân não trước đó khi hay tin này. Nhưng ông Bolton có lẽ là người không vui nhất, còn với nhiều người bài trừ chiến tranh như ông Dunford, quyết định của ông Trump là điều đúng đắn. 

Giải thích về quyết định vào phút chót của mình, Trump nói ông đã yêu cầu các tướng lĩnh ước tính thương vong trong trường hợp Mỹ phát động một cuộc chiến và nhận ra rằng một cuộc xung đột là không đáng để trả đũa cho vụ bắn rơi máy bay không người lái.

"Tôi nghĩ về nó trong một giây và nói chúng ta sẽ ngồi đây chứng kiến 150 người chết mỗi nửa giờ nếu tôi thông qua quyết định đó. Tôi không thích điều này", ông Trump nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính tuyên bố này của Tổng thống Mỹ lại cho thấy một vấn đề nan giải. Thông thường, quyết định tấn công trước khi được thông qua phải trải qua các bước đánh giá hiệu, hậu quả, phân tích tình hình... trừ khi đó là trường hợp quá mức khẩn cấp. 

Khi nói bản thân hủy tấn công Iran vài phút sau khi được cung cấp các con số thương vong, ông Trump đang ngầm thừa nhận rằng các thông tin tối quan trọng này bị lược bỏ trong cuộc gặp với các quan chức chính quyền trước đó. Nhiều người không hiểu nổi vì sao một thông tin như vậy lại bị xem nhẹ, liệu có hay chăng xuất phát từ việc các phe cánh quá mải đấu đá nhau, bảo vệ quan điểm cá nhân của riêng mình mà không quan tâm tới toàn cục, lợi ích của nước Mỹ. 

Đắn đo tấn công Iran là vậy, khi kế hoạch này bị hủy bỏ, chính trường Mỹ, đặc biệt là Quốc hội cũng chia 5, xẻ 7 trong quan điểm liên quan tới cú quay đầu đột ngột của Tổng thống Trump. 

Nữ nghị sỹ Elizabeth Cheney tới từ đảng Cộng hòa nói bà không hài lòng với quyết định này vì không muốn để đối thủ nghĩ rằng một hành động gây hấn như bắn rơi một chiếc máy bay có giá tới 110 triệu USD sẽ chẳng bị Mỹ trừng phạt. Nghị sỹ Adam Kinzinger có cùng quan điểm khi khẳng định không trừng phạt khi Iran vượt qua "lằn ranh đỏ" là sai lầm.

Quan điểm này trái ngược với ý kiến của Thượng nghị sĩ Rand Paul (đảng Cộng hòa) và Dân biểu Thomas Massie, những người hoan nghênh việc Tổng thống kéo Mỹ ra khỏi bờ vực xung đột. 

iran

 Iran không muốn chiến tranh nhưng không ngán xung đột để bảo vệ lợi ích quốc gia trước mọi mối đe dọa. (Ảnh: EPA)

Nước Mỹ không phải bây giờ mới chứng kiến những cuộc đối đầu về quan điểm nhưng nhiều người cho rằng nó chưa bao giờ đáng quan ngại như dưới thời Tổng thống Trump (một người bước vào Nhà Trắng với xuất phát điểm bằng O trong kinh nghiệm chính trị), đặc biệt tại thời điểm Bộ Quốc phòng chưa tìm được người thích hợp đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng lâu dài.

Nhưng nỗi lo nước Mỹ rối loạn trong chính sách, bất đồng trong quan điểm không phải là mối quan ngại duy nhất. Giới quan sát cho rằng những diễn biến vừa qua cho thấy sự mơ hồ trong việc hoạch định chính sách của Tổng thống Trump. 

Ông ban đầu nói rằng vụ bắn rơi máy bay có thể không phải là ý định của chính quyền Iran và có thể là chủ ý của một cá nhân nào đó nhưng rồi bị cấp dưới thuyết phục tiến tới kế hoạch một cuộc tấn công vào Iran dù bản thân cho thấy rõ mình không muốn sa lầy vào cuộc chiến.

Sau khi ra quyết định bố cáo với toàn bộ chính quyền, ông lại thu hồi nhanh gọn như chưa hề có cuộc gặp căng như dây đàn cách đó chưa đầy 1 tiếng. Thậm chí theo một số nguồn tin, quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ còn bị ảnh hưởng bởi tuyên bố từ người dẫn chương trình mà ông yêu thích của Fox News là Tucker Carlson rằng các cuộc chiến tranh của Mỹ đều kết thúc trong thảm bại. 

Ông sau đó cảnh báo Iran sẽ bị xóa sổ, hủy diệt chưa từng thấy nếu bước vào cuộc chiến với Mỹ, nhưng rồi lại khẳng định cả 2 bên vẫn có thể trở thành bạn thân và quốc gia Hồi giáo hoàn toàn có thể trở nên thịnh vượng nếu từ bỏ tham vọng hạt nhân trong tuyên bố gia tăng trừng phạt với Iran. 

Theo các nhà phân tích, các tuyên bố "vừa đấm, vừa xoa", "lúc cứng rắn, khi mềm mỏng này" của ông Trump sẽ chẳng cho thấy ông là một người linh hoạt trong xử lý tình huống, điều mà ông từng rất giỏi khi còn là ông trùm truyền thông Mỹ, mà chỉ phác họa nên một vị Tổng thống với những tuyên bố trước sau bất nhất. 

Duy chỉ có một điều rất rõ ràng mà ai cũng có thể thấy, ông không muốn chiến tranh. Đó có thể là thông điệp ông muốn gửi tới các cử tri trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sắp tới nhưng cũng có thể là mong muốn không kéo Mỹ sa lầy dẫn đến những hậu quả không thể đo đếm của chính ông Trump.

Ông chủ Nhà Trắng từng khẳng định chính ông chứ không phải ai khác là người ra quyết định cuối cùng, nhưng trong một chính quyền với quá nhiều quan chức theo đuổi quan điểm hiếu chiến như hiện nay, giới quan sát cho rằng ông sẽ phải cứng rắn hơn nữa trước các lần rỉ tai của Cố vấn Bolton, những lời phân trần của Ngoại trưởng Pompeo và những người đang chực chờ đẩy Mỹ tới miệng hố chiến tranh ở Trung Đông. 

Họ có thể sẽ tiếp tục hối thúc ông chứng minh cho quốc gia Hồi giáo thấy Mỹ là một đất nước hùng mạnh, có thể san phẳng Iran bất cứ lúc nào và việc Washington không tấn công sau vụ máy bay bị bắn hạ vừa qua chỉ là "cử chỉ nhân đạo" tạm thời. 

Tổng thống Trump phải nhớ rằng chính ông chứ không phải Iran là người đã châm ngòi cho các hành động gây hấn của quốc gia này với quyết định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Quyết định này được đưa ra chỉ một tháng sau khi ông Pompeo được bổ nhiệm và phảng phất dấu ấn của ông Bolton. 

Về phần mình, Iran chắc chắn không muốn bị kéo vào một cuộc xung đột với Mỹ. Họ thừa hiểu việc đối đầu với cường quốc số 1 của thế giới về quân sự, quốc phòng sẽ gây ra những vết thương không bao giờ lành lại. Người hàng xóm Iraq là một ví dụ quá rõ ràng dù Tehran hùng mạnh và thiện chiến hơn. 

Như đại đa số các tướng lĩnh Iran khẳng định họ không muốn chiến tranh nhưng không hề ngán xung đột nếu an ninh quốc gia bị đe dọa. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo chính sách kinh tế và quân sự của Washington nếu vẫn duy trì như hiện nay sẽ đẩy Tehran tới bước đường cùng, đặc biệt các lệnh trừng phạt bóp nghẹt kinh tế của quốc gia này và liên tiếp các đợt điều động quân, khí tài của Mỹ tới Trung Đông. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn